Tối qua, 21/11, diễn ra Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông (TNGT). Với thông điệp “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại”, đây là năm thứ 10 sự kiện này được tổ chức ở nước ta, do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chủ trì. Đây cũng là dịp để mỗi người dân cùng chia sẻ, chung tay xoa dịu những nỗi đau, mất mát mà TNGT gây ra; đồng thời cảnh báo tất cả mọi người cần tăng cường hơn nữa ý thức khi tham gia giao thông để không phải gánh chịu mất mát, xót xa, ân hận.
Năm An toàn giao thông 2021 với chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông” diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát đợt thứ 4, nhiều địa phương trên cả nước buộc phải áp dụng biện pháp giãn cách xã, số lượng người, xe cộ đi lại trên đường ít. Tuy nhiên, trong vòng 11 tháng, TNGT vẫn cướp đi gần 5.000 sinh mạng.
Theo Bộ Giao thông vận tải, trong 10 tháng năm 2021, cho dù TNGT giảm mạnh nhưng trong tháng 10, toàn quốc vẫn xảy ra 798 vụ TNGT, làm chết 377 người và làm bị thương 573 người. So với tháng cùng kỳ năm 2020 giảm 542 vụ (giảm 40,45%), giảm 216 người chết (giảm 36,42%), giảm 482 người bị thương (giảm 45,69%). Trong số các vụ TNGT, đường bộ xảy ra nhiều nhất với 789 vụ, làm chết 367 người, bị thương 573 người (giảm 40,94% số vụ, 37,9% số người chết và 45,58% số người bị thương so với cùng kỳ năm trước).
Tính chung 10 tháng (từ ngày 15/12/2020 đến ngày 14/10/2021), toàn quốc xảy ra 8.959 vụ TNGT, làm chết 4.552 người, bị thương 6.218 người. So với 10 tháng năm 2020, số vụ TNGT giảm sâu với 3.069 vụ (25,52%), số người chết giảm 1.033 người (18,5%) và số người bị thương giảm 2.719 người (30,42%).
TNGT luôn để lại nỗi đau và bài học cảnh tỉnh. Thật xót xa khi có những người vợ mất chồng, chồng mất vợ, những đứa con thơ dại bỗng chốc mất cha mất mẹ. Ông bà, cha mẹ mất cháu, mất con. Anh mất em, em mất anh mất chị. TNGT để lại nỗi đau dai dẳng. Những người gặp TNGT may mắn thoát khỏi cái chết thì phần nhiều cũng mang trên cơ thể thương tật, di chứng nặng nề cho đến cuối đời. Nhiều người trở thành gánh nặng cho người thân vì không thể tự lo được cuộc sống của mình.
Những nguyên nhân dẫn đến TNGT liên tục được phân tích, mổ xẻ, cảnh báo, nhưng thật đau lòng là tai nạn vẫn diễn ra kéo theo đó là nỗi đau. Cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân tự giác chấp hành quy định pháp luật khi tham gia giao thông, “đã uống rượu, bia không lái xe”, “không phóng nhanh, vượt ẩu”, “đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy”... thì cũng đã có không ít biện pháp kỹ thuật để ngăn ngừa TNGT, trong đó có cả những chế tài xử phạt người tham gia giao thông khi vi phạm pháp luật giao thông.
Vậy, đâu là nguyên nhân chính dẫn tới TNGT? trong khi không người tham gia giao thông nào lại muốn bị tai nạn hoặc gây tai nạn cho người khác. Thật đáng lo ngại khi nhiều người điều khiển phương tiện giao thông, cho dù đã được cảnh báo nhưng vẫn uống rượu, bia khi cầm tay lái. Hãi hùng hơn là có cả lái xe khách sử dụng ma túy. Nạn phóng nhanh vượt ẩu, giành đường, lấn làn, coi thường Luật Giao thông đường bộ, coi thường tính mạng con người vẫn tồn tại như một thách thức.
Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng cần tăng mức xử phạt với người không tuân thủ quy định khi tham gia giao thông. Mức phạt nặng không chỉ để xử lý hành vi sai phạm mà còn có tác dụng răn đe chung. Đây cũng là một cách để xây dựng “văn hóa giao thông” cho tất cả mọi người.
Về vấn đề này, ý kiến của ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia là rất đáng suy nghĩ. Ông Hùng đặt vấn đề: Nhiều người Việt Nam khi ra nước ngoài thì tuân thủ rất tốt quy định tham gia giao thông của nước sở tại. Nhưng cũng vẫn con người đó khi về Việt Nam lại vi phạm. Tại sao? Giải thích, ông Hùng cho rằng, ở nước ngoài có sự giám sát chặt chẽ, người vi phạm giao thông sẽ bị xử lý nghiêm. Chính vì sợ mà hình thành ý thức chấp hành luật lệ khi tham gia giao thông.
Chỉ có như vậy mới ngăn chặn được nỗi đau do TNGT gây ra.