Theo các chuyên gia, thời gian tới, lãnh đạo Bộ GDĐT cần có những nghiên cứu, rút kinh nghiệm cùng với những cơ chế chính sách thúc đẩy chuyển đổi số; đồng thời quản lý chặt chẽ hơn để khắc phục những hạn chế, bất cập đang tồn tại.
Hai năm qua, đại dịch Covid-19 mang lại những thay đổi không nhỏ với những khó khăn, thách thức mà ngành giáo dục và đào tạo (ngành GDĐT) phải đối mặt. Các chuyên gia cho rằng, toàn ngành cần có những quyết tâm, nhiều biện pháp đúng trong thời gian tới.
Quyết tâm phụ thuộc người đứng đầu
Nhìn lại năm 2021, GS. TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam ghi nhận những cố gắng thích ứng với tình hình mới của toàn ngành GDĐT.
Dù chất lượng dạy và học trực tuyến có thể không được như mong muốn nhưng thầy và trò nên tạm bằng lòng với kết quả đạt được và rút kinh nghiệm, chuẩn bị tâm thế tốt hơn cho năm tiếp theo.
GS. TS Phạm Tất Dong thẳng thắn nhìn nhận: “Năm qua, ngành GDĐT đối mặt và ứng phó với dịch bệnh còn bị động, lộn xộn; đồng thời bộc lộ một số tiêu cực”.
Dịch Covid-19 đã bùng phát 2 năm nay. Quan sát tình hình dịch bệnh trong thời gian qua, có thể thấy rằng, đại dịch có khả năng tồn tại với thời gian dài, chưa biết thời điểm chấm dứt. Việc dạy và thi cử trực tuyến không còn là giải pháp tạm thời như trước mà phải là giải pháp lâu dài.
GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, không chỉ ứng phó với dịch bệnh mà về lâu dài trong quá trình chuyển đổi số, đội ngũ giáo viên cần được bồi dưỡng phương thức dạy học mới kể cả học dạy trực tiếp hay trực tuyến. Trong tương lai, giáo viên phải nhuần nhuyễn cả 2 cách dạy học này. Ngoài ra, để việc học trực tuyến đạt hiệu quả hơn, học sinh cần được chuẩn bị đầy đủ phương tiên, cơ sở vật chất, đặc biệt là học sinh nghèo.
Theo GS.TS Dong, việc mà ngành GDĐT cần làm lúc này là đánh giá khả năng đáp ứng điều kiện dạy học trực tuyến ở các địa phương, phát triển học liệu số. Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyển thông đưa ra những chỉ đạo và biện pháp khắc phục những tồn tại về chất lượng đường truyền, hỗ trợ thầy và trò cả nước dạy và học trực tuyến.
“Đại dịch Covid-19 đang đặt ra những thách thức lớn. Đối với ngành giáo dục, thời gian tới toàn ngành cần toàn tâm toàn ý, tập trung chỉ đạo, chặt chẽ, quyết liệt hơn nữa. Những hàng động này phụ thuộc vào quyết tâm của người đầu. Tôi tin rằng, nếu lãnh đạo ngành quan tâm, trăn trở từng ngày, từng giờ thì mọi khó khăn sẽ vượt qua”, GS.TS Phạm Tất Dong nói.
Nghiêm túc loại bỏ tiêu cực
Năm 2021 là năm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và vô cùng nguy hiểm nhưng học sinh vẫn không ngừng việc học. Năm học 2020-2021 được hoàn tất. Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng được tổ chức thành công trong bối cảnh dịch bệnh. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đánh giá, đây là những điểm sáng của toàn ngành.
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cũng chỉ ra những tồn tại mà ngành GDĐT cần phải khắc phục trong năm tiếp theo.
Theo PGS.TS Nhĩ, nếu so trong khu vực Đông Nam Á, truyền hình của nước ta phát triển hơn nhiều nước nhưng hiện nay chúng ta vẫn chưa tận dụng tốt, đặc biệt trong việc dạy học. Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, học trực tuyến không còn là giải pháp tình thế. Phương thức học tập này cũng đang bộc lộ nhiều bất cập. Trong đó, việc trẻ cả ngày sát mắt vào điện thoai, ipad, máy tính sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, dẫn tới kết quả học tập không được như mong muốn.
Tính xa hơn, trong tương lai, người lao động bị các bệnh về mắt thì sẽ ảnh hưởng tới chất lượng lao động. Vì vậy, bên cạnh học qua internet, học qua truyền hình là phương thức cần được Bộ GDĐT đẩy mạnh trong năm tới.
Rõ ràng, dịch bệnh đã tạo điều kiện thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn ngành một cách nhanh chóng. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng: “Trong nguy có cơ, Bộ GDĐT cần phải có nghiên cứu, rút kinh nghiệm những mặt chưa được trong thời gian qua để có những điều chỉnh, biện pháp khắc phục, hoàn thiện chuyển đổ số trong quản trị nhà trường”.
Nhiều năm gắn bó với ngành GDĐT, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ bày tỏ trăn trở về những tiêu cực còn tồn tại của ngành. Đó là sai phạm nghiêm trọng của Trường Đại học Đông Đô, là nghi vấn lộ lọt đề thi môn Sinh học của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 mà đến thời điểm này vẫn chưa có kết luận cuối cùng của Bộ GDĐT.
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, những tiêu cực ở trên lớn hơn so với những mặt được của ngành trong năm qua. Đây là những hạt sạn như “con sâu bỏ rầu nồi canh” cần phải thẳng thắn loại bỏ. Dù một vài trường hợp cá biệt nhưng lại gây ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của ngành.
Bài học về vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018 với vụ việc gian lận thu cử ở 3 tỉnh vẫn còn đó. Năm 2021, kỳ thi tiếp tục có dấu hiệu không bình thường nhưng Bộ xử lý còn chậm chễ, chưa có kết luận cuối cùng trước dư luận trong khi kỳ thi năm 2022 đang tới gần.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, Bộ GDĐT cần nghiên túc điều tra. Nếu có khuất tất, Bộ cần phải nghiêm khắc kiểm điểm với chế tài đủ mạnh như: nếu cá nhân vi phạm có chức thì cắt chức, không có chức thì cho thôi việc, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì những sai phạm này đã được xã hội, báo chí, cơ quan quản lý nhà nước lên án nhiều nhưng vẫn để xảy ra sai sót là điều khó thể chấp nhận.
“Với những tiêu cực đang tồn tại, thời gian tới, Bộ GDĐT cần xử lý nghiêm để nêu gương, đồng thời rút kinh nghiệm, đưa ra nhiều biên pháp đúng đắn, chặt chẽ hơn trong công tác quản lý”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm.