Ngẫm nghĩ từ lòng tham

Nguyễn Hòa 31/08/2018 09:05

Từ ngày tiếp xúc với triết lý nhà Phật, trong nhiều điều khiến tôi suy nghĩ có quan niệm về “tam độc” với: Tham (raga - tham lam) - Sân (dvesha - tức giận) - Si (moha - mê muội, mê lầm, có thể hiểu như vô minh - avidya). Rồi tôi kết luận trong “tam độc”, xem ra Tham là khó khắc phục nhất, còn Sân - Si thì khả thể. Bởi nếu cố gắng, khi tức giận vẫn có thể tự kiềm chế; khi mê muội, mê lầm vẫn có thể tự thay đổi bằng học hỏi; còn Tham đeo bám con người hằng ngày, tới mức đôi khi có việc xong xuôi m

Ngẫm nghĩ từ lòng tham

Còn như Đức Phật dạy: “Vực sâu lớn nhất của đời người là tham lam”, hay như M. McLaughlin nói: “Tất cả chúng ta đều được sinh ra can đảm, tin tưởng, tham lam, và sự tham lam ở lại với hầu hết chúng ta”. Hoặc có người bàn về thói tham lam rồi kết luận “Nhân chi sơ tính bản tham!”. Hoặc có truyện dân gian kể sau khi chứng kiến sự tham lam của người đời, một Thiền sư viết lên tường lời than: “Trời đất bao la song lòng tham của con người còn mênh mông hơn thế!”. Hoặc như câu nói của ai đó mà tôi không nhớ: “Lòng tham là cái bẫy vô hình đáng sợ nhất”. Hoặc nếu phương Tây có truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng, thì rất nhiều người Việt Nam cũng biết hai câu lục bát: “Ăn quả khế trả cục vàng - May túi ba gang mang đi mà đựng”! Và chính vì tham mà người ta đã gây chiến tranh xâm lược, chính vì tham mà nhiều người trở thành kẻ bất lương…

Tham đeo bám theo con người hằng ngày vì gắn với nhu cầu. Về đại thể, nhu cầu của con người nói chung, nhu cầu của mỗi người nói riêng là hết sức đa dạng. Có lẽ từ khi nhận thức được việc thỏa mãn nhu cầu của mỗi người cần đặt trong liên hệ với khả năng đáp ứng của cộng đồng mà từ xa xưa, trong văn hóa dân gian xuất hiện nhiều câu tục ngữ có ý nhắc nhở, như “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” chẳng hạn. Câu tục ngữ đề cập hai việc ngồi và ăn. Theo đó, khi ngồi phải xem hướng, tránh chổng mông về hướng bàn thờ, hoặc vào mặt người khác; khi ăn phải nhìn, nồi cơm còn ít mà vẫn xơi tơi tới thì không nên, thức ăn trong mâm lèo tèo mà vẫn gắp nhoay nhoáy thì không được…

Thời tôi mới nhập ngũ đất nước đang rất khó khăn, tiêu chuẩn hằng ngày của lính có 0,54 kg lương thực, chia ba bữa. Sáng một nắm bột mỳ luộc to bằng nắp chuông xe đạp nên gọi là “nắp chuông”, bữa trưa lưng bát cơm và một “nắp chuông”, bữa chiều lại một “nắp chuông” và lưng cơm. Đại đội toàn lính mười tám đôi mươi, ăn không đủ nên đói rạc đói rài, rất khó ngủ. Nhiều buổi tối phải đề nghị tiểu đội trưởng cho một tay vượt đồi lẻn ra nhà dân mua sắn, luộc rồi bê về. Không đèn đóm, anh em vừa ăn vừa rì rầm. Trong đại đội có một anh ăn rất khỏe nhưng lại chẳng biết nhường nhịn. Việc đầu tiên trước khi ăn là anh vục bát vào xoong cơm, đắp một bát thật đầy, còn bao nhiêu thì anh em chia nhau, cơm đã ít lại càng ít. Để rồi, hễ anh đứng vào hàng đang chờ đủ sáu người một mâm để trực ban gọi vào nhà ăn là anh em lùi xuống, không muốn ăn cùng. Có lần anh em lùi mãi, lùi mãi, còn mỗi mình anh đứng hàng đầu! Nghĩ cũng tội, nhưng làm sao được, anh chỉ biết vì mình, không biết vì người khác thì hệ quả là vậy.

