Với vai trò là cơ quan ngang Bộ quản lý hoạt động tiền tệ, ngân hàng và ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã rất quyết liệt và tích cực trong công tác cải cách hành chính (CCHC), phá bỏ nhiều “điểm nghẽn” chính sách, góp phần tích cực trong việc khơi thông dòng chảy phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà phát biểu ý kiến tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2016. Tại Hội nghị này, ông Hà đã đề cập nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác cải cách hành chính của ngành Ngân hàng.
Những kết quả khả quan và điểm sáng trong cải cách hành chính của NHNN
Công tác CCHC luôn là một nội dung quan trọng, là nhiệm vụ được NHNN hết sức quan tâm, triển khai mạnh mẽ trong toàn ngành. Với kế hoạch hành động được chia thành 2 bước 2011 - 2015 và 2016 - 2020, ở mỗi giai đoạn, NHNN đều ban hành kế hoạch CCHC để cụ thể hóa các nhiệm vụ và có các văn bản chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện. Trong đó tập trung vào các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm: Cải cách thể chế về tiền tệ, ngân hàng; Cải cách thủ tục hành chính (TTHC); Nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ ngân hàng; Cải cách và kiện toàn tổ chức bộ máy của NHNN; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; Cải cách tài chính công; Tăng cường chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) cải cách, đổi mới các quy trình, thủ tục giao dịch, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ trên cơ sở ứng dụng CNTT nhằm tạo thuận lợi và cắt giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; hiện đại hóa hành chính trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin.
Ngoài việc chủ động đơn giản hóa các TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý, NHNN đã quyết liệt chỉ đạo các TCTD tăng cường đổi mới, cắt giảm thủ tục để nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, giảm chi phí giao dịch,... phục vụ hiệu quả nhu cầu người dân và doanh nghiệp. Trên tinh thần chỉ đạo của NHNN, quán triệt chủ trương CCHC của Chính phủ và NHNN, các TCTD đã chú trọng đổi mới, cải tiến các quy trình, thủ tục cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng, tạo ra những thay đổi tích cực, tạo thuận lợi cho khách hàng trong quá trình giao dịch với ngân hàng. Các TCTD cũng tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ truyền thống, phát triển nhanh các dịch vụ ngân hàng hiện đại trên cơ sở hiện đại hóa công nghệ gắn với quản lý rủi ro hoạt động; Tập trung đầu tư nâng cấp, xây dựng và vận hành có hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng, liên tục đổi mới công nghệ phục vụ đắc lực cho việc nâng cấp, cải tiến các quy trình nghiệp vụ, quy trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ; Tích cực truyền thông rộng rãi, tăng cường tính công khai, minh bạch thông tin để củng cố và nâng cao lòng tin và sự đồng thuận của xã hội với hoạt động ngân hàng... Những kết quả trong công tác cải cách hành chính ở các TCTD đã giúp cho cộng đồng khách hàng thuận lợi hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như phục vụ đời sống. Nhiều doanh nghiệp khi được hỏi đều cho rằng, tiết kiệm thời gian là lợi ích lớn nhất mà họ được hưởng nhờ việc cải cách hành chính của ngành ngân hàng, nhất là trong thời buổi cạnh tranh toàn cầu.
Năm 2016 là năm đầu tiên NHNN triển khai kế hoạch CCHC giai đoạn 2016 – 2020. Tiếp nối những kết quả của giai đoạn trước, NHNN đã có nhiều giải pháp sáng tạo để gia tăng hiệu quả của hoạt động này. Trong lĩnh vực cải cách thể chế, NHNN tiếp tục đề ra nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, ngoại hối đảm bảo tính đồng bộ, trọng tâm là hoàn thành việc xây dựng các văn bản QPPL. NHNN cũng tiếp tục đẩy mạnh cải cách theo hướng thay thế dần các hình thức thủ tục văn bản chấp thuận, giấy tờ hành chính… bằng hình thức chỉ quy định các điều kiện chặt chẽ, bắt buộc phải thực hiện, tạo tính chủ động tuân thủ đối với các tổ chức, cá nhân,...
Một trong những điểm sáng thể hiện tính tiên phong của NHNN trong công tác CCHC là việc ban hành các Thông tư mới bãi bỏ một số giấy phép con trong lĩnh vực ngân hàng. NHNN cũng đã chủ động tự rà soát, loại bỏ, thay thế những thông tư không còn cần thiết... Điều này tạo nên hành lang pháp lý thông thoáng để các doanh nghiệp và người dân thuận lợi hơn trong giao dịch ngân hàng, chủ động hơn trong việc triển khai các kế hoạch tài chính của mình... Trong 6 tháng đầu năm, NHNN đã ban hành nhiều thông tư, đặc biệt là dấu ấn trong ngày 30/6, NHNN đã ban hành 09 thông tư mới với nhiều thay đổi quan trọng.
Có thể nhận thấy, những biện pháp và hành động quyết liệt của NHNN là phù hợp trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ thể hiện quyết tâm bỏ 3.500 giấy phép con nhằm “cởi trói” cho doanh nghiệp, cũng như việc thay đổi để phù hợp với một số luật chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.
Trong thời gian qua, BIDV đã tích cực thực hiện công tác cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho khách hàng trong giao dịch.
