Với khoản thu hơn 1 tỷ USD mỗi năm, cây hồ tiêu đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho hàng triệu người nông dân Việt Nam. Ngoài kết quả đạt được thì ngành hồ tiêu cũng đang đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn do không kiểm soát dư lượng thuốc BVTV.
Trong vài năm trở lại đây giá hồ tiêu giao động ở mức từ 170.000đồng/kg đến 200.000đồng/kg, khiến nhiều nông dân đua nhau mở rộng diện tích và thâm canh quá mức loại nông sản này. Hậu quả là tại nhiều nơi, dịch bệnh lây lan nhanh, hồ tiêu chết hàng loạt. Bên cạnh những vấn đề về tốc độ mở rộng diện tích quá mức, dịch bệnh tràn lan thì vấn đề tồn dư lượng thuốc BVTV có trong sản phẩm hồ tiêu đang khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu gặp khó trong cạnh tranh.
Ông Hoàng Phước Bính, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho biết: Nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tiêu Việt Nam đã bị một số nước như Đức, Hà Lan… trả lại hàng do dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép. Tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ hoạt chất Carbendazim được coi là chất cấm trong thực phẩm nếu các DNXK hồ tiêu Việt Nam không cam kết đảm bảo gần bằng không thì sẽ ngưng nhập khẩu.
Theo đại diện nhiều DNXK hồ tiêu các tỉnh Tây Nguyên, để xuất khẩu hồ tiêu ra thị trường thế giới, các DNXK phải cam kết không có khoảng 600 hoạt chất cấm, hạn chế trong hồ tiêu được các đơn vị thu mua nước ngoài đưa ra. Tuy nhiên, cái khó tại Việt Nam là việc thu gom sản phẩm hồ tiêu chủ yếu thông qua kênh thương lái nên rất khó để quản lí chất lượng sản phẩm, hơn nữa việc kiểm định chất lượng hồ tiêu hiện nay trong nước vẫn chưa có phòng thí nghiệm nào đáp ứng được các yêu cầu này.
Theo ông Nguyễn Quang Ngọc, phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây hồ tiêu (Viện KHKT NLN Tây Nguyên) thì dư lượng thuốc BVTV trong hồ tiêu là thực trạng chung do tình trạng cường canh, lạm dụng quá nhiều thuốc BVTV, chất kích thích sinh trưởng… trong các loại nông sản tại Việt Nam. Còn với người nông dân trồng tiêu giải thích cây hồ tiêu là cây trồng khó tính so với các loại cây khác, nên từ khi xuống giống bà con nông dân đã phải sử dụng chất kích thích rễ… đến giai đoạn kinh doanh thì thường xuyên phun các chất kích thích để được trái to, đều, thuốc diệt nấm…
Tuy nhiên, để phát triển tiêu bền vững, đã đến lúc, các địa phương cần nhìn nhận, kiểm soát tốt hơn việc lạm phát diện tích, tình hình dịch bệnh hại; cần chú trọng đến các giải pháp canh tác bền vững, chú trọng vào chất lượng sản phẩm, hạn chế dùng các loại phân và thuốc hóa học, tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ, vi sinh và dùng các chế phẩm sinh học trong phòng trừ bệnh hại. Nếu không thay đổi cách thức tổ chức sản xuất thì cả người nông dân và ngành hồ tiêu Việt Nam sẽ đối mặt nhiều rủi ro cao - ông Ngọc cho biết.