Tình trạng bạo lực học đường, sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn đối với trẻ vị thành niên đang là vấn đề đáng báo động, cần phải được ngăn chặn.
Thời gian qua, tại nhiều nơi ghi nhận tình trạng một bộ phận thanh thiếu niên sử dụng bạo lực để xử lý mâu thuẫn. Điển hình, rạng sáng ngày 5/2, Công an TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) phát hiện, ngăn chặn kịp thời 46 thanh thiếu niên mang hung khí đi đánh nhau, lực lượng công an đã tiến hành bắt giữ.
Tại Đà Nẵng, ngày 7/4, Công an xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) phát hiện, ngăn chặn kịp thời một nhóm khoảng 22 thiếu niên xã Hòa Khương mang theo vỏ chai bia, súng nước chứa xăng đến để giải quyết mâu thuẫn với nhóm thiếu niên trên địa bàn.
Đáng chú ý, có nhiều vụ việc chỉ vì mâu thuẫn nhỏ đã dẫn đến án mạng như vụ án xảy ra tại trường THCS Lý Tự Trọng (phường Phú Hậu, TP Huế) vào ngày 4/4. Trong giờ ra chơi, em H.V.G.B. (học sinh lớp 6, trường THCS Lý Tự Trọng) đã xảy ra xô xát với bạn. Hậu quả khiến B. bị thương, sau đó được đưa đi cấp cứu và đã tử vong tại bệnh viện....
Nêu quan điểm về vấn đề này, TS Lê Thị Kim Dung - Giảng viên khoa Xã hội học và Công tác xã hội (Trường Đại học Khoa học Huế) cho rằng, hành vi sử dụng bạo lực để xử lý mâu thuẫn trong lứa tuổi thanh thiếu niên đang là một vấn đề nhức nhối. Hành vi này là không thể chấp nhận vì trái với pháp luật, thuần phong mỹ tục và giá trị văn hóa.
Cũng về vấn đề này, TS Phạm Tiến Sỹ - khoa Xã hội học và Công tác xã hội (Trường Đại học Khoa học Huế) nhìn nhận, sử dụng bạo lực trong giải quyết mâu thuẫn của một bộ phận giới trẻ hiện nay là hành vi nhằm khẳng định bản thân sai cách.
Theo ông Sỹ, con đường dẫn đến hành vi bạo lực của trẻ vị thành niên có thể do tiếp xúc với phim ảnh, video, game bạo lực.... Tức là, các em nhiễm thói quen bạo lực một cách vô thức. “Những tình huống mâu thuẫn chỉ là cái cớ, cái bề mặt để nảy sinh hành vi bạo lực chứ vốn dĩ nó đã có sẵn nguyên nhân tiềm tàng bên trong đó là thói quen, khuôn mẫu hành vi trong cách ứng xử được hình thành từ trước đó” - ông Sỹ nhận định, đồng thời cho biết, những vụ bạo lực xuất hiện trên mặt báo chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Bởi lẽ, ngoài những vụ bạo lực về thể chất còn có bạo lực, bắt nạt về tinh thần khác như “tẩy chay”, “miệt thị ngoại hình”; hoặc, bắt nạt qua các nền tảng mạng xã hội bằng cách lập các nhóm chat riêng nói xấu bạn, bình luận tiêu cực…
Ông Sỹ cho rằng, nhóm thanh thiếu niên chứng kiến bạo lực chia thành 4 nhóm gồm: nhóm những em hò reo, cổ vũ được xem là “người chi viện” vì các em cổ súy cho hành vi bắt nạt, trêu chọc nạn nhân; nhóm “người hỗ trợ”, thường là những người có hành vi khống chế, chặn đường tháo chạy của nạn nhân; nhóm muốn giúp, muốn can ngăn nhưng không dám hoặc không biết cách giúp người bị bạo lực - đây là nhóm chịu tổn thương sâu sắc và lâu dài hơn, thậm chí với nhiều em, trường học còn là nơi rất đáng sợ; nhóm còn lại là những người dám đứng ra bảo vệ, can ngăn chống lại bạo lực, tuy nhiên, nhóm này có thể trở thành nạn nhân tiếp theo nếu người lớn không có biện pháp can ngăn cần thiết. “Trong những vụ việc nghiêm trọng, dù thế nào thì những em trực tiếp tham gia các vụ bạo lực hoặc những em chứng kiến cảnh này cũng đều chịu chấn thương về tâm lý”- ông Sỹ phân tích và cho rằng, để hạn chế những hành vi bạo lực, cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Về phía nhà trường, cần nâng cao nhận thức về pháp luật và quyền con người, giáo dục kỹ năng quản lý cảm xúc, kỹ năng ứng phó với bạo lực học đường…; Bản thân cán bộ, giáo viên cũng cần thay đổi thói quen ứng xử với trẻ theo hướng xóa bỏ hoàn toàn bạo lực, bắt nạt; tôn trọng và tạo không gian cho các em thể hiện bản thân mình; tăng cường các hoạt động để gắn kết các em vào nhóm bạn cùng lứa. Về phía gia đình, các em cần được giáo dục đúng cách trên cơ sở tôn trọng, gần gũi, lắng nghe và phi bạo lực. Các nhà quản lý văn hóa cần có những giải pháp để ngăn chặn, hạn chế việc các em tiếp xúc với phim ảnh, trò chơi, video mang tính bạo lực trên các nền tảng mạng xã hội như tiktok, youtube, facebook….
TS Lê Thị Kim Dung cho rằng, việc ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi sử dụng bạo lực trong giải quyết mâu thuẫn để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra là điều cấp thiết. Sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhiều yếu tố. Do đó, để ngăn chặn tình trạng này cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội.