Tại buổi tiếp xúc cử tri Hải Phòng ngày 6/5 trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một lần nữa nhấn mạnh lãng phí nhiều khi còn nhiều hơn cả tham nhũng. Dẫn chứng, Chủ tịch Quốc hội đưa ra trường hợp nhiều tòa nhà ở Hà Nội xây dựng cho sinh viên vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”; 2 bệnh viện Trung ương ở địa phận tỉnh Hà Nam vẫn “bất động”. Từ đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh phòng, chống lãng phí cũng quan trọng như phòng, chống tham nhũng.
Thực tế cho thấy tham nhũng và lãng phí là “đôi bạn cùng đường”. Tham nhũng núp bóng lãng phí để hoành hành; lợi dụng khe hở của pháp luật, của cơ chế chính sách mà gây họa. Tệ hại hơn, tham nhũng còn có thể thu hồi được nhưng lãng phí thì hoàn toàn mất đi.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, năm 2022, Quốc hội đưa ra giám sát tối cao về lãng phí và có 100.000 trang tài liệu liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết hơn 100 trang nói rõ các dự án nào đang lãng phí phải giải quyết.
Còn nhớ, giữa tháng 9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Kết quả giám sát cho thấy vẫn còn những ngành, lĩnh vực, đơn vị yếu kém, gây lãng phí lớn. Việc phân bổ vốn còn dàn trải, phân tán; công tác chuẩn bị đầu tư, lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư còn nhiều bất cập. Một số dự án hoàn thành nhưng không đưa vào sử dụng, để hoang hóa.
Một số dự án giải ngân nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài rất chậm, thời gian triển khai dự án kéo dài, phải gia hạn thực hiện, không hoàn thành đưa dự án vào khai thác đúng thời hạn dự kiến, giảm hiệu quả sử dụng vốn vay.
Đáng chú ý, trong Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội có tổng cộng 93 trang nhưng những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân được liệt kê là gần 60 trang. Ví như về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, giai đoạn 2016-2021 phát hiện và xử lý 12.640 vụ vi phạm các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ với tổng giá trị được kiến nghị thu hồi và bồi thường là 894,1 tỷ đồng. Còn về tài sản nhà nước có đến gần 7.000 phương tiện đi lại, 33.608 tài sản khác được trang bị, hàng trăm nghìn mét vuông diện tích trụ sở, nhà công vụ sử dụng sai mục đích, sai tiêu chuẩn, chế độ. Giai đoạn 2016-2021 vẫn còn 650.624.498m2 đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, có vi phạm pháp luật. Những “con số biết nói” đó đã cho thấy sự lãng phí là rất lớn.
Thực tế đó cho thấy, bên cạnh cuộc chiến chống tham nhũng thì cần thiết phải đẩy mạnh cuộc chiến chống lãng phí. Đất đai, tài sản, vốn liếng “đắp chiếu” là điều không thể chấp nhận. Vậy thì, phải có người chịu trách nhiệm về sự lãng phí đó. Cơ quan chức năng cần thiết phải đề xuất thời gian xử lý các dự án treo, dự án chậm tiến độ, các dự án BOT đầu tư dở dang.
Với doanh nghiệp, thời gian là vàng, chậm ngày nào mất tiền ngày đó. Nhưng với nhiều dự án đầu tư công lãng phí, thời gian cứ trôi qua thì không còn là sự mất mát vô hình nữa mà cần phải xác định bằng những con số cụ thể, lấy đó làm cơ sở để xử lý. Lãng phí là sai phạm nên không thể chỉ dừng lại ở kiểm điểm, xử lý hành chính mà phải có biện pháp xử lý cao hơn, kể cả xử lý hình sự. Ở đây, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương là rất lớn. Không thể cứ bình chân như vại ngồi nhìn tài sản công hư hao, “bốc hơi” từ tháng này sang năm khác mà không nhận thức được trách nhiệm của mình, không phải chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, đó là sự lãng phí có thể định lượng được, nhưng có những thứ lãng phí không thể cân đo đong đếm, như thời gian, cơ hội, đặc biệt là sức lực, trí tuệ. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí từng nêu ví dụ: Văn bằng, chứng chỉ không hợp lý, gây ra tình trạng đua nhau đi học. Nhiều khi không biết học để làm gì cũng cứ học, vì thấy người bên cạnh học, người trong cơ quan học. Những ngoại ngữ không cần thiết cũng đi học để làm đẹp bằng cấp và chuẩn bị “thời cơ” để được chuyển ngạch, bổ nhiệm... Học nhiều là tốt, nhưng phải thực học - thực việc, chứ không phải là đua theo bằng cấp tạo ra sự lãng phí vô hình cho xã hội.
Đã đến lúc mọi hình thức lãng phí đều phải chấm dứt.