Năm 2022 là năm khó khăn của thị trường vốn, nhưng dù khó khăn, bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2022 vẫn tương đối sáng sủa. Kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng đã cho thấy điều đó.
Lãi nghìn tỷ đồng
Theo báo cáo tài chính vừa được các ngân hàng công bố, Vietcombank tiếp tục dẫn đầu về lợi nhuận toàn ngành với 37.359 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng gần 36% so với năm trước.
Động lực chính thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng đến từ thu nhập lãi thuần tăng gần 11.000 tỷ đồng và giảm chi phí dự phòng rủi ro hơn 2.000 tỷ đồng.
Hai ông lớn ngân hàng quốc doanh còn lại là BIDV cũng đạt kết quả kinh doanh ấn tượng. Trong đó, BIDV với gần 23.058 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, đứng vị trí thứ ba toàn hệ thống (sau Techcombank) và là ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhất trong khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (tăng hơn 70%). Vietinbank cũng đạt tới 21.113 tỷ đồng lãi trước thuế, đứng ở vị trí thứ 6 toàn hệ thống, tăng trưởng khoảng 22% so cùng kỳ.
Ở khối ngoài quốc doanh, Techcombank là ngân hàng dẫn đầu và đứng thứ hai toàn hệ thống với lãi hợp nhất trước thuế đạt xấp xỉ 25.600 tỷ đồng. Dù vậy, so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận của Techcombank chỉ tăng 10%, thấp hơn nhiều so với con số 41% của năm 2021 và chưa đạt so với kế hoạch đề ra hồi đầu năm là 27.000 tỷ đồng.
Trong khi thu nhập lãi thuần trong năm tăng gần 14% lên gần 30.300 tỷ đồng, thì chi phí hoạt động tăng gần 20% so với cùng kỳ (đạt 13.400 tỷ đồng) lại là nguyên nhân kìm hãm đà tăng trưởng lợi nhuận của nhà băng này.
MB là nhà băng đứng thứ tư toàn hệ thống và đứng thứ hai trong các ngân hàng thương mại cổ phần với 22.729 tỷ đồng lãi trước thuế. Tiếp theo là VPBank (thứ năm toàn hệ thống, thứ 3 khối cổ phần) với 21.219 tỷ đồng, tăng trưởng 48% so cùng kỳ.
Như vậy, tính đến thời điểm này đã có 6 ngân hàng báo lãi trên 20.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) dù chưa công bố kết quả kinh doanh nhưng nhiều khả năng cũng sẽ có lợi nhuận vượt 20.000 tỷ đồng trong năm 2022 khi 6 tháng đầu năm đã đạt hơn 15.000 tỷ đồng, cao hơn cả VietinBank, Techcombank.
Ở top dưới, vị trí tiếp theo là ACB với 17.022 tỷ đồng; VIB với 10.581 tỷ đồng; HDBank với 10.268 tỷ đồng. Ở top dưới 10.000 tỷ đồng có SHB (9.658 tỷ đồng); TPBank (7.828 tỷ đồng); Sacombank (6.339 tỷ đồng);
Các ngân hàng MSB, LienVietPostBank, SeABank cũng đạt trên 5.000 tỷ đồng tiền lãi trong năm qua. Eximbank là cái tên có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất toàn ngành với mức tăng 208% (3.710 tỷ đồng).
Những nhà băng có lợi nhuận suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái, tính đến thời điểm này có OCB, ABBank...
Kỳ vọng tăng trưởng
Dư luận đặt câu hỏi: Vậy bước sang năm 2023 ngành ngân hàng sẽ ra sao?
Các ngân hàng cũng đưa ra dự báo thận trọng hơn với 56,4% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý I và 75,4% kỳ vọng cải thiện trong cả năm 2023, nhưng mức độ kỳ vọng cải thiện thấp hơn so với năm 2022.
Có 95,3% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng dương trong năm 2023 so với năm 2022. Tuy nhiên, vẫn còn 2,8% tổ chức tín dụng dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm và 1,9% dự kiến lợi nhuận không thay đổi.
Theo nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), sự phân hóa vẫn đang xảy ra ở nhóm ngân hàng, đặc biệt là có xu hướng các ngân hàng lớn có xu hướng đạt lợi nhuận tốt hơn.
“Điều này vẫn phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi về sự phân hóa trong tăng trưởng lợi nhuận ngành trong năm 2022, chủ yếu do sự khác biệt về danh mục tài sản, tốc độ phục hồi của khách hàng, bộ đệm dự phòng và nền so sánh” - báo cáo của VDSC cho hay.
Nhận định về năm 2023, chuyên gia VDSC cũng cho rằng chi phí vốn tăng nhưng tỷ suất tài sản sinh lãi có thể tăng chậm hơn, cùng với việc cho vay có độ trễ tái định giá 3-6 tháng dẫn đến biên lãi ròng (NIM) có thể thu hẹp nhẹ trong 1-2 quý tới.
Đáng chú ý, nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ chứng kiến mức độ suy giảm NIM nhiều hơn so với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần bởi nhiệm vụ hỗ trợ nền kinh tế trong những giai đoạn khó khăn.
Trong khi đó, nhóm phân tích của SSI cho rằng lợi nhuận các ngân hàng được theo dõi của công ty này có thể đạt 13,7% theo kịch bản cơ sở. Con số này bằng một nửa tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2017-2021 (28%) và cao hơn giai đoạn 2014-2015 (11,3%). Trong kịch bản tiêu cực, các ngân hàng này có thể chỉ tăng khoảng 10% trong năm nay, bằng một ba giai đoạn 2017-2021.