Ngành công thương: Hàng trăm điều kiện kinh doanh cần loại bỏ

Minh Phương 07/09/2017 09:35

Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ngành công thương vẫn còn tới hơn 1.200 điều kiện, thủ tục kinh doanh và đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cộng đồng DN hoạt động trong ngành này gặp nhiều khó khăn, khó có thể lớn mạnh.


Nhiều DN kinh doanh gas gặp khó vì điều kiện kinh doanh.

Tại cuộc họp rà soát về các điều kiện, thủ tục kinh doanh vừa được Bộ Công thương tổ chức mới đây, một con số được VCCI đưa ra cho thấy, vẫn còn tới 1.200 thủ tục, điều kiện kinh doanh tồn tại ở ngành công thương. Theo đề xuất của VCCI, trong số này cần phải loại bỏ 200 điều kiện kinh doanh thuộc một số ngành như khí, gạo, rượu; tạm nhập tái xuất hàng đông lạnh; thực phẩm; logistics.

Còn theo rà soát công bố của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), số điều kiện thủ tục cũng tương đương nhưng lại chia theo nhóm ngành như tài chính, địa điểm, nguồn nhân lực, quy hoạch, quy mô, phương thức kinh doanh... Và con số mà CIEM đề xuất loại bỏ trong cả nhóm ngành cũng lên tới khoảng 600 điều kiện kinh doanh.

Thời gian qua, những thủ tục điều kiện kinh doanh không phải là công cụ hành chính để giúp DN “dễ thở” hơn mà ngược lại, hàng loạt điều kiện, thủ tục kinh doanh lại trở thành rào cản hoạt động của cộng đồng DN. Đơn cử ngành khí gas, nhiều DN cho biết, quy định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu phải có kho tổng dung tích các bồn chứa tối thiểu 3.000 m3 gas, có số lượng chai gas với với tổng dung tích chứa tối thiểu hơn 3,93 triệu lít… là quá lớn. Vì quy định này mà nhiều DN nhỏ và vừa không thể đáp ứng được, dẫn đến buộc phải ngưng hoạt động. Hay như Nghị định 109 về xuất khẩu gạo cũng có những quy định tương tự khiến DN rất khó xoay xở.

Nhận định về thực tế này, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thừa nhận, mặc dù đã có nhiều cố gắng nỗ lực sửa đổi, đơn giản hóa, cắt bỏ thủ tục, điều kiện kinh doanh được cho là “rào cản” của sự phát triển, nhưng theo rà soát của VCCI thì số điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ vẫn còn lớn. Do đó, cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc rà soát nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp hoạt động.

Theo ông Nguyễn Sinh Nhật Tân-Vụ trưởng Vụ Pháp chế - thành viên của Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công thương thì không phải đến khi có công bố của 2 cơ quan trên, Bộ Công thương mới thực hiện rà soát mà đã làm thường xuyên hàng năm. Đặc biệt, trong năm 2016 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nghị định quan trọng. Điều kiện thì nhiều nhưng trên thực tế, Bộ chỉ quản lý cấp phép theo giấy là 82 giấy phép. Thời gian tới, Tổ công tác sẽ xây dựng kế hoạch, tăng cường phối hợp để rà soát loại bỏ những điều kiện không cần thiết, hoặc đơn giản hóa các điều kiện ở tất cả 26 lĩnh vực ngành nghề thuộc quyền quản lý của Bộ.

Bộ trưởng Bộ Công thương cũng cho rằng, việc sửa đổi, đơn giản hóa, loại bỏ các điều kiện kinh doanh có thể kéo theo sửa đổi nhiều văn bản luật. Song, Bộ Công thương vẫn quyết tâm thực hiện trên quan điểm là xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện cho DN yên tâm hoạt động sản xuất, góp phần nâng sức cạnh tranh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngành công thương: Hàng trăm điều kiện kinh doanh cần loại bỏ