Vấn nạn bạo hành nhân viên y tế không mới, nhưng nó vẫn diễn ra với tần suất không hề thấp, dù đây là hành động đáng lên án và để lại nhiều hậu quả khôn lường. Để giúp độc giả có cái nhìn tổng quan hơn về những áp lực mà các y bác sĩ phải gánh chịu, PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi cùng TS. BS Lê Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa xung quanh vấn đề này.
PV: Thực trạng của nạn bạo hành các nhân viên y tế đang diễn ra thế nào, thưa ông? Những vụ việc được phản ánh trên các phương tiện truyền thông liệu đã là tất cả của vấn đề?
TS. BS Lê Văn Cường: Có thể nói, các y bác sĩ đang phải đối mặt với nạn bạo hành với tần suất cao, dưới nhiều hình thức khác nhau. Có thể bạo hành bằng hành động tay chân, cũng có thể bằng lời nói và những trường hợp được phản ánh gần đây mới chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”. Đặc biệt là ở những khu vực luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân như các khoa cấp cứu, khám bệnh, chẩn đoán hình ảnh...
Thưa ông, tác động của việc bạo hành này sẽ để lại hậu quả gì cho nhân viên y tế?
- Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến cán bộ nhân viên y tế cả về thể chất và tinh thần, đặc biệt là những người trực tiếp bị bạo hành. Bên cạnh đó, cũng ảnh hướng lớn tới sức khỏe của rất nhiều các bệnh nhân mà nhân viên y tế đang có nhiệm vụ theo dõi và điều trị. Theo tôi, đây là một vấn đề hết sức nghiêm trọng nếu như không có giải pháp giải quyết triệt để.
Đa phần những người thực hiện hành vi bạo hành với y bác sĩ đều giải thích sau hành động của mình với lý do thiếu kiềm chế hay vì quá lo lắng cho thân nhân của họ, liệu lời giải thích này có thỏa đáng, thưa ông?
- Có lẽ là khi xảy ra việc bạo hành nhân viên y tế thì bao giờ thân nhân người bệnh, người bệnh cũng đưa ra nhiều lí do, trong đó có lý do quá lo lắng cho người nhà. Tôi nghĩ cần thấu hiểu về công việc của các y bác sĩ làm việc tại khoa cấp cứu, đây là nơi có rất nhiều trường hợp nhiều bệnh nhân nhập viện với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Để đảm bảo có thể cứu được nhiều người bệnh nhất, đảm bảo công bằng và chữa đúng người, đúng bệnh thì bệnh nhân cần được phân loại, đánh giá theo mức độ ưu tiên, theo đúng chuyên môn. Nhiều trường hợp đến sau nhưng vẫn được nhân viên ưu tiên xử lý trước do tình những ca nặng, gấp gáp. Do vậy, người dân vào viện cần bình tĩnh, phối hợp với nhân viên y tế giải quyết tốt nhất cho người bệnh. Bởi vậy, nếu người dân mang tư duy người nhà mình tới là người nhà mình cần được ưu tiên làm trước thì vô tình sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi những bệnh nhân đang cần cấp cứu khác.
Tại những ngành dịch vụ, người dân sẽ là khách hàng, là thượng đế, sẽ được ưu tiên theo yêu cầu, theo giá cả nhưng đối với ngành y, các bác sĩ ưu tiên là tính mạng của người bệnh, thưa ông?
- Những khu vực có đông bệnh nhân, đặc biệt có nhiều bệnh nhân nặng, cần giao tiếp chuẩn, quy trình chuyên môn chính xác. Nếu áp dụng phương châm khách hàng là thượng đế thì không hoàn toàn đúng như đối với các dịch vụ khác. Khi điều trị cho bệnh nhân, nhân viên y tế cố gắng lựa chọn phương pháp y khoa an toàn, hiệu quả nhất, phù hợp với văn hóa, khả năng chi trả của người bệnh.
Thưa ông, có hay không một nguyên nhân khác là vì người bệnh, thân nhân người bệnh không tin tưởng vào chuyên môn của các y bác sĩ?
- Thực ra, hiện tượng bạo hành đã được ghi nhận từng xảy ra cả ở các tuyến trung ương, bệnh viện lớn như Chợ Rẫy, Bạch Mai với trang thiết bị hiện đại, chuyên môn cao thì luận điểm bạo hành nhân viên y tế là do người bệnh và người thân của người bệnh thiếu niềm tin vào bác sĩ là không thực sự chính xác.
Một khía cạnh khác, đơn cử như trường hợp bạo hành nhân viên y tế gần đây nhất, vì sao người nhà bệnh nhân có thể dễ dàng thực hiện hành vi nói trên? Có phải nhân viên y tế vẫn chưa được bảo vệ một cách thỏa đáng?
- Có thể khẳng định vấn đề bảo vệ cho các nhân viên y tế đặc biệt ở các khoa cấp cứu của hầu hết các cơ sở y tế chưa thực sự tốt. Nó thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau. Trước tiên là liên quan đến cơ sở hạ tầng, người nhà hoặc thân nhân người nhà rất dễ dàng đi thẳng vào trung tâm cấp cứu thường rất đông bệnh nhân, có rất nhiều trường hợp có rất đông người nhà của một hoặc nhiều bệnh nhân cùng lúc vào nơi làm việc trực tiếp gây áp lực với các nhân viên y tế đang tham gia cấp cứu. Thứ hai là về lực lượng bảo vệ an ninh bệnh viện, lực lượng này rất mỏng nên khi xảy ra vụ việc cũng không đủ nhân lực tham gia hỗ trợ ngăn cản việc hành hung nhân viên y tế. Thứ 3, đa số cơ sở y tế chưa xây dựng và áp dụng quy trình xử trí các tình huống bạo hành nhân viên y tế.
Với cương vị là một đại biểu Quốc hội và cũng là một nhà quản lý bệnh viện, ông có đưa ra những biện pháp trước mắt để có thể bảo vệ tốt hơn cho các nhân viên y tế của chúng ta không?
- Chúng ta cần đưa ra những giải pháp tạm thời để phù hợp với tình hình thực tế và những định hướng lâu dài cho các phương pháp cần nhiều yếu tố hơn. Đối với các phương pháp tạm thời thì trước hết, các cơ sở y tế cần phải có giải pháp để tăng cường an ninh, ví dụ như hệ thống cửa an toàn cho khu vực cấp cứu. Thứ hai là tăng cường lực lượng bảo vệ, vệ sĩ tại chỗ hoặc phối hợp công an phường, cảnh sát 113 để xử lý các trường hợp có dấu hiệu vượt quá tầm kiểm soát của các cơ sở y tế. Thứ ba là cần phải hướng dẫn tăng cường kĩ năng giao tiếp cho nhân viên y tế. Thứ tư, cần hướng dẫn cho người dân thấu hiểu về công việc cũng như quy trình tiếp đón, phân loại ưu tiên, điều trị đối với những trường hợp cấp cứu.
Về lâu dài, Luật khám bệnh chữa bệnh cần có điều khoản rõ ràng để giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng bạo hành đối với nhân viên y tế.