Năm 1992, UBND huyện Ngân Sơn đã có quyết định giao đất, giao rừng cho hàng trăm hộ gia đình bảo vệ, chăm sóc, trồng mới. Năm 1994, các hộ dân được UBND huyện ký quyết định cấp “sổ đỏ” cho phần rừng được giao. Năm 2009 (sau 17 năm), UBND huyện lại ra quyết định “thu hồi, hủy bỏ quyết định giao đất, giao rừng …”. Theo các hộ dân, lý do các quyết định thu hồi đất đưa ra chưa thỏa đáng.
Theo đó, đầu thập niên 1990, Lâm trường Ngân Sơn (huyện Ngân Sơn), quản lý 5.247 ha đất, rừng, trải dài qua các địa bàn Lũng Lịa, Bản Hùa (thị trấn Nà Phặc), các xã Vân Tùng, Đức Vân và thôn Vi Ba (xã Bằng Vân ) …Do việc hoạt động của lâm trường không hiệu quả nên UBND huyện đã tiến hành giao gần hết diện tích đất, rừng này cho hàng trăm hộ gia đình theo chủ trương của Nhà nước.
Trong đó có 6,2 ha rừng gỗ mỡ ở Bản Hùa (thị trấn Nà Phặc) đã trồng được 10 năm và 200ha rừng gỗ thông đã trồng được 2 – 3 năm ở các khu vực Nặm Nàng (xã Đức Vân), Vi Ba, Nặm Nộc (xã Bằng Vân)…Người ký các quyết định giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình khi ấy là ông Nông Minh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn. Năm 1994, trực tiếp ông Dương Đình Hân, Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn đã ký quyết định cấp “sổ đỏ” cho các hộ được giao đất rừng thông ở các khu vực đèo Gió, Phiêng Dương, Nặm Nộc…(xã Bằng Vân). Quá trình thực hiện giao đất, giao rừng và cấp sổ đỏ không xảy ra tranh chấp hoặc giao nhầm thửa đất hay giao trùng của chủ thể khác …
Thế nhưng, đùng một cái, ngày 26/3/2009, UBND huyện Ngân Sơn đã ban hành hàng loạt quyết định “Thu hồi và hủy bỏ Quyết định giao đất, giao rừng ...” của gần 100 hộ gia đình với lý do “giao trùng đất”. Các hộ dân đã liên tục khiếu nại. Ngày 29/11/2016, UBND huyện Ngân Sơn có Công văn số 1168/UBND- TNMT (do Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Quốc Chài ký), trả lời 5 hộ gia đình bị thu hồi đất, rừng ở thôn Lũng Lịa (thị trấn Nà Phặc), cho rằng: “Quá trình thu thập các hồ sơ liên quan về nguồn gốc là đất của Đội 4, Lâm trường Ngân Sơn tại tờ bản đồ trồng rừng Đội 4, Nà Phặc, Lâm trường Ngân Sơn can in 1990, tỷ lệ 1:10.000, được Sở Nông- Lâm nghiệp tỉnh Cao Bằng (thời kỳ này, huyện Ngân Sơn thuộc tỉnh Cao Bằng ), …do ông Lý Danh Phương, Giám đốc Sở ký xác nhận…”.
Theo các hộ dân, tại công văn này không nêu rõ số tờ bản đồ trồng rừng Đội 4 là tờ bản đồ số mấy. Hơn nữa, từ năm 1992 - 1994, hơn 5.200ha đất rừng của lâm trường đã giao cho hàng trăm hộ gia đình. Thực tế Lâm trường Ngân Sơn không còn là chủ thể sử dụng đất.
Trong quá trình các hộ dân khiếu nại, ngày 30/10/2013, UBND tỉnh Bắc Kạn đã có Quyết định 1866/QĐ-UBND, thu hồi đất lâm nghiệp của Lâm trường Ngân Sơn thuộc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bắc Kạn, giao cho địa phương quản lý, sử dụng.
Điều đáng nói là trong số hơn 1.500 ha đất bị thu hồi, trước đó, năm 2009, UBND huyện Ngân Sơn có hàng loạt quyết định thu hồi 39,7 ha của 6 hộ dân (trú tại thị trấn Nà Phặc) lại với lý do “Nhất trí trả lại quyết định giao đất, giao rừng”. Các ông Đinh Văn Đức, Nông Văn Nghinh, Vương Văn Thần và các bà Đào Thị Huê, Nguyễn Thị Thụ…(bị thu hồi đất, rừng ở khu vực Lũng Lịa) cho biết: Các quyết định thu hồi đất rừng, ghi lý do theo biên bản số 13 “Họp thôn”, ngày 9/11/2004 là “căn cứ” giả mạo. Bởi biên bản này do cán bộ Lâm trường Ngân Sơn lập “khống”, các chữ ký của từng chủ hộ bị thu hổi đất, rừng là không đúng.
Ông Nông Quốc Kim, nguyên Trưởng tiểu khu số 3 (thị trấn Nà Phặc) cũng khẳng định biên bản số 13 là giả mạo, vì chính ông Kim được “nhờ” ký tên vào chỗ “đại diện thôn”… Ông Đinh Văn Đức một trong những hộ dân cho biết thêm: “Chỉ được mời họp vào ngày 30/11/2004, có lập biên bản số 12 và tự viết vào biên bản ở mục “ý kiến của các hộ”: Không nhất trí để Lâm trường chuyển đổi đất, rừng …; chỉ có một chữ ký của ông Đức “đại diện các hộ” được mời họp….
Xung quanh việc triển khai các quyết định cũng có những mập mờ, như trường hợp hộ gia đình ông Đinh Quang Việt (ở Bản Hùa, thị trấn Nà Phặc) bị thu hồi 2,5 ha đất rừng, theo Quyết định 558/QĐ-UB-TNMT ngày 26/3/2009, nhưng sau 6 năm 3 tháng 19 ngày, tức ngày 14/7/2013, ông Việt mới biết mình bị thu hồi đất, rừng .
Xung quanh việc thu hồi đất rừng của người dân ở Ngân Sơn (Bắc Kạn) còn nhiều điều cần được làm rõ, để giải quyết dứt điểm việc khiếu nại, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho dân.