Đầu tuần này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ thông báo về hạn mức tăng trưởng tín dụng điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%. Việc nới “room” cũng sẽ đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh cuối năm.
Tín dụng đã tăng 9,62%
Theo số liệu NHNN, tính đến ngày 15/8, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,45 triệu tỷ đồng, tăng 9,62% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,68%). Với mục tiêu tăng trưởng 14%, trong hơn 4 tháng cuối năm, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế còn có thể tăng thêm 4,38%, tương đương quy mô khoảng 457.000 tỷ đồng.
Phía NHNN đã nhiều lần khẳng định không thay đổi mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay và việc cấp ''room'' sẽ dựa trên chất lượng tài sản, quy mô hoạt động của từng ngân hàng. Và thường việc phân bổ tín dụng sẽ căn cứ theo một số điểm: kết quả xếp hạng từng tổ chức tín dụng (TCTD) theo các tiêu chí và chấm điểm quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN; xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, NHNN như tiêu chí giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân, tiêu chí tín dụng tập trung vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tiêu chí TCTD tham gia hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu kém… để làm cơ sở điều chỉnh tăng/giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD trong quá trình phân bổ/điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD.
Các tiêu chí này được NHNN xem xét theo nguyên tắc chung và được Ban lãnh đạo NHNN thống nhất trên cơ sở tham mưu của các đơn vị chức năng. Chủ trương được công bố công khai ngay từ đầu năm tại Chỉ thị số 01 hàng năm về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng.
Từ tháng 6/2022, nhiều ngân hàng đã lên tiếng về việc sắp cạn “room” tín dụng, trong khi còn phải triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ DN phục hồi sau đại dịch.
Trong đó, gói hỗ trợ lãi suất 2% cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh với quy mô 40.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước trong vòng 2 năm từ 2022-2023 được các ngân hàng ước tính sẽ dành khoảng 800.000 tỷ đồng dư nợ cho vay trong năm nay để giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp đủ điều kiện. Sang năm 2023, dư nợ dự kiến được hỗ trợ lãi suất vào khoảng 1,2 triệu tỷ đồng.
Do vậy, với việc tín dụng chỉ còn được tăng trưởng chưa đến 500.000 tỷ đồng trong nửa cuối năm thì nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng NHNN nước phải tăng hạn mức tín dụng.
Không quá lo về lạm phát
Việc nới “room” được các ngân hàng và DN đặc biệt quan tâm. TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng NHNN cần lưu ý đến vấn đề này và nên xem xét sớm, bởi nếu không khơi thông sớm sẽ bị mất cơ hội, tăng nợ đọng lẫn nhau giữa các DN, cực kỳ nguy hiểm và nợ xấu ngân hàng tăng lên.
Ông Lực lưu ý thêm rằng, nhu cầu vốn tín dụng trong năm nay tăng trưởng cao gắn với nhu cầu thực hơn so với trước rất nhiều do nền kinh tế phục hồi, sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh, doanh nghiệp có nhu cầu vốn để hoạt động.
Hơn nữa, hiện nay, thanh khoản hệ thống ngân hàng hoàn toàn trong khả năng kiểm soát. Tỷ lệ cho vay so với vốn lưu động trong thị trường theo tính toán sơ bộ đến thời điểm hiện nay là 92%, vẫn ở mức an toàn. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn hiện nay 25,2% và ngưỡng cho phép của NHNN bắt đầu từ 1/10 năm nay là 34%, tức là vẫn trong tầm kiểm soát.
Ngoài ra, dòng vốn trung và dài hạn chảy vào hệ thống các ngân hàng đang mạnh hơn, đặc biệt là trong 3 tháng gần đây. Tỷ trọng vốn ngắn hạn, trung và dài hạn hiện nay đã khác, không còn ở tỷ lệ 20% - 80% như trước đây, mà đã cải thiện hơn rất nhiều. Đây là các yếu tố khiến NHNN có thể yên tâm hơn khi xem xét nới “room” tín dụng.
Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Quốc hội mới đây, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đang chịu áp lực “ba bề, bốn bên”, người dân gửi tiền mong lãi suất đầu vào cao, DN mong giảm lãi suất đầu ra, DN bất động sản đang gặp vướng mắc về vốn thì mong tháo gỡ tín dụng, các lĩnh vực sản xuất cũng mong dòng vốn chảy vào sản xuất kinh doanh.
Khẳng định NHNN luôn lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN sẽ luôn kiên định đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại hối, ổn định an toàn của hệ thống ngân hàng lên trên hết.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, thì Ngân hàng Nhà nước có thể nới “room” tín dụng lên 15-16%.“Nhiều ngân hàng đang cạn kiệt “room” tín dụng, nhưng vẫn chưa biết có được nới hay không. Vấn đề là, hiện lạm phát của Việt Nam là do chi phí đẩy (chủ yếu do nhập khẩu), do đó, muốn chống lạm phát chi phí đẩy thì phải có giải pháp về thuế (giảm thuế để giảm lạm phát chi phí đẩy). Nếu không chống được lạm phát do chi phí đẩy, không dám sử dụng biện pháp về thuế, tài khóa để chống lạm phát, giảm nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài vào thì không thể nới “room” tín dụng”- ông Nghĩa phân tích. Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng “rất thông cảm” với sự thận trọng nới “room” của Ngân hàng Nhà nước. Bởi theo ông, chỉ khi lạm phát được kiểm soát vững chắc, việc nới room lên 15% hoặc 16% mới an toàn.