Quốc tế

Ngành du lịch Hàn Quốc lao đao trước bối cảnh mới

Hà Anh 14/12/2024 08:12

Ngành “công nghiệp không khói” của Hàn Quốc mang đến khoản lợi nhuận trị giá 59,1 tỷ USD trong năm 2023 nhưng hiện đang đối mặt với những khó khăn tiềm tàng.

Anh bai tren
Khung cảnh tuyệt đẹp của Cung điện Gyeongbokgung tại Thủ đô Seoul, Hàn Quốc, khi được phủ đầy tuyết trong mùa đông năm nay. Nguồn: CNN.

Biến động bất ngờ

Từ các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ đến các công ty lữ hành và chuỗi khách sạn, ngành dịch vụ lưu trú của Hàn Quốc đang cảnh giác với tác động tiềm tàng của một cuộc khủng hoảng chính trị, khi một số du khách nước ngoài đã hủy chuyến đi sau lệnh thiết quân luật ngắn ngủi vào tuần trước.

Ngành du lịch và lữ hành của Hàn Quốc tạo ra 84,7 nghìn tỷ won (59,1 tỷ USD) vào năm 2023, chiếm khoảng 3,8% GDP, đã trụ vững qua những thăng trầm trước đó, trong đó có cả cuộc luận tội Tổng thống vào năm 2016 và căng thẳng kéo dài với Triều Tiên.

Tuy nhiên, nhiều nguồn tin về dịch vụ lưu trú và hành chính chia sẻ với Reuters rằng, sự tham gia của quân đội vào cuộc khủng hoảng chính trị mới nhất là một diễn biến nghiêm trọng có thể ngăn cản hoạt động du lịch giải trí khi ngành này đang tiến gần đến sự phục hồi hoàn toàn về lượng du khách, đạt 97% so với mức trước đại dịch Covid-19 tính đến tháng 10/2024.

"Có những lo ngại rằng, các vấn đề về an toàn ở Seoul sẽ dội gáo nước lạnh vào ngành du lịch. Ngày càng có nhiều ví dụ về việc khách du lịch nước ngoài hủy chuyến tới Seoul và rút ngắn thời gian lưu trú" - Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon cho biết hôm 12/12 trong cuộc họp với các quan chức ngành du lịch để thảo luận về việc nhu cầu đi lại giảm. Tuy nhiên sau đó, ông Oh cũng tuyên bố với giới truyền thông bằng 4 thứ tiếng gồm tiếng Anh, tiếng Trung tiếng Nhật và tiếng Hàn rằng: "Seoul an toàn”.

Cuộc sống thường ngày và các hoạt động du lịch vẫn diễn ra như thường lệ, bất chấp các cuộc biểu tình lớn đang diễn ra, kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol hủy bỏ lệnh thiết quân luật kéo dài 6 giờ vào ngày 4/12 sau khi Quốc hội bỏ phiếu bãi bỏ lệnh này. Các nhà phân tích lưu ý rằng, các biện pháp kiểm tra và cân bằng thể chế của Hàn Quốc dường như vẫn được duy trì.

Các nguồn tin du lịch và khách sạn cho biết, một số khách du lịch đã hủy đặt phòng, mặc dù không nhiều, trong khi những người khác đang tìm hiểu liệu họ có thể rút lui hay không nếu tình hình thay đổi. Tập đoàn khách sạn Accor (bao gồm các thương hiệu Fairmont và Sofitel) cho biết, họ đã ghi nhận sự gia tăng nhẹ về tỷ lệ hủy phòng kể từ ngày 3/12, cao hơn khoảng 5% so với tháng 11.

Cuối tuần trước, Hiệp hội Khởi nghiệp du lịch Hàn Quốc cho biết, lượng đặt phòng trong nửa đầu năm 2025 đã giảm mạnh. Các phòng tại các khách sạn vốn thường xuyên kín chỗ ở thủ đô Seoul đã trở nên trống do động thái hủy phòng của du khách. Một số khách sạn thậm chí còn giảm giá và đưa ra các ưu đãi đặc biệt để thu hút thêm nhiều lượt đặt phòng, một công ty lữ hành nội địa cho biết.

Một phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ tại khu cao cấp Gangnam của Seoul cũng cho biết, một số bệnh nhân nước ngoài đã hủy lịch khám kể từ vụ việc thiết quân luật. "Chưa cần quá lo lắng về tình hình hiện tại, nhưng nếu điều này này tiếp diễn, nó sẽ ảnh hưởng đến du khách nước ngoài" - đại diện một phòng khám cho biết. Hàn Quốc vẫn được biết đến là điểm đến hàng đầu toàn cầu về du lịch phẫu thuật thẩm mỹ và y tế.

Thúc đẩy “sức mạnh mềm”

Ông Kim Wou-kyung - người đứng đầu một cơ quan quảng bá thương hiệu của chính phủ Hàn Quốc cho biết, cuộc khủng hoảng chính trị đe dọa giáng một đòn mạnh vào thương hiệu của đất nước, vốn đang được cải thiện nhờ văn hóa và thành công về kinh tế.

Sự bùng nổ toàn cầu của phim truyền hình, âm nhạc và dịch vụ làm đẹp của Hàn Quốc, được gọi là "Làn sóng Hàn Quốc", cùng với danh tiếng về sự an toàn và các thương hiệu toàn cầu như Samsung, là những hình thức quyền lực mềm quan trọng mà chính phủ tận dụng để tăng lượng khách du lịch.

Hàn Quốc hy vọng sẽ tăng gần gấp đôi số lượng khách du lịch hàng năm lên 30 triệu lượt người vào năm 2027, so với mức năm 2019. Một phần của chiến lược này cũng là tập trung vào du lịch công tác theo nhóm cho các sự kiện bao gồm hội nghị và triển lãm - một lĩnh vực được gọi là du lịch MICE. Tuy nhiên, theo bà Ha Hong-kook - Tổng Thư ký Hiệp hội MICE Hàn Quốc, nó có thể bị ảnh hưởng nếu cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài đến đầu năm sau.

Trong bối cảnh Quốc hội Hàn Quốc có kế hoạch bỏ phiếu về động thái luận tội Tổng thống Yoon vào ngày 14/12, một tuần sau khi cuộc bỏ phiếu luận tội đầu tiên bị bác bỏ, ông Andrew Gilholm - Giám đốc công ty tư vấn rủi ro Control Risks Group cho rằng: “Nếu Hàn Quốc vượt qua giai đoạn chưa từng có này, ngay lập tức để tiến tới cuộc bầu cử mới, thì tác động thực sự sẽ không quá tệ". Ông Gilholm đồng thời cho biết, danh tiếng của đất nước thậm chí có thể được cải thiện về lâu dài bằng cách cho thế giới thấy rằng, đất nước có thể vượt qua các vấn đề khó khăn.

Ông Kim Wou-kyung - người đứng đầu một cơ quan quảng bá thương hiệu của Chính phủ Hàn Quốc cho biết, cuộc khủng hoảng chính trị mới nhất đe dọa giáng một đòn mạnh vào thương hiệu của đất nước, vốn đang được cải thiện nhờ văn hóa và thành công về kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngành du lịch Hàn Quốc lao đao trước bối cảnh mới