Những điểm đột phá của các thông tư mới
Thông tư số 13/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 45/2011/TT-NHNN. Thông tư 13 đã bỏ các quy định liên quan đến điều kiện cho vay ra nước ngoài (bãi bỏ Điều 7 và sửa đổi Khoản 1 Điều 9), thay đổi Điều 10 và Điều 11 quy định về hồ sơ đăng ký và đăng ký thay đổi khoản cho vay ra nước ngoài theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Thông tư số 14/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số nội dung về điều kiện thực hiện ủy thác, nhận ủy thác, điều kiện thực hiện hoạt động bao thanh toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Thông tư 15/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30/2015/TT-NHNN quy định việc cấp Giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Thông tư bãi bỏ một số nội dung về điều kiện cấp phép; điều kiện thực hiện hoạt động bao thanh toán, phát hành thẻ tín dụng, cho thuê tài chính; điều kiện cho thuê tài chính bằng ngoại tệ, mua và cho thuê lại bằng ngoại tệ để đảm bảo phù hợp với Luật Đầu tư về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP của Chính phủ.
Thông tư số 16/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 34/2013/TT-NHNN. Thông tư 34 quy định, một trong các điều kiện phát hành trái phiếu của TCTD, CNNHNNg là phải được sự chấp thuận của NHNN (khoản 6 Điều 20). Thông tư 16 đã sửa đổi điều khoản này theo hướng giao quyền chủ động quyết định hoạt động kinh doanh lớn hơn cho các TCTD, CNNHNNg.
Thông tư 17/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động môi giới tiền tệ của NHTM, CNNHNNg thay thế Quy chế môi giới tiền tệ ban hành kèm theo Quyết định số 351/2004/QĐ-NHNN. Thông tư 17 Giới hạn đối tượng được thực hiện dịch vụ môi giới tiền tệ, đảm bảo chất lượng dịch vụ, đồng thời quy định các nguyên tắc đảm bảo hiệu quả và tính khách quan; Mở rộng các hoạt động được sử dụng dịch vụ môi giới tiền tệ; Trao quyền chủ động cho đơn vị cung ứng dịch vụ hơn: quyết định phí, quy định trình tự thực hiện tại đơn vị mình, đồng thời giảm thiểu thủ tục các tổ chức cung cấp dịch vụ phải thực hiện... Một điểm nổi bật thể hiện NHNN có sự cải cách hành chính rõ rệt tại Thông tư 17 là các tổ chức cung cấp dịch vụ đã được NHNN chấp thuận tại Giấy thành lập và hoạt động, không quy định giấy phép riêng đối với hoạt động môi giới tiền tệ.
Thông tư số 18/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2012/TT-NHNN. Thông tư bổ sung Ngân hàng chính sách xã hội vào đối tượng được thực hiện các giao dịch cho vay/đi vay, đầu tư/nhận tiền gửi, mua bán kỳ hạn GTCG với các TCTD, CHNHNNg và làm rõ về đối tượng có thể được NHNN chấp thuận cho thực hiện các giao dịch khi không đáp ứng điều kiện có nợ quá hạn 10 ngày trên thị trưởng liên ngân hàng. Bên cạnh đó, một trong những nội dung sửa đổi gắn với việc cải cách thủ tục hành chính là việc quy định cụ thể về đối tượng có thể được NHNN chấp thuận cho thực hiện giao dịch cho đi vay/cho vay, mua/bán kỳ hạn giấy tờ có giá, khi không đáp ứng điều kiện không có nợ quá hạn từ 10 ngày trở lên tại các TCTD, CNHNNg.
Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về Hoạt động thẻ ngân hàng các quyết định của NHNN. Thông tư khắc phục được hạn chế của Quyết định 20, nổi bật là một số quy định ảnh hưởng lớn đến chủ thẻ cũng như Tổ chức phát hành như: Quy định rõ các đối tượng chịu sự điều chỉnh phù hợp với quy định của các tổ chức thẻ quốc tế và thực tiễn hoạt động thẻ tại Việt Nam; Mở rộng đối tượng cá nhân được làm Chủ thẻ chính và Chủ thẻ phụ phù hợp với quy định của nhà nước về mở và sử dụng tài khoản. Quy định rõ ràng các loại giao dịch được thực hiện bằng đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ, phù hợp với quy định của nhà nước về quản lý ngoại hối; Quy định các nội dung tối thiểu trên Hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ Thông tư số 21/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2013/TT-NHNN. Theo Thông tư 21, NHNN sẽ không cấp các giấy phép về việc thực hiện nghiệp vụ chiết khấu công cụ chuyển nhượng, GTCG cho các TCTD, CNNHNNg như quy định tại Thông tư 04/2013/TT-NHNN. Theo đó, phạm vi hoạt động của các TCTD/CNNHNNg được ghi nhận trực tiếp trên giấy phép thành lập và hoạt động của các TCTD, CNNHNNg. Quy định này nhằm giảm các giấy phép con phù hợp hơn với các quy định pháp luật quy định về giấy phép thành lập, hoạt động của các TCTD, CNNHNNg.
Thông tư số 22/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 Quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp (thay thế Thông tư 28/2011/TT-NHNN). Thông tư 22 quy định chi tiết hơn về các biện pháp kỹ thuật nhằm định hướng các TCTD, CNNHNNg kiểm soát rủi ro phát sinh trong việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.