Ngăn chặn sự biến tướng

XUÂN ANH 13/02/2022 06:30

Mạng xã hội những ngày đầu năm xôn xao khi đoạn clip về một bé gái bị “bắt” về làm vợ khi đi chơi xuân ở một tỉnh vùng cao phía Bắc. Điều khiến dư luận băn khoăn là trong clip, bé gái phản kháng nhưng những người xung quanh lại không can ngăn. Sự việc chỉ dừng lại khi một cán bộ Công an xã Pả Vi trên đường tuần tra đã phát hiện và “giải cứu”. Ngay sau đó, dư luận được biết, clip này được quay tại tỉnh huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Theo ông Ngô Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc (Hà Giang), bước đầu xác minh, thanh niên trong clip là G.M.Ch. (sinh năm 2006, mới học lớp 10 tại một trường nghề), còn cô gái bị Ch kéo là V.T.S. (sinh năm 2008, ở xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc).

Ch. và S. mới quen nhau qua mạng xã hội từ ngày 4/2/2022. Từ khi quen nhau, cả hai thường xuyên nhắn tin qua lại, nội dung tin nhắn Ch. tỏ tình với cháu S. và rủ cháu S. đi chơi cùng nhưng S. chưa nhận lời yêu. Đến ngày 7/2, cả hai hẹn gặp nhau ở Tượng đài Thanh niên xung phong trên đèo Mã Pí Lèng và khi đến ngã ba hạt 7 thuộc địa phận xã Pả Vi cháu Ch. có ý định kéo S. về làm vợ theo tục kéo vợ nhưng S. không đồng ý.

Tục “bắt vợ”, “kéo vợ” vốn tồn tại từ xưa trong cộng đồng người dân tộc Mông sinh sống ở Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu…, thể hiện tình yêu đôi lứa mãnh liệt của những chàng trai cô gái để đến với nhau. Việc kéo hay bắt chỉ được diễn ra khi có sự thỏa thuận và đồng ý của 2 người từ trước đó.

Xét ở góc độ văn hóa, đây là một phong tục độc đáo của người Mông, tuy nhiên trải qua thời gian tập tục này đã có sự biến tướng, thậm chí ngày nay giới trẻ người Mông cũng chưa có sự hiểu biết đầy đủ về phong tục này nên có những hành động không đúng mực, bột phát.

Có nam giới đã lợi dụng hủ tục này để bắt cóc người phụ nữ không yêu họ, đem về cưỡng bức và hành hạ họ suốt đời trong gia đình, tiêu diệt cả cuộc sống thanh xuân, các mơ ước và cơ hội phát triển của người phụ nữ. Chính vì thế, khi xảy ra như trường hợp mới đây giữa cháu Ch. và cháu S., dư luận xã hội đã bày tỏ sự bất bình.

Để ngăn chặn kịp thời các trường hợp lợi dụng tục “kéo vợ” gây phản cảm và bức xúc trong xã hội, các huyện vùng cao, vùng sâu vùng xa cần yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh xã, thị trấn, trên trang thông tin điện tử huyện; xe lưu động; trên mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube…).

Đặc biệt, các già làng, trưởng bản cần phát huy vai trò của mình trong việc giám sát, ngăn chặn kịp thời những ai có ý định lợi dụng tục bắt vợ. Còn những vụ việc đã xảy ra cần phải báo cáo kịp thời cho chính quyền xử lý nghiêm để răn đe. Bên cạnh đó, thời điểm này còn phải xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tục “kéo vợ, bắt vợ” để câu like, câu view, cắt ghép hình ảnh, phản ánh không đúng sự thật trên mạng xã hội.

Các thôn bản cũng cần tiến hành xử lý các đối tượng vi phạm theo hương ước, quy ước đã ban hành. Các trường học cần đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận thuyết thống cho học sinh trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa; tích cực tham gia đấu tranh với các hành vi “kéo vợ, bắt vợ” dẫn đến vi vi phạm pháp luật.

Theo các nhà văn hóa, chúng ta cần phân biệt giữa phong tục và hủ tục. Chúng ta tôn trọng những phong tục tốt đẹp của đồng bào, tuy nhiên, những phong tục nào vi phạm nhân quyền, cản trở sự tiến bộ thì cần phải lên án và xóa bỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn chặn sự biến tướng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO