Ngày 28/5, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Vấn đề cơ chế chia sẻ rủi ro và kiểm toán đối với các dự án PPP nhận được sự tranh luận của nhiều ĐB.
Một số ý kiến đại biểu cho rằng: Nếu kiểm toán tuân thủ đúng quy định thì thời gian qua không có tình trạng các dự án BOT đặt sai vị trí, làm đường một nơi, đặt trạm thu phí một nơi. Ảnh: Quang Vinh.
Chia sẻ rủi ro thế nào?
Cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu là vấn đề hiện nay còn nhận được nhiều sự tranh luận từ các ĐB. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình 2 phương án. Theo phương án 1: Khi doanh thu thực tế chỉ đạt 75% doanh thu trong phương án tài chính trở xuống, với các dự án đủ điều kiện, Nhà nước bắt đầu xem xét, tính toán việc chia sẻ phần giảm doanh thu. Khi doanh thu thực tế đạt từ 125% doanh thu trong phương án tài chính trở lên, Nhà nước bắt đầu xem xét, yêu cầu nhà đầu tư chia sẻ phần tăng doanh thu. Còn theo phương án 2: Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP 50% phần lỗ sau điểm hòa vốn so với phương án tài chính tại hợp đồng hoặc nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chia sẻ với Nhà nước 50% phần lãi tăng thêm sau điểm hòa vốn so với phương án tài chính tại hợp đồng nhằm bảo đảm sự bình đẳng trong mối quan hệ chia sẻ giữa Nhà nước và tư nhân.
Bày tỏ quan điểm đồng tình với phương án 1, ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng: Vấn đề cơ chế chia sẻ rủi ro dựa vào doanh thu chứ không phải dựa vào lỗ lãi. Bởi vì doanh thu của dự án PPP được tính trên cơ sở số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ công khi thiết kế dự án. Nếu số lượng khách hàng sụt giảm thì tổng doanh thu sụt giảm, như vậy phải chia sẻ cho nhà đầu tư khi doanh thu giảm. Còn lượng khách hàng vẫn giữ nguyên nhưng nhà đầu tư đầu tư không tốt dẫn đến lỗ thì nhà đầu tư phải chịu. Như vậy không nhất thiết cứ phải sử dụng nguồn ngân sách để bù lỗ. Trong trường hợp gặp rủi ro do chính sách pháp luật hoặc do những thay đổi lớn về quy hoạch thì trong trường hợp này không phải là Nhà nước đứng ra chia sẻ rủi ro 50-50 mà thậm chí Nhà nước phải bồi thường, đền bù cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) đề nghị chọn phương án 2. Bởi lẽ qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra thì mới biết được doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án PPP khi đi vào hoạt động kinh doanh có bảo đảm tính minh bạch? Việc đầu tư cơ sở hạ tầng và các hạng mục khác có đúng mục đích hay không? Hoặc không gây thất thoát, lãng phí của nhà nước nhưng đồng thời vẫn bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp đầu tư. Còn ĐB Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu) cho rằng làm kinh tế thị trường phải theo thị trường. Theo kinh tế thị trường, đóng góp chung làm giữa Nhà nước và tư nhân thì lời cùng hưởng, mà lỗ cũng chia sẻ. Đó là nguyên tắc bình thường.
Giải trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Nếu giảm doanh thu dưới 75% thì Nhà nước mới phải chia sẻ. Trước khi chia sẻ thì phải thực hiện điều chỉnh các hợp đồng như thời hạn thu, mức thu và chia theo tỷ lệ 50-50. Như vậy doanh thu từ 76% đến 100% là nhà đầu tư tự chịu. Khi doanh thu tăng thì trên 125%, bất kể lý do nào nhà đầu tư cũng chia 50-50 với Nhà nước.
Kiểm toán các dự án PPP để ngăn chặn sai phạm
Nhiều ĐB đã bày tỏ sự băn khoăn trước quy định hoạt động Kiểm toán Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP. Liên quan đến vấn đề trên, ĐB Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) cho rằng: Nếu kiểm toán để đảm bảo tuân thủ đúng quy định thì thời gian qua sẽ không có tình trạng các dự án BOT đặt sai vị trí, làm đường một nơi, đặt trạm thu phí một nơi.
Theo ông Phương, nếu tuân thủ kiểm toán đúng thì sẽ phát huy tác dụng tốt. Do đó việc “ngại” Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán là điều không bình thường. Bởi vì khi Nhà nước kêu gọi đầu tư dự án PPP thì luôn bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân, không bao giờ để nhà đầu tư chịu thiệt. “Chúng ta đã có những bài học đầy đau xót về những sai phạm trong thời gian vừa qua”-ông Phương bày tỏ.
Các đại biểu tại nghị trường ngày 28/5.
Cùng chung quan điểm, ĐB Nguyễn Thanh Hiền (đoàn Nghệ An) nhìn nhận bản chất của dự án đầu tư PPP là hợp đồng đầu tư của Nhà nước để thu hút nguồn lực đầu tư, huy động nguồn lực của tư nhân để đầu tư công trình công. Nhà nước thực hiện đầu tư qua hợp đồng PPP không trực tiếp trả kinh phí cho nhà đầu tư mà cho phép nhà đầu tư được thu phí với mức thu và thời hạn thu do Nhà nước quy định hoặc trả bằng giá trị quyền sử dụng đất.
Từ phân tích trên, ông Hiền nói: “Nếu không kiểm toán phương án đầu tư, phương án tài chính và không kiểm toán toàn diện dự án PPP thì không thể xác định được mức thu phí, thời gian thu phí, không thể xác định chính xác giá đất để thanh toán cho nhà đầu tư. Vì vậy dự thảo luật cần quy định kiểm toán toàn diện đối với dự án PPP”.
Ở góc độ khác, dẫn việc “theo Điều 118 của Hiến pháp, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân thủ theo pháp luật”, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán vốn nhà nước hỗ trợ công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình bồi thường và hỗ trợ tái định cư là chưa đủ, chưa xem xét dự án PPP với tư cách dự án xây dựng cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình, hạ tầng cung cấp dịch vụ công khi đây là tài sản công và việc quản lý, sử dụng tài sản này là đối tượng của Kiểm toán Nhà nước.
Vì vậy để nâng cao vai trò, hiệu quả của luật, theo ông Phương cần phải để Kiểm toán Nhà nước tham gia ngay từ đầu để quy định cụ thể quy mô đầu tư tối thiểu với các lĩnh vực, việc áp dụng loại hợp đồng kinh doanh, quản lý nhằm góp phần phân loại dự án, phù hợp với đặc thù của dự án đầu tư PPP. Bởi lẽ thời gian qua, nhờ có Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí giao thông đối với nhiều dự án BOT, đã giảm thất thoát ngân sách hàng nghìn tỷ đồng đối với dự án đầu tư PPP.
Công khai, minh bạch đầu tư PPP để người dân giám sát
ĐB Phạm Thị Thu Trang (đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, cần bổ sung hình thức công khai cộng đồng về thông tin dự án PPP tại nơi có dự án để bảo đảm MTTQ Việt Nam và người dân tham gia giám sát, tăng cường hiệu quả giám sát cộng đồng với dự án PPP.