Ngày 8/9, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em, kịp thời ngăn chặn tác động tiêu cực của đại địch Covid-19 đến trẻ em.
Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) báo cáo, theo Bộ Y tế, tính từ ngày 5/7/2021 đến 30/7/2021 có khoảng 5% tổng số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội là trẻ em từ 0-5 tuổi. Tỷ lệ này khá cao so với những đợt dịch trước ở Việt Nam.
Theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 31/8/2021 có 11.822 trẻ em là F0, số trẻ em F1 là 27.334 trẻ em. Ở phạm vi rộng hơn, trẻ em bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần do nhiều trẻ em phải học trực tuyến dài ngày, bị suy giảm nguồn nuôi dưỡng, nhiều trẻ em rơi vào tình trạng không có cha, mẹ hoặc người thân thích chăm sóc do cha, mẹ hoặc chính trẻ em phải điều trị, cách ly để phòng, chống lây nhiễm Covid-19.
Tại TP HCM và tỉnh Bình Dương, Covid-19 đã bắt đầu xâm nhập vào các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tập trung, nguy cơ lây lan sang nhiều em khác. Trong và sau đại dịch, tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em, lao động trẻ em, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng có nguy cơ gia tăng…
Để ngăn chặn và giảm thiểu những tác động tiêu cực đến trẻ em trong đại dịch, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà đề nghị các địa phương thực hiện các nhóm giải pháp như: Thực hiện nghiêm các quy định, tiêu chuẩn về bảo đảm an toàn, phòng, chống lây nhiễm Covid-19 cho trẻ em; Ưu tiên điều trị, chăm sóc cho trẻ em bị nhiễm Covid-19 tại các cơ sở y tế; trẻ em phải cách ly để phòng, chống lây nhiễm tại các cơ sở cách ly tập trung; Quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần, tâm lý xã hội cho trẻ em...
Đồng thời, các địa phương triển khai kịp thời, đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người lao động mang thai, nuôi con dưới 6 tuổi, trẻ em là F0, F1, trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhận được các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các chính sách hỗ trợ bổ sung của địa phương. Nghiên cứu, thành lập cơ sở bảo trợ xã hội chuyên trách tiếp nhận, chăm sóc thay thế trẻ em mồ côi cha, mẹ do Covid-19.
Cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục, đặc biệt cấp tiểu học, trung học cơ sở triển khai việc lồng ghép, trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng về bảo đảm an toàn, phòng chống xâm hại, chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội trong đại dịch Covid-19 vào các tiết học trực tuyến theo quy định và hướng dẫn của Bộ giáo dục và Đào tạo; đồng thời phát động phong trào xã hội ủng hộ kinh phí mua sắm và ủng hộ thiết bị kết nối internet, máy tính, điện thoại thông minh cho trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em di cư các khu, xóm nhà trọ, trẻ em vùng kinh tế - xã hội khó khăn để các em có điều kiện học tập trực tuyến.