Nợ xấu đang khiến nhiều ngân hàng đứng ngồi không yên. Trong khi đó, việc bán hay đấu giá tài sản gắn với nợ xấu không hề đơn giản. Mùa đại hội đồng cổ đông đang rộn ràng, và vấn đề này đang khiến nhiều ông chủ nhà băng tiếp tục đau đầu.
Ngân hàng với nỗi lo nợ xấu.
Tại Đại hội đồng cổ đông của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) vừa diễn ra vào đầu tháng 5, chỉ tiêu nợ xấu được ngân hàng này công bố giảm từ 2,21% xuống còn 1,71% vào cuối năm 2019, đồng thời giảm 54% quy mô danh mục trái phiếu tại Công ty Quản lý tài sản (VAMC).
Dự kiến ngân hàng sẽ xoá hết dư nợ tại VAMC trong năm nay. Song, dù tự tin công bố giảm tỷ lệ nợ xấu, nhưng MSB lại không thể chia cổ tức cho cổ đông vì... nợ xấu.
Ông Huỳnh Bửu Quang, Phó Chủ tịch HĐQT MSB cho biết, lợi nhuận để lại của năm 2019 còn gần 900 tỷ đồng, nhưng nếu chia cổ tức thì sẽ ảnh hưởng đến năng lực hoạt động.
Tuy nhiên, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngân hàng nào chưa xử lý xong nợ xấu tại VAMC thì chưa được phép chia cổ tức. Cũng về nợ xấu và cổ tức, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho biết, nguồn lợi tức của cổ đông mà SCB đang giữ là 1.234 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận để lại trên 700 tỷ đồng và Quỹ bổ sung vốn điều lệ là 521 tỷ đồng. Nếu SCB chia cổ tức là làm trái quy định của NHNN về việc các ngân hàng đang tái cơ cấu và chưa xử lý xong nợ xấu (trái phiếu VAMC) thì không được chia cổ tức. Hiện SCB còn nắm giữ hơn 20.000 tỷ đồng trái phiếu VAMC.
Nợ xấu trong nhiều năm nay vẫn là nỗi lo lớn nhất của ngân hàng. Nợ cũ chưa dứt thì nợ mới lại tiềm ẩn phát sinh. Cái vòng luẩn quẩn đó khiến lãnh đạo các ngân hàng đau đầu, loay hoay tìm cách xử lý mà chưa được. Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank nói, nợ xấu của nhà băng này đang “nhúc nhích tăng lên”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng OCB cho hay: “Năm nay, doanh nghiệp xác định phải đối phó với suy giảm kinh doanh, thậm chí là phá sản. Nợ xấu tại ngân hàng theo đó cũng tăng cao hơn”. Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều đã lên kịch bản đối phó với tác động của đại dịch Covid-19, từ lạc quan đến tiêu cực. Tuy nhiên, ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất, nợ xấu vẫn sẽ gia tăng.
Cũng theo báo cáo của NHNN, từ năm 2012 đến cuối tháng 3/2020, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 1.076,95 nghìn tỷ đồng nợ xấu (riêng năm 2019 xử lý được 159,7 nghìn tỷ đồng và 3 tháng đầu năm 2020 xử lý được 26,94 nghìn tỷ đồng). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 3/2020 là 1,77%.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, việc khắc phục nợ xấu đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng hiện tại ở một số chương trình tín dụng đặc thù thì con số tại báo cáo không được lạc quan cho lắm. Chẳng hạn, với cho vay hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67, nợ xấu chương trình cho vay có xu hướng gia tăng, đặc biệt tăng mạnh từ cuối năm 2018 và đang ở mức cao (35,2%).
Thiệt hại từ dịch tả lợn châu Phi cũng là vấn đề ảnh hưởng đến tín dụng. Theo báo cáo, đến cuối tháng 3/2020, dư nợ cho vay ngành chăn nuôi lợn toàn quốc đạt khoảng 53.772 tỷ đồng. Dư nợ bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi là 1.668 tỷ đồng (trong đó chủ yếu là dư nợ cho vay nuôi lợn bị thiệt hại 1.475 tỷ đồng).
Đến nay, các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ người chăn nuôi lợn tại 63 tỉnh/thành phố đang có dịch tổng số tiền 1.242 tỷ đồng thông qua các biện pháp: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ 602 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay 153 tỷ đồng; cho vay mới phục hồi sản xuất kinh doanh 465 tỷ đồng; biện pháp khác (ưu tiên thu gốc trước, lãi sau…) 22 tỷ đồng.