Tâm lý e ngại đến bệnh viện trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp là điều dễ hiểu, và xuất hiện ở nhiều người dân. Tuy nhiên, việc không nắm bắt kịp thời các dấu hiệu của cơ thể khiến nhiều người tới bệnh viện trong tình trạng bệnh đã chuyển nặng, gây khó khăn trong công tác điều trị.
Bệnh trở nặng mới đến viện cấp cứu
Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, thời gian gần đây số lượng trẻ được chẩn đoán viêm ruột thừa do nhập viện muộn gây biến chứng có xu hướng gia tăng. Hầu hết các trường hợp đều do gia đình có tâm lý e ngại đi khám bệnh mùa dịch.
Bệnh nhi T.C.T. (7 tuổi) nhập viện trong tình trạng đau bụng liên tục, sốt, đi ngoài, nôn. Gia đình cho biết, trẻ bắt đầu có biểu hiện đau bụng từ khoảng 1 tuần trước đó, tuy nhiên do lo ngại dịch bệnh Covid-19, khu vực sinh sống hạn chế đi lại nên gia đình chưa cho con đến bệnh viện.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhi bị viêm ruột thừa giai đoạn muộn, biến chứng ruột thừa đã vỡ, gây viêm nhiễm lan tràn trong ổ bụng, nguy cơ chảy máu, tổn thương đường tiêu hoá rất lớn. Không thể phẫu thuật cho trẻ phương pháp nội soi đơn giản như những ca phẫu thuật viêm ruột thừa khác, các y, bác sĩ buộc phải chuyển sang phương pháp mổ mở mới có thể xử lý triệt để tổn thương cho trẻ.
Một trường hợp khác tương tự, cũng đau bụng từ trước đó 1 tuần, bé N.H.A. (6 tuổi) nhập viện Nhi Trung ương trong tình trạng ruột thừa vỡ thành 1 khối áp-xe. Bệnh nhi phải trải qua thời kỳ điều trị rất dài sau khi được các bác sĩ phẫu thuật thành công bởi việc gỡ dính, cắt ruột thừa, hút sửa sạch ổ áp-xe khiến trẻ cần sử dụng nhiều loại kháng sinh và đòi hỏi quá trình phục hồi chức năng tiêu hoá tích cực.
Theo các chuyên gia y tế, những bệnh thông thường như viêm ruột thừa, sỏi túi mật, sỏi thận… bệnh nhân thường tự ý mua thuốc để điều trị tại nhà khi có dấu hiệu đau đớn, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tâm lý e ngại đến viện xuất hiện, nhưng rất nguy hiểm nếu xuất hiện biến chứng. Những biến chứng này làm cuộc phẫu thuật trở nên phức tạp, phải mổ mở thay vì mổ nội soi hay can thiệp tối thiểu, kéo dài thời gian nằm viện, tăng chi phí và công sức chăm sóc người bệnh, gây tốn kém cho cả người bệnh, gia đình và xã hội.
Đơn cử, đối với căn bệnh viêm ruột thừa, nếu như bình thường, việc phẫu thuật được thực hiện an toàn và hiệu quả, thời gian điều trị chỉ có 2-3 ngày thì trong trường hợp không điều trị kịp thời, để lâu dài bệnh có thể tiến triển đến giai đoạn căng chứa mủ, tiết dịch ra xung quanh, hoại tử, vỡ… thậm chí có thể gây nhiễm trùng máu, sốc nhiễm khuẩn, đe doạ đến tính mạng của người bệnh. Bên cạnh đó, việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều, vì lý do an toàn cho người bệnh, các bác sĩ cần kết hợp mổ mở mới có thể điều trị triệt để tổn thương, thời gian nằm viện sẽ phải kéo dài đến 10-15 ngày, việc chăm sóc phẫu thuật cũng phức tạp hơn rất nhiều.
Trì hoãn đi khám, hệ lụy khó lường
PGS.TS Phạm Duy Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: E ngại phải đến bệnh viện khi tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp là tâm lý dễ hiểu. Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ, các biểu hiện bệnh thường mơ hồ hoặc diễn biến nhanh, phức tạp. Việc phụ huynh quá hoang mang, lo sợ dịch Covid-19 hoặc lơ là, chủ quan mà trì hoãn đưa trẻ đến bệnh viện có thể vô tình gây hại cho trẻ. Cha mẹ cần chú ý, chủ động theo dõi và nhận diện những dấu hiệu bất thường để kịp thời đưa trẻ đi khám, tránh bỏ qua thời điểm vàng trong chẩn đoán và điều trị bệnh cho trẻ.
Không chỉ trẻ em, đối với người lớn, việc tự ý mua thuốc về điều trị mà không đến bệnh viện khám khi xuất hiện triệu chứng bệnh có thể ảnh hưởng đến cả tính mạng.
Bệnh nhân 64 tuổi tại Thạch Thất, Hà Nội có bệnh gout mạn tính, viêm loét dạ dày, suy thận mạn nhưng không đến bệnh viện khám định kỳ mà tự ý mua thuốc trên mạng để điều trị. Bệnh nhân nhập Bệnh viện đa khoa Thạch Thất trong tình trạng cấp cứu, nôn ra máu, ngừng thở. Dù đã được các bác sĩ nỗ lực hết sức nhưng bệnh nhân đã tử vong vì đến viện quá muộn.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương lý giải: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội nên việc bệnh nhân đi lại khám bệnh khó khăn, tâm lý e ngại đến viện là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, rất nhiều loại bệnh nếu không tận dụng được thời gian vàng để điều trị thì cũng gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh không kém gì Covid-19.
Chuyên gia cho rằng, trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, người dân không tụ tập, đi đến nơi đông người nhưng điều đó không có nghĩa là khi có bệnh, người dân không đến bệnh viện, đặc biệt là đối tượng trẻ em, người già, bệnh dễ diễn biến rất nhanh khiến nhiều hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, người dân có thể liên hệ với bác sĩ trước khi đến bệnh viện qua đường dây nóng, mạng xã hội đã được rất nhiều bệnh viện áp dụng trong thời gian gần đây để được tư vấn. Trong trường hợp những dấu hiệu khẩn cấp, bệnh nhân sẽ được khuyến cáo đến viện sớm để cấp cứu kịp thời. Các ca bệnh nhẹ sẽ được chữa bệnh từ xa bởi các bác sĩ, tránh tình trạng tự ý điều trị dẫn tới bệnh nhẹ chuyển thành bệnh nặng nguy hiểm tính mạng.