Thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, vì vậy tổng đàn gia cầm và hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng. Bên cạnh đó, thời tiết hiện đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển. Vì vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.
Cúm gia cầm gây ra bởi các chủng cúm A, thường chỉ lây nhiễm cho các loài chim hoang dã và gia cầm nuôi, một số chủng trong số đó có thể lây nhiễm cho người như H5, H7 và H9. Hầu hết các trường hợp cúm gia cầm ở người là do các chủng châu Á H5N1 và H7N9 gây ra.
Mắc cúm gia cầm thường không có triệu chứng ở chim hoang dã nhưng có thể gây tỷ lệ chết rất cao ở gia cầm nuôi. Ở người, tỷ lệ tử vong do nhiễm các phân tuýp A (H5N1), A (H5N6) và A (H7N9) cao hơn nhiều so với nhiễm virus cúm mùa A và B, trong khi hầu hết các trường hợp mắc cúm A (H7N7) và A (H9N2) thường gây bệnh nhẹ hơn.
Mặc dù nhiều chuyên gia cho biết, tỷ lệ lây nhiễm trực tiếp cúm gia cầm từ người sang người rất hạn chế nên chưa đợt dịch lớn nào liên quan tới cúm gia cầm ở người được ghi nhận. Tuy nhiên, sau khi ghi nhận ca bệnh mắc cúm gia cầm tại Phú Thọ vào giữa tháng 10 vừa qua, trong bối cảnh Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương thì nguy cơ tiếp tục xuất hiện những ca mắc cúm gia cầm vào dịp cuối năm là ở mức cao.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, với trường hợp bệnh nhân không may bị lây nhiễm cúm gia cầm, tỷ lệ diễn biến nặng cao và có thể tử vong đến 50 - 60%, nên đây là bệnh nguy hiểm. Dù vậy, cúm gia cầm lây nhiễm rất hạn chế từ gia cầm sang người, nên chưa gây ra đợt dịch lớn.
Đặc biệt hơn, bác sĩ Cấp nhấn mạnh, cần hết sức cảnh giác với dịch cúm gia cầm bởi một chủng cúm gia cầm có biến đổi về mặt di truyền có thể lây lan dễ dàng từ người sang người, thì có thể gây ra một đại dịch mới. Do vậy, về mặt phòng dịch, cộng đồng phải luôn cảnh giác trước dịch cúm gia cầm.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh cúm gia cầm A/H5, để chủ động ngăn chặn các ổ dịch cúm gia cầm, hạn chế thấp nhất virus cúm gia cầm lây nhiễm và gây tử vong cho người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các cấp tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6, A/H5N8 và các chủng virus cúm gia cầm khác theo quy định của Luật Thú y.
Các địa phương tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch cúm gia cầm, tiêm cho toàn bộ đàn gia cầm tại thôn, xã có dịch và các địa phương có nguy cơ cao; chỉ đạo các cơ quan thú y, y tế phối hợp chặt chẽ trong việc điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, xác định nguyên nhân ổ dịch trên gia cầm, trên người và xử lý ổ dịch...
Tại Hà Nội, Sở Y tế thành phố đã có công văn gửi tới các đơn vị liên quan việc tăng cường phòng, chống cúm gia cầm trên địa bàn. Cụ thể, Sở Y tế Hà Nội đề nghị các đơn vị tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm lây sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những nơi nguy cơ cao. Các đơn vị này cũng có trách nhiệm tuyên truyền cho người dân khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y trong công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người theo quy định.
Để chủ động phòng, chống bệnh cúm gia cầm lây nhiễm sang người, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Theo đánh giá từ Bộ Y tế, trường hợp bệnh nhân đang điều trị là ca bệnh cúm A/H5 trên người mới nhất tại Việt Nam kể từ tháng 2/2014. Từ năm 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 trường hợp mắc cúm A/H5. Bộ Y tế này nhận định, hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa nên thay đổi bất thường, thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển. Dự báo trong thời gian tới, nguy cơ cúm gia cầm lây sang người là cao.