Ngân hàng vơi nỗi lo nợ xấu

H.Hương 14/04/2022 07:06

Dịch Covid - 19 bùng phát đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng tín dụng. Nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng liên tục từ năm 2020 đến nay, đến cuối tháng 11/2021 tăng cao ở mức trên 2%. Với việc nhà quản lý thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết kéo dài xử lý nợ xấu, ngân hàng tạm thời vơi nỗi lo nợ xấu.

Những áp lực về nợ xấu sẽ được giảm thiểu.

Gia hạn thời gian xử lý nợ xấu

Ngày 25/3/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 45/NQ-CP về việc thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước). Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng để trình Quốc hội theo quy định, đảm bảo chặt chẽ, chất lượng, hiệu quả, kịp thời, đúng trình tự, thủ tục và quy định pháp luật.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay, từ năm 2017 đến nay, Nghị quyết 42 đã mang lại nhiều tác động tích cực, số nợ xấu đã xử lý được nhờ Nghị quyết không nhỏ. “Nghị quyết 42 đã mang lại giá trị tích cực không chỉ với xã hội mà với cả hệ thống ngân hàng và nền kinh tế”- Phó Thống đốc nêu rõ.

Tuy nhiên, sau 5 năm, vào tháng 8/2022, Nghị quyết 42 sẽ hết hạn, khoảng 380.000 tỷ đồng là khối lượng vốn rất lớn được giải phóng và quay vòng ra nền kinh tế, giải quyết nhiều vấn đề tiêu cực liên quan đến nợ xấu trong xã hội.

Cũng theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nói chung vẫn cần cơ sở pháp lý để xử lý nợ xấu. Vì thế, NHNN đã báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ về việc ban hành đạo luật về xử lý nợ xấu. Nhưng theo ông Tú, việc xây dựng luật cần thời gian nghiên cứu, đánh giá tác động, nên nếu không kéo dài Nghị quyết 42 của Quốc hội sẽ gây khó khăn cho những khoản nợ đang thuộc đối tượng được xử lý theo Nghị quyết 42. Hơn nữa, dịch Covid-19 tác động mạnh đến hoạt động doanh nghiệp, nên sẽ làm nợ xấu mới xuất hiện. Việc kéo dài Nghị quyết 42 sẽ tạo cơ sở pháp lý cho xử lý nợ xấu, tạo cơ sở tích cực cho hoạt động ngân hàng.

Còn theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề nợ xấu và xử lý nợ xấu cực kỳ quan trọng, nếu không có giải pháp có thể dẫn đến sự nguy hiểm của hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng và nền kinh tế nói chung.

Tài sản chiết khấu hấp dẫn

Về lâu dài các ngân hàng thương mại cổ phần kỳ vọng, Chính phủ và Quốc hội sẽ sớm xây dựng Luật Xử lý nợ xấu. Nguyên nhân là, bản thân Nghị quyết 42/2017/QH14 còn rất nhiều vướng mắc, nếu chỉ gia hạn thì vẫn chưa giải quyết triệt để khó khăn của các tổ chức tín dụng. Ví dụ, liên quan đến quyền thu giữ tài sản đảm bảo - điểm quan trọng nhất của Nghị quyết 42/2017/QH14 - các ngân hàng cho rằng, vướng mắc vẫn còn rất lớn. Thực tế, 5 năm qua, BIDV chỉ thu giữ được tài sản đảm bảo của hơn 40 khách hàng theo Nghị quyết 42/2017/QH14. Nguyên nhân là Nghị quyết chưa quy định chế tài xử lý hoặc cơ chế, cách thức tiến hành cưỡng chế trong trường hợp bên bảo đảm, bên giữ tài sản không hợp tác khiến ngân hàng phải phụ thuộc vào sự phối hợp của con nợ. Giới chuyên gia kiến nghị, việc ban hành Luật Xử lý nợ xấu là rất cần thiết vì sẽ bổ sung nhiều quy định còn thiếu và giải quyết được xung đột của nhiều luật khác nhau.

Tuy vậy, bên cạnh xây dựng Luật Xử lý nợ xấu, các chuyên gia cũng cho rằng, cần sớm có giải pháp thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển và coi đây là kênh chính để xử lý nợ xấu.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, trong 2 năm diễn ra dịch Covid-19, nợ xấu của một số ngân hàng châu Âu giảm do hoạt động bán nợ được đẩy mạnh. Trong khi đó, tại Việt Nam, thị trường nợ vẫn trong giai đoạn sơ khai.

Nhiều chuyên gia cho rằng cần hướng tới xem nợ xấu là hàng hóa có chiết khấu hấp dẫn và được định giá. Mọi hoạt động xử lý nợ có thể chuyển thành mua bán nợ, theo đó, tổ chức mua nợ sẽ tiếp nhận vấn đề thu hồi nợ, xử lý tài sản đảm bảo, hoặc tham gia tái cơ cấu.

Chuyên gia kinh tế Trần Thị Miên – Ban mua và quản lý nợ, Công ty mua bán và quản lý nợ VAMC từng nhấn mạnh: trước bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội gặp rất nhiều khó khăn trong 2 năm qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhu cầu bán nợ bằng trái phiếu đặc biệt của các TCTD có xu hướng gia tăng trong những tháng vừa qua. Đặc biệt, “sức khỏe” của các doanh nghiệp, của hệ thống các TCTD được dự báo sẽ phải đối mặt với rất nhiều áp lực sau khi các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước về miễn, giảm thuế, cơ cấu lại nợ... sẽ kết thúc trong thời gian tới. Trong khi đó, nếu không có sự điều chỉnh, chỉ còn khoảng 5 tháng nữa, Nghị quyết 42 sẽ kết thúc thời gian thí điểm (15/8/2022), điều này sẽ tạo sức ép lên hoạt động của hệ thống ngân hàng nói chung và hiệu quả xử lý nợ xấu nói riêng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngân hàng vơi nỗi lo nợ xấu