Đó là khẳng định của đại diện chính quyền TP Nam Định tại buổi họp báo, thông tin về kế hoạch tổ chức Lễ hội Khai Ấn đền Trần dịp đầu Xuân Đinh Dậu...
Bà Phạm Thị Oanh, Phó Chủ tịch UBND TP Nam Định,
Trưởng Ban Tổ chức lễ hội Khai Ấn đền Trần Nam Định thông tin tại buổi họp báo.
Như thường lệ, vấn đề chấn chỉnh, xử lý những vi phạm, lộn xộn, phản cảm ở lễ hội thu hút sự quan tâm của dư luận này tiếp tục nhận được sự quan tâm của báo giới...
Tại buổi họp báo, PV Đại Đoàn Kết đặt vấn đề những người có mặt ở sân đền Thiên Trường đều là cán bộ, đảng viên, đến dự lễ theo giấy mời của chính quyền thành phố. Tuy nhiên, trong đêm tổ chức nghi lễ khai Ấn (14 tháng Giêng) thường có tình trạng khi kiệu ấn được rước vào sân đền, nhiều người có mặt tại đây thường có hành vi “hối lộ thánh thần” bằng cách vo tròn những đồng tiền rồi ném rào rào lên kiệu ấn, rất phản cảm.
Đặc biệt, sau khi nghi lễ khai Ấn kết thúc, rất nhiều người đã tìm mọi cách từ leo trèo đến đạp cửa để xông bằng được vào phía trong đền Thiên Trường với mục đích cướp được lộc trên các ban thờ, tạo ra hình ảnh vô cùng lộn xộn, phản cảm...
Tình trạng trên tái diễn đã nhiều năm, gần đây nhất là trong lễ hội Khai Ấn năm 2016 nhưng chính quyền, ban tổ chức của địa phương chưa có biện pháp ngan chặn hiệu quả...
Những hình ảnh phản cảm năm nào cũng tái diễn ở lễ hội Khai Ấn đền Trần Nam Định.
Trả lời vấn đề này, bà Phạm Thị Oanh, Phó Chủ tịch UBND TP Nam Định, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội thừa nhận thực tế trên. Bà Phạm Thị Oanh thông tin: “Thực tế có nhiều đại biểu có giấy mời còn không chịu đứng vào vị trí quy định trong sân đền mà tìm mọi cách trà trộn, đứng ở cổng vào sân đền, đợi kiệu Ấn được rước qua để ném tiền”.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nam Định, để ngăn chặn những hành vi phản cảm trên, ngoài việc tăng cường tuyên truyền để cán bộ, người dân tham gia lễ hội nâng cao ý thức, năm nay Ban tổ chức sẽ áp dụng thêm một số biện pháp. Trong đó sẽ bố trí thêm một lực lượng an ninh làm nhiệm vụ rà soát, không để cho bất cứ đại biểu có giấy mời nào đứng ở ngoài cổng đền Thiên Trường, đợi ném tiền lên kiệu Ấn.
Ở phía trong sân đền, bà Oanh cho hay Ban tổ chức sẽ cho kê hàng rào cách xa hơn đường đi của Kiệu Ấn. “Việc này nhằm tạo thêm khoảng cách xa hơn để ai muốn ném tiền cũng không ném trúng được”, bà lý giải.
Về ngăn chặn dòng người xông vào đền Thiên Trường cướp lộc Phó Chủ tịch UBND thành phố cho hay một trong những biện pháp của Ban tổ chức năm nay là sẽ bố trí thêm lực lượng để “canh” và thu gom đồ thờ trên các ban thờ, để “tránh việc mọi người nhìn thấy, cướp lộc trên các ban thờ”...
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố: như mọi năm, năm nay Ban tổ chức vẫn sẽ phát ra 1.200 giấy mời, mời các đại biểu đến tham dự nghi lễ Dâng hương và nghi lễ Khai Ấn tổ chức tại sân đền Thiên Trường trong đêm 14 tháng Giêng...
Tại buổi họp báo, phóng viên của nhiều cơ quan báo chí cũng phản ánh năm trước tình trạng người ăn xin, ăn mày vẫn xuất hiện la liệt tại không gian lễ hội; tình trạng “chặt chém” giá trông giữ xe không được ngăn chặn hiệu quả, gửi xe máy có thể bị thu tới 50.000 đồng, gửi ô tô có thể bị thu tới 100.000 đồng; xe ôm ngang nhiên hoạt động trong khu vực cấm ngay trước mặt lực lượng an ninh, chặt chém với “giá trên trời”...
Liên quan đến những vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nam Định thừa nhận mặc dù chính quyền thành phố đã nỗ lực nhưng chưa thể bao quát, xử lý hết những vi phạm.
Theo bà Oanh, để ngăn chặn tình trạng người ăn xin la liệt, năm nay Ban Tổ chức sẽ thành lập thêm một đoàn liên ngành để tăng cường kiểm tra, xử lý triệt để, tập trung vào 5 ngày cao điểm diễn ra lễ hội.
Tại buổi họp báo, Ban tổ chức cho biết, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu xin Ấn của người tham dự, năm nay Ban tổ chức sẽ thực hiện phát Ấn sớm hơn nửa tiếng, bắt đầu từ 5h sáng ngày 15 tháng Giêng...