Đọc tục ngữ, ca dao, thành ngữ,… tôi ít gặp câu liên quan Sân - Si, nhưng liên quan tới Tham thì khá nhiều. Đại loại: Tham thì thâm, Tham mờ mắt, Tham lầm thân mạt, Tham thực cực thân, Lòng tham không đáy, Tham trăng quên đèn, Có một lại muốn có hai - Có ba, có bốn, lại nài có năm, Biến đá cho hóa ra vàng-Vẫn chưa thỏa mãn lòng tham con người, Tham vàng bỏ đống gạch dầy -Vàng thì ăn hết, gạch xây nên thành, Đừng nên tham phú, phụ hèn - Đừng như châu chấu sáng đèn nhảy vô, Chim tham ăn sa vào vòng lưới - Cá tham mồi mắc phải lưỡi câu… Thế nên ngày trước, thời hợp tác xã nông nghiệp còn phổ biến, đến làng nọ thấy bảo chủ nhiệm hợp tác xã ở đây gánh trọng trách đã mấy nhiệm kỳ liền, tôi tò mò hỏi một bác: “Ông ấy giỏi, trong làng không có ai giỏi bằng nên bà con bầu liên tục hả bác?”, bác trả lời: “Làng không thiếu người, nhưng bầu người mới lên, họ ăn từ đầu thì chết. Bầu người cũ, ăn no rồi, đỡ hơn!”. Tôi liền nửa đùa nửa thật dẫn lại câu “Có một, lại muốn có hai - Có ba, có bốn, lại nài có năm”, bác cười buồn rồi tự an ủi: “Dù sao cũng đỡ hơn, chú ạ”. Vậy là để phòng chống “tham quan, ô lại”, dân làng này sử dụng một thủ pháp mà tôi đồ rằng khó có thể tìm thấy trong các sách vở, lý thuyết về phòng chống tham nhũng!

Cũng lâu rồi, về thăm nhà chú em cùng đơn vị cũ, anh em đang bù khú thì chú bảo: “Anh có tiền đưa em, đưa một triệu bảo đảm cuối năm sẽ có hai triệu”. Nghe chú nói tôi ngạc nhiên, không biết chú buôn bán gì mà lãi kinh thế. Hỏi thì té ra làng chú đang có phong trào “chơi ống” - một kiểu “chơi “hụi”. Chú kể anh nào “đổ ống” thì vui như tết, sắm sanh thoải mái, oánh chén bét nhè. Thấy tiền bạc không lưu thông, chỉ nằm yên một chỗ, sau mấy tháng lại “đẻ” ra chí ít gấp đôi nghe có cái gì đó thiếu tin cậy, vả lại tôi cũng chẳng lấy đâu ra tiền, nên từ chối. Nửa năm sau, chú đến nhà tôi, vẻ mặt ỉu xìu. Cơm nước xong, ấp úng mãi chú mới hỏi anh có TV, đài, xe đạp,… cũ không dùng nữa thì cho em. Và chú kể vừa bị “vỡ ống”, giờ xin được gì thì xin, đem về gán nợ. Tôi vừa thương chú lại vừa mừng, hú vía vì mấy tháng trước không có tiền gửi! Từ đó tôi để ý thấy việc mất mát tiền bạc, khuynh gia bại sản vì vỡ hụi, vì góp vốn được trả lãi suất cao, vì đầu tư vào dự án trời ơi đất hỡi,… không phải là chuyện hy hữu mà khá phổ biến, xảy ra từ bắc vào nam, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi lên miền ngược. Lạ một điều là dù có vô số bài học nhãn tiền mà nhiều người vẫn không tỉnh táo xem xét, vẫn lao vào như thiêu thân, để làm hại chính mình, làm khổ gia đình. Nói thì nặng lời, nhưng với các trường hợp này, phải nói thẳng là trước sau cũng chỉ vì “tham mờ mắt” nên “tham lầm thân mạt”, và như thế, điều ai đó nói: “Một khi con người đã bị lòng tham làm mờ hai mắt, thì sẽ không­ thể phân biệt được đúng sai, phải trái” là hữu lý. Do vậy mà đầu thế kỷ 20, siêu lừa V. Lustig đã hai lần trót lọt lừa bán tháp Eiffel để làm… sắt vụn, mà người bị lừa vẫn đành ngậm đắng nuốt cay, vì kiện cáo thì xấu hổ!

