Nợ xấu sau khi được chào bán nhiều lần vẫn không có ai mua, phần vốn cần thoái cũng không thể thoái được. Bởi vậy mà nhiều ngân hàng vẫn đang mắc kẹt trong sở hữu chéo, và nợ xấu.
Theo số liệu thống kê mới nhất mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng công bố, ngành ngân hàng vẫn còn 1 cặp tổ chức tín dụng (TCTD) trực tiếp sở hữu nhau (giảm từ 7 cặp năm 2012); sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp (DN) giảm từ 56 cặp năm 2012 xuống còn 2 cặp tại 2 ngân hàng thương mại cổ phần. Số lượng TCTD có cổ đông tổ chức sở hữu cổ phần vượt 15% vốn điều lệ cũng vẫn còn 4 TCTD. Những thương vụ thoái vốn gần đây nhất có thể kể như, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (VCB) thông báo tổ chức đấu giá 45,6 triệu cổ phiếu Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB) mà nhà băng này sở hữu. VCB đấu giá công khai 53,4 triệu cổ phần của Ngân hàng Quân đội – MBBank.
Và có thể thấy rằng, những trường hợp ngân hàng sở hữu chéo trực tiếp không còn nhiều, song những mối sở hữu chéo ngầm là thực trạng vẫn đáng ngại. Chẳng hạn như đứng phía sau các dự án bất động sản là các ông chủ ngân hàng, hoặc các cổ đông chủ chốt của ngân hàng, dẫn đến tình trạng vốn vẫn chảy vào lĩnh vực không mong muốn.
Giới chuyên gia cho rằng, cần phải chỉ rõ được những mối liên kết ngầm để làm minh bạch thị trường tài chính ngân hàng. Theo quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1/2/2015, các ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 TCTD khác, trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của ngân hàng đó. Bên cạnh đó, tỷ lệ nắm giữ của ngân hàng tại TCTD khác phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết và không được cử người tham gia HĐQT của TCTD mà ngân hàng mua cổ phần, trừ trường hợp TCTD đó là công ty con của ngân hàng.
Trong khi đó, các ngân hàng muốn tháo ngòi nợ xấu nhưng kết quả chưa như mong đợi. Nhiều khoản nợ xấu mà Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) muốn bán đi cũng không nổi. Chẳng hạn như dự án BĐS Saigon One Tower ở TPHCM được VAMC đưa ra đấu giá 6.110 tỷ đồng để thu hồi khoản nợ gốc và lãi trên 7.000 tỷ đồng. Thế nhưng hơn 1 năm trôi qua, đến nay, khoản nợ này cũng chưa tìm được người mua. Không những không được thanh lý, nợ xấu cũng đang có xu hướng quay ngược trở lại với các ngân hàng.
Trong khi đó, mua bán nợ theo thị trường rất thấp, 9 tháng đầu năm 2018, mua nợ theo giá thị trường mới chỉ đạt 427 tỷ đồng. Riêng các TCTD, phần lớn nợ xấu là do các tổ chức này tự xử lý qua dự phòng rủi ro, thu nợ từ khách hàng. Các hình thức như bán nợ, phát mại tài sản đảm bảo…chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Vì vậy, để đẩy nhanh hơn nữa quá trình xử lý nợ xấu, cần hình thành thị trường mua bán nợ với sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.