Ngắm linh vật thuần Việt

Minh Quang 26/10/2015 09:50

Vào 28/10 tới đây, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sẽ khai mạc trưng bày chuyên đề “Linh vật Việt Nam”. Khách tham quan sẽ có dịp chiêm ngưỡng 27 loại hình linh vật Việt Nam, với gần 100 hiện vật tiêu biểu đang được lưu trữ tại bảo tàng.

Linh vật Việt Nam được thể hiện trên các hiện vật cổ.

Ông Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, trưng bày chuyên đề lần này không nằm ngoài mục đích tạo điều kiện cho công chúng tìm hiểu và nhận thức sâu sắc hơn về về sự phong phú và độc đáo của các linh vật trong văn hóa Việt Nam. Giúp cho khách tham quan một cái nhìn khái quát về diễn biến phát triển, đặc điểm tạo hình, phong cách nghệ thuật, chức năng sử dụng cùng những ý nghĩa biểu tượng văn hóa của các linh vật Việt Nam; cung cấp những dữ liệu để tìm hiểu, nghiên cứu nhiều khía cạnh khác nhau về đời sống xã hội, tâm linh của người Việt trong lịch sử. Từ đó góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam, khơi gợi ý thức văn hóa dân tộc trong việc sử dụng các biểu tượng văn hóa.

Linh vật trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam có nhiều loại khác nhau, do người Việt Nam sáng tạo nên hoặc giao lưu, tiếp biến từ các nền văn hóa bên ngoài, được sử dụng rộng rãi từ lâu đời, phản ánh sâu sắc đời sống tâm linh, văn hóa dân tộc. Mỗi linh vật trong quá trình hình thành, phát triển vừa thể hiện bản sắc riêng phù hợp với truyền thống văn hóa, vừa mang đặc điểm, phong cách nghệ thuật đặc trưng riêng của mỗi thời kỳ lịch sử.

Trưng bày chuyên đề “Linh vật Việt Nam”, với diện tích khoảng 200m² sẽ giới thiệu các loại hình linh vật tiêu biểu gồm: Vật tổ trong văn hóa Đông Sơn; hình tượng Rồng; hình tượng Kỳ Lân; hình tượng Rùa, Long mã; hình tượng Phượng; hình tượng Hạc; hình tượng Cá hóa rồng; hình tượng Ngựa có cánh; hình tượng Chim thần Garuda; hình tượng Si vẫn; hình tượng Bồ lao; hình tượng Thao Thiết; hình tượng Tiêu Đồ; hình tượng Tích Tà; hình tượng Rắn; hình tượng Hổ; hình tượng Chó; hình tượng Voi; hình tượng Khỉ; hình tượng Uyên ương; Sư tử - Nghê; 12 con giáp.

Theo Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, phục vụ cho trưng bày chuyên đề này, công tác chuẩn bị được lên đề cương rất chi tiết. Khách tham quan tới đây sẽ hiểu rõ hơn về tín ngưỡng thờ vật tổ (Tô tem giáo) của người Việt cổ, qua hiện vật trưng bày là trống đồng Thọ Vực trang trí hình chim Lạc, văn hóa Đông Sơn.

Hình tượng Rồng của người Việt sẽ được giới thiệu thông qua các hiện vật gồm: Giáo trang trí giao long, đồng, văn hóa Đông Sơn; tấm che ngực trang trí giao long, đồng, văn hóa Đông Sơn; đĩa vẽ rồng, gốm, thời Lê Sơ; lư hương trang trí rồng, đất nung, thời Lê trung hưng; tượng rồng, vàng, ngọc, thời Nguyễn; ấn “Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ” thời Nguyễn.

Hình tượng Kỳ lân cũng có một khu vực trưng bày giúp cho khách tham quan hiểu hơn về một loại linh vật mà lâu nay trong đời sống dân gian thường có sự nhầm lẫn giữa Kỳ lân và Sư tử. Tuy nhiên, trong nghệ thuật cổ Việt Nam thì quy định khác biệt rất rõ ràng về hình thức, ý nghĩa biểu trưng.

