Trước thực tế không ít ngân hàng đổ cả nghìn tỷ đồng vào các dự án BOT (đầu tư-xây dựng-chuyển giao), giới chuyên gia cho rằng, ngân hàng cần thực hiện tốt công tác thẩm định dự án, quản lý, kiểm soát tốt rủi ro, chọn lọc chủ đầu tư tốt, chặt chẽ khi giải ngân, kiểm soát dòng tiền. Đối với các dự án có tổng mức đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài, các ngân hàng nên thực hiện cho vay hợp vốn để chia sẻ rủi ro, tăng cường giám sát vốn vay…
Lượng vốn ngân hàng chảy vào dự án BOT rất khủng.
Những dự án nghìn tỷ
“Điểm danh” nhanh: Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPbank) rót khoản tín dụng 700 tỷ đồng vào dự án BOT Bắc Giang-Lạng Sơn; Dự án Quốc lộ 1 đoạn Nam Bến Thủy-TP Hà Tĩnh được Ngân hàng thương mại Đầu tư và phát triển Việt Nam cho Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 làm chủ đầu tư vay 2.053 tỷ đồng; Ngân hàng thương mại cổ phần Sài gòn Hà Nội (SHB) cho chủ đầu tư dự án Quốc lộ 1 đoạn km1063+877+km1092+577 đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi do liên doanh Thiên Tân và Thành An làm chủ đầu tư vay 1.850 tỷ đồng (86,5% tổng mức đầu tư)....
Nếu như muốn kể tên các dự án BOT có vốn ngân hàng đổ vào, không quá khó. Những dự án BOT gắn với các NHTM vừa được liệt kê trên chỉ là những ví dụ.
Thật vậy, thời gian qua, ngành ngân hàng đã dành nguồn vốn lớn cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, chiếm từ 85-90% tổng mức đầu tư của ác dự án BOT có tài trợ vốn của ngân hàng.
Theo số liệu của Bộ GTVT, trong số 45 dự án BOT giao thông đã hoàn thành và đi vào khai thác giai đoạn từ năm 2000 - tháng 6-2016, số vốn mà các dự án đã vay tại ngân hàng là 94.106 tỷ đồng, chiếm 85,3% tổng mức đầu tư.
Trong việc xã hội hóa các dự án hạ tầng, có 3 hợp đồng phổ biến là BOT, BTO và BT. Hợp đồng BOT (đầu tư-xây dựng-chuyển giao) là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng, kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao không bồi hoàn công trình đó cho Nhà nước.
Với hợp đồng BTO (xây dựng-chuyển giao-kinh doanh), sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho Nhà nước, Chính phủ dành cho nhà đầu tư quyền kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận.
Còn hợp đồng BT (xây dựng-chuyển giao), sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho Nhà nước, Chính phủ tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hoặc thanh toán cho nhà đầu tư theo thoả thuận trong hợp đồng. Cả 3 hình thức này, doanh nghiệp đều cần lượng vốn từ ngân hàng. Như vậy, có thể thấy rằng, lượng vốn ngân hàng chảy vào dự án BOT rất khủng.
Chủ đầu tư “tay không bắt giặc”
Một số chuyên gia so sánh, ngân hàng rót vốn đầu tư vào dự án BOT cũng không khác gì ngân hàng từng đầu tư vốn vào bất động sản. So sánh về thời gian cho vay đều lâu như nhau, thậm chí cho vay BOT còn lâu hơn đến cả mấy chục năm. Nhưng cửa thu hồi vốn tại BOT sáng hơn so với đầu tư vào bất động sản.
Trở lại với dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn, đoạn Km45+100-Km108+500 và kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800-Km106+500 do Công ty cổ phần BOT Bắc Giang-Lạng Sơn làm chủ đầu tư.
Những thông tin cho biết, dự án này có tổng mức đầu tư lên tới 12.000 tỷ đồng. Nhưng vốn của chủ đầu tư thực ra chỉ là con số nhỏ. Mà sau đó nhiều ngân hàng đã phải chung sức bỏ vốn vào. Chẳng hạn, TPBank rót 700 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam làm đầu mối thu xếp 30-50% tổng vốn vay cho dự án...
Trên thực tế, câu chuyện khó khăn về vốn chủ sở hữu cũng là vấn đề được cơ quan quản lý quan ngại bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ công trình. Chính lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận rằng, vướng mắc của ngành ngân hàng xuất phát từ chính các chủ đầu tư đề nghị vay vốn song năng lực của một số nhà đầu tư còn yếu kém, đẩy rủi ro cho hệ thống các nhà băng.
Quan ngại
Một số liệu của các tổ chức tín dụng, trong tổng số 150 dự án BOT, BT giao thông ngân hàng tài trợ vốn hiện nay, có 22 dự án bị chậm tiến độ với tổng hạn mức cấp tín dụng là 20.122,6 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do giải phóng mặt bằng tăng tổng mức đầu tư hoặc không đủ vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án.
Giới chuyên gia nhận định, các dự án giao thông có đặc điểm là tổng mức đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, tức là dự án BOT giao thông đang khát nguồn vốn dài hạn trong khi đó cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng hiện nay phần lớn là ngắn hạn. Lấy nguồn vốn ngắn hạn đổ sang vay dài hạn là rất nguy hiểm.
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ thẳng thắn cho biết: dù ngân hàng đứng ở vai trò rót vốn vào BOT để đầu tư hay bị chỉ định cũng có cảnh báo. Nếu như bị chỉ định rót vốn thì nên tìm hiểu đó có phải là tiền chảy ‘sân sau”, còn nếu chủ động đầu tư thì lưu ý nguồn vốn đó đó có dài hạn hay không. Bài học các ngân hàng đổ vốn vào bất động sản vẫn đang còn đó.
Giới chuyên gia cho rằng, ngân hàng cần thực hiện tốt công tác thẩm định dự án, quản lý, kiểm soát tốt rủi ro, chọn lọc chủ đầu tư tốt, chặt chẽ khi giải ngân, kiểm soát dòng tiền. Đối với các dự án có tổng mức đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài, các ngân hàng nên thực hiện cho vay hợp vốn để chia sẻ rủi ro, tăng cường giám sát vốn vay…