Phát biểu tại Hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu tại Cần Thơ sáng nay 13/3, bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam nhấn mạnh “Với tư cách là đối tác phát triển của Việt Nam, chúng tôi cam kết hỗ trợ mạnh mẽ đối với ĐBSCL và việc thực hiện Nghị quyết 120…
Đánh giá về việc ban hành Nghị quyết 120 của Chính phủ cho vùng ĐBSCL, bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, Nghị quyết 120 là một cột mốc mang tính đột phá, đánh dấu sự thay đổi từ cách tiếp cận mang tính phòng vệ thụ động đối với biến đổi khí hậu chuyển sang hướng tới mô hình “chủ động thích ứng với thiên nhiên”.
Nghị quyết đã chỉ ra rằng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, sự thay đổi cực đoan về thời tiết và xâm nhập mặn đã trở thành tình trạng “bình thường mới” của ĐBSCL. Nghị quyết cũng tạo cơ sở để chuyển đổi phát triển của khu vực - từ quan điểm phát triển cấp hộ canh tác quy mô nhỏ và cấp tỉnh sang quan điểm phát triển mang tính liên tỉnh, toàn đồng bằng và xuyên biên giới; từ quan điểm phát triển ngắn hạn theo từng ngành sang cách tiếp cận dài hạn, đa ngành và tích hợp.
bà Carolyn nhấn mạnh: “Với tư cách là đối tác phát triển của Việt Nam, chúng tôi cam kết hỗ trợ mạnh mẽ đối với ĐBSCL và việc thực hiện Nghị quyết 120. Trong giai đoạn 2015-2020, chúng tôi đã huy động khoảng 2,2 tỷ đô la Mỹ cho các hoạt động trong khu vực, hầu hết trong số đó đều phù hợp với Nghị quyết. Trong tương lai, chúng tôi sẵn sàng huy động thêm kiến thức và nguồn tài chính để thực hiện các tầm nhìn và mục tiêu của Nghị quyết 120. Những nguồn lực này sẽ hỗ trợ các cơ quan trung ương, địa phương và các bên liên quan khác để giảm thiểu rủi ro và nắm bắt cơ hội do biến đổi khí hậu”.
Bà Carolyn Turk chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới cho ĐBSCL: Trước tiên, cần đảm bảo sự phối hợp và điều phối theo chiều dọc và chiều ngang một cách hiệu quả. Hiện có hơn 60.000 ha diện tích có thể chuyển đổi từ thâm canh lúa ba vụ thành nông nghiệp dựa vào lũ với việc cho phép đầu tư theo chuỗi giá trị, mang lại lợi nhuận gấp 4 lần cho người nông dân, phá vỡ chu kỳ dịch hại, giảm sử dụng thuốc trừ sâu, và tạo điều kiện cho 96.000 ha lúa mùa khô chuyển sang sản xuất sạch hơn.
Cũng theo Bà Carolyn Turk, vừa qua Chính phủ Việt Nam đã triển khai thực hiện một nhiệm vụ lớn và phức tạp – đó xây dựng Quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030 – “quy hoạch vùng đầu tiên” của cả nước. Chúng tôi kì vọng rằng, đến năm 2025, hơn 60% các dự án đầu tư công sẽ được lồng ghép các yếu tố của biến đổi khí hậu và rủi ro môi trường trong thiết kế dự án. Một ví dụ về giải pháp tổng thể dựa vào thiên nhiên là tích hợp rừng ngập mặn vào khu vực nuôi trồng thủy sản dọc dải đê biển hiện hữu bằng cách sử dụng các công nghệ tiên tiến đã được thử nghiệm và có thể nhân rộng.