Theo đó, Kỳ lân thường mang đặc điểm là đầu nửa rồng, nửa thú, trêu đầu có một hoặc hai sừng, thân của động vật móng guốc, vảy cá. Theo điển chế thời Lê, Kỳ lân biểu trưng cho hoàng tử, hoàng thân. Thời Nguyễn, Kỳ lân biểu trưng cho các quan võ hàm nhất phẩm. Những hiện vật được trưng bày sẽ là đĩa, hũ trang trí Kỳ lân, gốm, thời Lê sơ; tượng Kỳ lân, gỗ, thời Lê sơ.

Hoặc hình tượng Rùa, Long mã theo quan niệm của người Việt Nam thì Rùa biểu trưng cho sự bền vững, trường tồn. Bởi vậy, Rùa thường được tạc thành tượng để đội bia đá, tháp Phật. Trong bối cảnh này, rùa thường được mô tả khá hiện thực.

Từ cuối thời Lê Trung Hưng, đặc biệt là trong thời Nguyễn, Rùa thường xuất hiện thành cặp với Long Mã trong đề tài Long Mã cõng Hà đồ - Thần Quy chở Lạc thư. Các hiện vật trưng bày minh họa cho linh vật này sẽ bao gồm: hũ vẽ Long Mã cõng Hà đồ - Thần Quy chở Lạc thư, gốm, thời Nguyễn; cặp khay (chỉ còn đế) vẽ Long Mã cõng Hà đồ - Thần Quy chở Lạc thư, gốm, thời Nguyễn; ân “Quốc mẫu chi bảo” có núm hình Rùa, bạc, vàng, thời Nguyễn; tượng Long mã, đồng, thời Nguyễn…

Tương tự hình tượng Phượng- vốn là linh vật có nguồn gốc từ thần thoại và nghệ thuật Trung Hoa, được nhiều nước Á Đông tiếp nhận và sử dụng. Ở Việt Nam, Phượng là đề tài trang trí phổ biến ở mọi thời đại, trên mọi lĩnh vực nghệ thuật khác nhau. Trưng bày lần này sẽ giới thiệu hình tượng Phượng thông qua các hiện vật: lá đề hình phượng, đất nung, thời Lý; đĩa vẽ phượng, gốm, thời Lê sơ; cặp phượng chầu, gỗ, thời Lê trung hưng; hài thờ hình Phượng, bạc khảm vàng, thời Nguyễn…

Một linh vật được nghe nói đến nhiều là Hạc - vốn ban đầu là linh vật của Đạo giáo, là vật cưỡi của chư tiên, tượng trưng cho sự thanh cao, thoát tục, ung dung tự tại, trường sinh bất tử. Hạc cùng với đào và lộc là 3 bảo bối của Thọ tinh (Ông Thọ). Tuy nhiên, ở Việt Nam việc sử dụng hỗn hợp các hình tượng tôn giáo khá phổ biến. Bởi vậy, Hạc thường được mô tả đứng chầu trên lưng rùa hoặc trong đề tài Tiên cưỡi Hạc trên điêu khắc gỗ đình, đền, chùa. Hình tượng Hạc xuất hiện nhiều trên phù điêu Tiên cưỡi hạc, gỗ, thời Lê trung hưng

Đặc biệt, trưng bày chuyên đề lần này còn thí điểm ứng dụng công nghệ trình chiếu, tương tác 3D (trình chiếu 3D Hologram) một số hiện vật đặc sắc nhưng không có điều kiện giới thiệu trong phòng trưng bày nhằm giúp khách tham quan có được những trải nghiệm thú vị và cảm nhận sự phong phú, đa dạng của sưu tập “Linh vật Việt Nam” hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Thời gian trưng bày sẽ kéo dài đến tháng 2/2016.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngắm linh vật thuần Việt