Bộ Ngoại giao Việt Nam mới đây đã bày tỏ thái độ dứt khoát về việc yêu cầu Trung Quốc phải bồi thường thỏa đáng sau vụ hai tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngày 11/7, chưa đầy 3 ngày sau khi xảy ra sự việc, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối.
Hải quân Hàn Quốc ngày 25/3 đã tiến hành diễn tập cơ động trên biển quy mô lớn trên toàn bộ vùng biển phía Đông, Tây và Nam nước này.
Hải quân Hàn Quốc ngày 25/3 đã tiến hành diễn tập cơ động
trên biển quy mô lớn trên toàn bộ vùng biển phía Đông, Tây và Nam nước này (Ảnh: TTXVN).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết ngày 9/7/2016, tại khu vực cách đông đông nam đảo Bông Bay, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 34 hải lý, tàu cá Việt Nam mang số hiệu QNg 90479 TS cùng 5 ngư dân đã bị hai tàu hải cảnh Trung Quốc mang các số hiệu 46102 và 56103 truy đuổi, đâm chìm.
Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành vi đối xử vô nhân đạo, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với các ngư dân Việt Nam. “Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc khẩn trương điều tra xác minh vụ việc và xử lý nghiêm đối với các nhân viên của hai tàu Trung Quốc mang số hiệu 46102 và 56103 đã có hành vi cố ý đâm chìm tàu cá của Việt Nam, bỏ mặc các ngư dân Việt Nam trong điều kiện nguy hiểm đến tính mạng sau khi tàu bị đâm chìm trên biển.
Việt Nam cũng yêu cầu phía Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, không để tái diễn các hành động tương tự và có hình thức bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam” - ông Bình nêu rõ.
Trước đó Hội Nghề cá Việt Nam đã có công văn, trong đó nhấn mạnh: Hội cực lực lên án và phản đối hành động vô nhân đạo của phía Trung Quốc, cho rằng hành động này đe dọa trực tiếp đến tính mạng, gây thiệt hại lớn đến tài sản của ngư dân. Với công văn này, Hội Nghề cá Việt Nam và các cơ quan chức năng cần có biện pháp phản đối mạnh hành động của các tàu Trung Quốc, yêu cầu bồi thường thiệt hại cho ngư dân; kiên quyết, kịp thời phối hợp ngăn chặn và xử lý những hành động tương tự để ngư dân Việt Nam yên tâm ra khơi bám biển sản xuất.
Từ nhiều năm qua, kể từ khi tuyên bố cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” trên Biển Đông được bao chiếm bởi bản đồ “đường chín đoạn” (còn gọi là “đường lưỡi bò”), Trung Quốc đã gia tăng nhiều biện pháp cản trở, hành hung, cướp bóc, đâm chìm và bắt bớ vô lý nhiều tàu cá và ngư dân Việt Nam đang hành nghề hợp pháp trên ngư trường thuộc chủ quyền Việt Nam.
Các tàu chấp pháp của Trung Quốc đã không ít lần xua đuổi, đâm chìm, cướp đoạt tài sản của ngư dân Việt Nam với mức độ ngày càng gia tăng. Nhiều trường hợp tàu cá Việt Nam gặp nạn chẳng những không được cứu nạn, cứu hộ theo quy định của luật pháp quốc tế mà còn bị lực lượng chấp pháp Trung Quốc xua đuổi ra khỏi vùng biển an toàn, bỏ mặc ngư dân Việt trong cơn hoạn nạn, đối diện với cái chết giữa biển khơi mênh mông.
Điều đáng nói là các tuyên bố về cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc bao chiếm 80 % diện tích Biển Đông hầu như không được bất kỳ cơ quan thẩm quyền quốc tế nào thừa nhận và liên tục bị phản đối bởi các nước trong khu vực, song Trung Quốc vẫn phớt lờ.
Trong các đàm phán và gặp gỡ song phương, lãnh đạo Trung Quốc luôn kêu gọi và cam kết các bên cùng nhau tuân thủ luật pháp quốc tế, coi trọng đại cục trong giải quyết các bất đồng, tranh chấp trên biển, cố gắng kiềm chế không gây căng thẳng, không làm thay đổi hiện trạng. Thế nhưng, trong thực tế thì hầu như Trung Quốc đều làm ngược lại với những gì họ từng cam kết, từng kêu gọi các nước thực hiện.
Khi Trung Quốc cứ nhất mực đơn phương quả quyết rằng cả vùng biển trong “đường lưỡi bò” là của họ, là “không thể tranh cãi”, là “ao nhà truyền thống” có từ hơn 2.000 năm trước của tổ tiên họ, và cứ thế mà cấm biển, cấm đánh cá, áp đặt một “chính quyền Tam Sa”, rồi thì bồi đắp các dải đá thành “đảo”, tập trận suốt từ đảo Hải Nam xuống đến Hoàng Sa, thì rõ ràng Trung Quốc đâu có tôn trọng điều họ gọi là những thỏa thuận liên chính phủ “không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, duy trì quan hệ hai nước và hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.
Ngư dân Việt Nam đã bao đời nay sống và lớn lên với biết bao nhiêu thế hệ gắn bó với vùng biển Hoàng Sa , Trường Sa. Hàng bao thế kỷ trôi qua trong sự bình yên, cái mà họ lo lắng nhất chỉ là phải đối mặt với thiên nhiên, thời tiết thất thường, những cơn bão bất chợt ngoài dự đoán. Còn nay, không chỉ thời tiết thất thường, thiên nhiên dữ dội nữa mà còn thêm bao nhiêu là hiểm nguy cận kề từ các tàu chấp pháp và kể cả tàu cá của ngư dân Trung Quốc.
Phán quyết lịch sử của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) mới đây đã hoàn toàn bác bỏ cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” bao chiếm 80% diện tích Biển Đông bởi “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Tòa cũng tuyên bố Trung Quốc đã vi phạm pháp luật quốc tế khi ngăn cản ngư dân hành nghề trên vùng biển truyền thống của họ. Tòa cũng lên án Trung Quốc đã không ngăn cản được ngư dân của nước họ tràn vào vùng biển của nước khác, xâm hại lợi ích quốc gia của các nước láng giềng.
Rõ ràng, phản đối hành động vi phạm pháp luật quốc tế và yêu cầu điều tra, bồi thường thỏa đáng các thiệt hại do vi phạm pháp luật gây ra là việc làm cần thiết và hợp pháp. Chỉ có những hành động cụ thể, tuân theo luật pháp mới có thể ngăn chặn được các nguy cơ phạm pháp trong tương lai và bảo vệ những người dân lương thiện một cách hiệu quả. Bảo vệ ngư dân, giúp họ yên tâm bám biển hành nghề cũng chính là bảo vệ chủ quyền và sự phồn vinh, phát triển của đất nước.