Tuy nhiên, dù vì tham để bị lừa, “tiền mất tật mang”, có đáng lo ngại thì cũng chưa bằng thủ đoạn của số người lợi dụng lòng tin, lòng tham của người đời để lừa đảo. Như lần tôi ghé một chợ miền núi. Thấy quýt vừa to vừa mọng, tôi hỏi ngọt hay chua, chị bán hàng bảo quýt ngọt và đưa mấy múi ăn thử. Quýt ngọt lừ, tôi mua dăm chục. Về nhà, con gái thích lắm, bóc luôn một quả, vừa ăn một múi thì cháu la thất thanh vì quýt chua lòm, rồi bảo: “Bố bị lừa rồi!”. Thì ra chị bán hàng cho thử quýt ngọt, bán quýt chua! Từ đó, mua gì tôi cũng lo bị lừa, và giải quyết bằng cách chỉ mua tại cửa hàng quen. Một lần kể với cụ hàng xóm, cụ lại bảo: “Càng quen càng lèn cho đau!”, đúng là chẳng biết đằng nào mà lần. Nghe có vẻ vô lý, song ngẫm cũng có lý. Bởi đôi lần tôi có may mắn được người bán hàng quen biết cân thiếu, hoặc bán với giá đắt hơn hàng khác, mà lần nào tôi đến mua, cô bán hàng cũng rất xởi lởi, cũng hứa hẹn… anh yên tâm!

Mới rồi, lại có tin vì thấy lãnh đạo Skymining quảng bá dự án đầu tư mua máy đào tiền ảo, lợi nhuận được hưởng tới 300% trong thời gian 12 - 15 tháng, mà nhiều nhà đầu tư đã góp vốn với mức tiền khác nhau, từ 500 USD tới hàng nghìn USD, thậm chí có người góp 75.000 USD. Và kịch bản cũ tái diễn là: tổ chức đoàn xe Audi, Camry chở nhà đầu tư tham quan xưởng vận hành máy đào tiền ảo, thời gian đầu trả lãi đúng hẹn, rồi bắt đầu chậm trễ và không trả lãi suất như cam kết. Đến khi không biết “tổng giám đốc biến đâu mất” thì tất cả nháo nhào! Vậy là, vì lãi suất cao mà nhiều người vẫn ngây thơ đặt niềm tin vào lời quảng cáo có cánh, mà nếu tỉnh táo thì phải nghi ngờ. Song hình ảnh đại gia áo quần bảnh bao, xài toàn đồ hiệu, vàng đeo đầy người, cưỡi xế hộp, chém gió như thần, buông lời đường mật bất tận, hứa hẹn như đinh đóng cột,… vẫn có sức hấp dẫn, vẫn được góp sức để nối dài danh sách nạn nhân của lừa đảo.

Nhìn rộng ra, vì tham mà có người gắn mác Made in Vietnam lên khăn lụa Trung Quốc để bán với giá cao hơn giá gốc gần chục lần, nhuộm khoai tây Trung Quốc bằng đất đỏ, biến thành khoai tây Đà Lạt để bán cho đồng loại. Rồi, vì tham mà trả “tiền âm phủ” cho khách nước ngoài, hét giá 50 USD một cân mận khi giá thực chỉ có 35 nghìn VND. Vì tham mà sản xuất thuốc giả bán cho người bệnh. Vì tham số tài sản, đất đai cha mẹ để lại mà anh em tàn hại lẫn nhau. Vì tham mà láng giềng thành kẻ thù. Vì tham mà bạn bè trở thành đối tượng lừa đảo. Vì tham mà “phù phép” biến thực phẩm ôi thiu, hư thối thành “đặc sản” bán cho người tiêu dùng. Vì tham mà nhẫn tâm giở đủ trò để vét túi tiền của người già, trẻ nhỏ. Vì tham mà có “ông Tây” trời ơi đất hỡi kết bạn qua Facebook để chuyển quà, chuyển tiền cũng có người trả với lệ phí cao để không nhận được gì cả. Vì tham mà nuôi lợn bằng chất cấm để đầu độc người khác. Và vì tham mà lại có khái niệm “quan tham”…

Tóm lại, nói như E. Fromm thì lòng tham là cái hố không đáy có thể làm kiệt sức con người trong nỗ lực bất tận tìm cách thỏa mãn nhu cầu mà không bao giờ chạm tới được sự thỏa mãn. Trong nỗ lực bất tận đó, con người vừa có thể là nạn nhân của lòng tham, vừa có thể biến đồng loại của mình thành nạn nhân của lòng tham. Triết lý nhà Phật coi Tham - Sân - Si là nguồn gốc tạo nghiệp ác, coi việc diệt trừ Tham - Sân - Si không phải là dễ dàng. Ngẫm nghĩ tôi thấy, để diệt trừ Tham - Sân - Si vốn vẫn ẩn náu đâu đó trong mỗi người, có lẽ cần quan tâm tới câu nói của Napoleon Hill: “Không ai có thể khiến bạn ghen tị, tức giận, thù hận hoặc tham lam - trừ khi chính bạn cho phép điều đó”!

NH - 8/2018

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngẫm nghĩ từ lòng tham