Thời gian qua, tại một số tỉnh, thành đã xuất hiện tình trạng người dân vứt lợn chết, lợn bệnh ra ven đường giao thông, dưới ao hồ, trên sông…không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn là nguồn lây lan dịch tả lợn châu Phi.
Vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi thiếu ý thức vứt xác lợn bệnh, nghi bệnh hoặc chết ra môi trường.
Thời gian qua, tại một số tỉnh, thành đã xuất hiện tình trạng người dân vứt lợn chết, lợn bệnh ra ven đường giao thông, dưới ao hồ, trên sông…không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn là nguồn lây lan dịch tả lợn châu Phi.
Tại Nghệ An, ngày 22/10 khi đang đi qua cầu Hiếu, thị xã Thái Hòa, người dân phát hiện có một bì tải vứt trên cầu. Nghi ngờ là rác thải, một số người dân đã mở ra xem thì phát hiện bên trong có chứa xác một con lợn bị chết. Trước đó, ngày 8/10, người dân xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên phát hiện nhiều xác chết của lợn nổi trên sông Đào do ai đó vứt xuống sông.
Ngày 5/10 người dân phát hiện xác chết của lợn bị vứt trôi trên sông trên địa bàn xã Lăng Thành, huyện Yên Thành. Xác lợn chết bị vứt bừa bãi còn bị người dân phát hiện tại một số xã ở huyện Nam Đàn, Đô Lương…
Điều đáng nói dịch tả lợn châu Phi đang phát triển mạnh trên địa bàn Nghệ An. Tại những địa phương phát hiện có xác lợn chết vứt bừa bãi là những địa phương nằm trong vùng dịch hoặc giáp ranh với những địa phương đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Không chỉ vứt xác lợn chết bừa bãi, tại nhiều địa phương trong tỉnh còn xuất hiện tình trạng vận chuyển, tiêu thụ lợn, thậm chí giết mổ, bán thịt lợn ngay trong vùng có dịch.
Ngày 22/10, lực lượng chức năng ở thị trấn Con Cuông (huyện Con Cuông) phát hiện bắt giữ xe ô tô 37V 3352 chở theo 10 con lợn, tổng trọng lượng 1,5 tấn và xe ô ô 37C 06975 chỏ 12 con lợn, tổng trọng lượng 2,4 tấn (cả hai xe xuất phát từ xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn). Thời điểm phát hiện, Thị trấn Con Cuông đang xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, nghiêm cấm việc vận chuyển lợn ra vào vùng có dịch, nhưng cả 2 xe ô tô này vận chuyện lợn vào vùng có dịch để tiêu thụ.
Việc vứt xác lợn chết bừa bãi và vận chuyển lợn ra vào vùng có dịch là việc làm vi phạm, là nguyên nhân làm lây lan, phát tán dịch đến các địa phương khác. Ngành thú y Nghệ An và các địa phương đã có nhiều cảnh báo đến các hộ chăn nuôi về những hành vi sai trái này, tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa được chấm dứt.
Theo cơ quan thú y, nhiều hộ dân đã lén lút hoặc lợi dụng đêm khuya, rạng sáng để vận chuyển lợn chết hoặc lợn bệnh, sắp chết đi vứt bỏ mà không tuẩn thủ đúng quy định của ngành thú y và chính quyền địa phương là phải thông báo và tiêu hủy đúng quy định.
Tỉnh Nghệ An đang triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng trên, tuy nhiên hiện nay việc ngăn chặn đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên do lực lượng thú y mỏng, trong khi địa bàn rộng; ý thức của nhiều hộ chăn nuôi hạn chế, có tình trạng dấu dịch, không khai báo, tiêu hủy đúng quy định khi lợn bị bệnh. Mặt khác chế tài xử lý của ngành Thú y và chính quyền địa phương đối với những trường hợp vứt lợn chết, lợn bệnh chưa đủ mạnh.
Tại Nghệ An dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 17.600 hộ, 2.290 xóm, 336 xã, 21 huyện, thành, thị; tổng số lợn đã tiêu hủy 80.389 con, với tổng trọng lượng 4.013.194 kg, chiếm 2,36% tổng sản lượng lợn của cả tỉnh. Hiện nay, dịch đang diễn biến phức tạp tại một số xã thuộc các huyện: Đô Lương, Yên Thành, Hưng Nguyên Nghi Lộc, Thanh Chương...
Còn tại tỉnh Kiên Giang, trong khi tình hình dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có dấu hiệu giảm với nhiều diễn biến phức tạp thì nhiều hộ chăn nuôi thiếu ý thức vứt xác lợn bệnh, nghi bệnh hoặc chết ra môi trường gây ô nhiễm, lây lan mầm bệnh; nhất là tại các khu vực ven biển, giáp ranh giữa các tỉnh.
Trước tình trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang phối hợp, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh thành trong khu vực, gồm: Cần Thơ, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu chỉ đạo, xử lý dứt điểm, không để xảy ra tình trạng vứt xác lợn từ thượng nguồn sông, kênh, rạch, thông thương giữa các tỉnh hoặc khu vực ven biển, giáp ranh.
Cùng đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y giám sát, phối hợp kịp thời, đảm bảo yêu cầu, quy trình chuyên môn để xử lý, tiêu hủy xác lợn trôi trên sông, kênh, rạch. Đồng thời, tái kiểm tra hố chôn lợn trong thời gian qua, phối hợp chính quyền địa phương, ngành Tài nguyên và môi trường xử lý hố chôn hủy không đảm bảo, không để phát tán mầm bệnh và ô nhiễm môi trường.