Doanh nghiệp vẫn cần vốn, thậm chí khát vốn để sản xuất kinh doanh trong khi đó ngân hàng lại khó tìm được doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện để cho vay.
Liên tiếp trong những ngày gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát hành tín phiếu nhằm điều chỉnh trạng thái thanh khoản ngắn hạn trên hệ thống. Tính ra NHNN đã phát hành tín phiếu với tổng khối lượng 30.000 tỷ đồng.Việc liên tục phát hành tín phiếu được đánh giá có nhiều mục tiêu, trong đó có góp phần giảm tình trạng dư thừa thanh khoản trong hệ thống.
Trở lại với thanh khoản hệ thống ngân hàng, các biểu hiện cho thấy thanh khoản đang dư dả khi tín dụng tăng chậm mà người dân vẫn ưa chuộng gửi tiền ngân hàng. Tính ra, tiền gửi của dân cư vào ngân hàng tăng liên tục từ tháng 9/2022 đến nay. Theo số liệu từ NHNN, tính đến cuối tháng 6, tiền gửi tiết kiệm của dân cư đạt hơn 6,38 triệu tỷ đồng, tăng 8,82% so với cuối năm 2022.
Thống kê báo cáo tài chính của 28 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, lượng tiền gửi vẫn ghi nhận đà tăng khá dù lãi suất huy động giảm sâu. Cụ thể, tính đến 30/6/2023, 28 ngân hàng ghi nhận tổng số dư tiền gửi khách hàng là gần 9,01 triệu tỷ đồng, tăng hơn 8% so với cuối năm 2022.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, số liệu công bố của NHNN cũng cho thấy tín dụng vẫn đang tăng trưởng rất chậm, tính đến 15/9 mới chỉ đạt 5,56% (trong khi định hướng cả năm khoảng 14-15%) và chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức 5,33% đến cuối tháng 8.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Vietcombank chia sẻ, hiện ngân hàng đang thừa tiền, cũng đang đau đầu vì tìm mọi cách đưa vốn ra nền kinh tế, thế nhưng phòng ngừa rủi ro vẫn là mục tiêu hàng đầu khi cho vay vốn. Vì vậy, ngay chính bản thân doanh nghiệp (DN) cũng cần phải có những giải pháp để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo uy tín và lòng tin đối với ngân hàng, để 2 bên cùng nhau hỗ trợ và phát triển.
Trong khi ngân hàng khó đẩy vốn ra thì DN than thở muốn tiếp cận vốn không đơn giản. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thép Vina Kyoei – ông Nguyễn Ngọc Quang nêu thực tế, những DN lớn, hoạt động hiệu quả, ngân hàng “trải thảm” cho vay, thậm chí còn chấp nhận cho vay tín chấp. Tuy nhiên, những DN nhỏ, vốn điều lệ thấp thì việc tiếp cận vốn lại vô cùng khó khăn. Ông Quang cho biết: Đã là DN nhỏ thì rất ít hoặc không có tài sản thế chấp. Quy mô DN cũng không đủ tin tưởng để ngân hàng cho vay tín chấp, DN nhỏ đã khó lại càng khó hơn.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh phân tích, mặc dù tín dụng đối với DNNVV là một trong năm lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng và được NHNN triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khơi thông, hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, kết quả tín dụng đối với DNNVV vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực, quy mô vốn tín dụng ngày càng lớn. Tuy nhiên, vẫn còn các DNNVV khó tiếp cận vốn ngân hàng và việc cho vay DNNVV vẫn gặp phải những khó khăn, bất cập.
“Hiện, số DNNVV trên địa bàn Hà Nội đang hoạt động chiếm số lượng lớn, trên 98%/tổng số các DN trong cả nước. Đa số các DN khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng do quy mô nhỏ, năng lực tài chính, trình độ quản trị hạn chế. Dù đã từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng đến nay nhiều DN vẫn chưa đủ khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn” - ông Quốc Anh thông tin.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, kinh tế Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn, bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước có nhiều trở ngại, thách thức, gây áp lực lớn đối với hoạt động của các DN. Việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, duy trì và khôi phục sức khỏe của khu vực DN là ưu tiên hàng đầu, trong đó sự suy giảm khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn là vấn đề được đặc biệt quan tâm, cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp, chính sách hiệu quả để tháo gỡ.