Ngày 13/2, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị “Triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm và các bệnh trên đàn gia súc”. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương đặc biệt chú ý phát hiện sớm và thực hiện xử lý ngay các ổ dịch cúm gia cầm. Trong đó, chú ý các hộ sản xuất nhỏ, không để ảnh hưởng đến những nơi sản xuất an toàn.
Quang cảnh Hội nghị.
Hiện mật độ chăn nuôi gia cầm đang cao nhất từ trước tới nay. Bên cạnh đó, thời tiết ngày càng cực đoan bất lợi, cộng với việc vận chuyển hàng hóa tăng cao, tập quán buôn bán, giết mổ ở nhiều vùng theo truyền thống sẽ gây khó khăn cho việc ứng phó dịch bệnh. “Chăn nuôi quy mô lớn đã chiếm cơ bản nhưng vẫn còn một bộ phận sản xuất, chăn nuôi nông hộ nên sẽ là nguy cơ lớn và nếu không xác định đúng điểm rất dễ bùng phát dịch bệnh”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý; đồng thời yêu cầu không chỉ gia cầm, các địa phương, đơn vị chuyên môn phải phân tích kỹ nguy cơ dịch bệnh trên từng nhóm đối tượng để có giải pháp cụ thể. Các tỉnh thực hiện tổng vệ sinh môi trường, khử trùng, thực hiện tốt nhất bằng vôi bột; đồng thời, tổng rà soát nhu cầu vaccine một số bệnh để có thể đề xuất Chính phủ xuất kho dự trữ quốc gia.
Cũng tại Hội nghị, ông Phạm Văn Đông- Cục trưởng Cục Thú y thông tin: Đến nay, cả nước có 10 ổ dịch cúm gia cầm do chủng virus A/H5N6 gây ra; trong đó, có 9 ổ dịch chưa qua 21 ngày. Số gia cầm buộc phải tiêu hủy là 43.202 con tại 5 tỉnh, thành phố gồm: Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An. Hiện bệnh cúm gia cầm đang được kiểm soát tốt, dịch bệnh không xảy ra ở diện rộng; các ổ dịch xuất hiện rải rác, mỗi tỉnh xuất hiện ở 1-2 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có gia cầm chưa tiêm phòng vaccine. Tuy nhiên, dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh có thể tiếp tục diễn biến phức tạp và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, nhất là trong lúc dịch bệnh viêm đường hô hấp (Covid-19) diễn biến phức tạp.
Theo ông Đông, để chủ động phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm kịp thời và có hiệu quả, trong thời gian tới các địa phương cần tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm theo quy định của Luật Thú y. Lực lượng chức năng tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc tổ chức phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh phòng dịch. Cùng với đó, các lực lượng chức năng bố trí các nguồn lực, kinh phí để tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành virus cúm gia cầm, phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.
Các địa phương cũng cần tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm; hướng dẫn người chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch, tiêm phòng vaccine cho đàn gia cầm. Các bộ, ngành và và địa phương tăng cường giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc.
Về vaccine cúm gia cầm, đại diện Cục Thú y cho biết, trong quý I/2020, lượng vaccine cúm gia cầm trong kho của các doanh nghiệp có thể cung ứng cho thị trường là khoảng 51 triệu liều. Dự kiến cả năm 2020, tổng số vaccine sản xuất trong nước và nhập khẩu khoảng 500 triệu liều, trong đó vaccine sản xuất trong nước khoảng 200 triệu liều.
Để chủ động nguồn vaccine, Bộ NNPTNT đã sản xuất được một số loại vaccine phòng bệnh quan trọng như: CGC Navet-Vifluvac và Navet-Fluvac 2. Bộ đang tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp khác cùng tham gia sản xuất vaccine cúm gia cầm. Theo Cục Thú y, đến nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp người mắc bệnh do chủng virus cúm A/H5N6.
Trong khi đó, ngoài dịch cúm gia cầm thì hiện đang có 3 tỉnh gồm Tiền Giang, Quảng Ninh và Yên bái xuất hiện dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc.
Tới thời điểm này, cả nước có 10 ổ dịch cúm gia cầm do chủng virus A/H5N6 gây ra; trong đó, có 9 ổ dịch chưa qua 21 ngày. Số gia cầm buộc phải tiêu hủy 43.202 con gia cầm tại 5 tỉnh, thành phố là: Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An. Về vaccine cúm gia cầm, đại diện Cục Thú y cho biết, trong quý I/2020, lượng vaccine cúm gia cầm trong kho của các doanh nghiệp có thể cung ứng cho thị trường là khoảng 51 triệu liều. Dự kiến cả năm 2020, tổng số vaccine sản xuất trong nước và nhập khẩu khoảng 500 triệu liều, trong đó vaccine sản xuất trong nước khoảng 200 triệu liều.