Tín dụng nông nghiệp là một trong những vấn đề được quan tâm đặc biệt trong giai đoạn tổng cầu toàn nền kinh tế còn thấp. Thời gian gần đây các ngân hàng mạnh dạn đẩy vốn vào lĩnh vực nông nghiệp, song kết quả chưa như mong đợi.
Con số mới nhất về tình hình tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn được cập nhật tại văn bản 230/BC- NHNN cho thấy, tín dụng tam nông tăng 6,1%, xuất khẩu tăng 4,37%. Cơ cấu tín dụng tiếp tục được chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên tăng khá cao.
Trong 5 năm qua, dư nợ tín dụng lĩnh vực này tăng gấp 2 lần, chiếm 22% tổng dư nợ nền kinh tế, tương xứng với tỷ trọng đóng góp vào GDP của ngành nông nghiệp. Nhưng yêu cầu về vốn của ngành nông nghiệp cần cao hơn thế. Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình: "Cần phải có cơ chế chính sách mới thì để phát triển ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới. Chúng ta đang đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, sơ kết Nghị quyết của Trung ương về tam nông, Chính phủ cũng đã có đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Quốc hội đã thông qua Luật Hợp tác xã mới”…
Với thực trạng tín dụng khó tăng trưởng nhiều ngân hàng không dám đổ vốn vào bất động sản đã xoay hướng, đặt trọng tâm vào cho vay xuất khẩu và cho vay nông nghiệp. Hiện đi đầu cho vay nông nghiệp vẫn là Agribank. Dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện chiếm khoảng 70% tổng dư nợ của Agribank. Hay tại một số ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng đang đẩy mạnh cho vay nông nghiệp nhưng kết quả không như kỳ vọng. Việc tiếp cận vốn của DN nông nghiệp, và của người nông dân rất khó khăn.
Ông Nguyễn Xuân Thanh, Trưởng ban Tín dụng nông nghiệp (Agribank) cho biết, kinh tế khó khăn có ảnh hưởng đến hoạt động cho vay của ngân hàng này, với biểu hiện tổng dư nợ cho vay tăng chậm hơn. Đến 31-8-2014 dư nợ của ngân hàng đạt hơn 500.000 trong đó tổng dư nợ cho vay nông nghiệp đạt 387.000 tỷđồng.
Tại một hội thảo do Bộ NNPTNT tổ chức vào trung tuần tháng 10 vừa qua, hầu hết các DN nông nghiệp khẳng định rất khó tiếp cận vốn ngân hàng. Ông Võ Quang Huy, Phó chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh cho rằng, nếu có tài sản thì ngân hàng cho vay vốn, còn hết tài sản là "nghỉ”. Nếu như vậy thì "cục nợ” sẽ luôn luôn không giải quyết được. Đề nghị ngân hàng phải có cơ chế cho các trường hợp bị rủi ro bất khả kháng để tái cơ cấu lại vốn cho DN, giúp DN có vốn để tái sản xuất.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cũng nói với PV Đại Đoàn Kết rằng, thời gian gần đây có cuộc chạy đua cho vay lĩnh vực nông nghiệp nhưng ngân hàng chỉ chọn những DN có triển vọng xuất khẩu tốt.
Tại cuộc hội thảo sáng ngày 22-10, ông Nguyễn Xuân Thanh cho biết, để đưa vốn ra nền kinh tế Agribank đẩy mạnh cho vay theo chuỗi liên kết cung cấp sản phẩm cho khách theo theo chuỗi và cho vay tín chấp không có tài sản đảm bảo. Đây là phương thức nhằm hỗ trợ chuyển từ sản xuất manh mún sang sản xuất tập trung, năng suất.