Kinh tế

Ngành gỗ đối diện nhiều thách thức

Khanh Lê 17/07/2025 09:23

Nhìn vào bức tranh ngành gỗ, giới chuyên gia nhận định, sản phẩm gỗ có khả năng suy giảm kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm 2025 vì nhiều khó khăn. Do đó, đòi hỏi ngành này cần phải có chiến lược dài hơi hoàn thiện hệ sinh thái nội địa để phát triển bền vững.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NNMT), giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm 2025 đạt 8,21 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2024. Hoa Kỳ vẫn là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần 55,6%. Nhật Bản và Trung Quốc là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 12,6% và 10,4%. Như vậy, dù đối mặt với thách thức lớn về thuế quan tại thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ, gỗ và sản phẩm gỗ vẫn là một trong 5 nhóm hàng có thặng dư thương mại lớn nhất của ngành nông nghiệp với mức thặng dư đạt 6,69 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

Nhận định về thị trường xuất khẩu trong những tháng cuối năm, Bộ NNMT cho rằng, gỗ và sản phẩm gỗ là một trong các mặt hàng có khả năng suy giảm kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm 2025 vì nhiều khó khăn. Hơn nữa, đây là mặt hàng chịu áp lực lớn nhất từ thuế suất của thị trường Hoa Kỳ do thị phần lớn. Mục tiêu kế hoạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2025 ước đạt 18,5 tỷ USD tăng 7% so với cùng kỳ 2024. Đây là con số khá thách thức với ngành gỗ.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi động điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm gỗ dán Việt Nam, làm cho hơn 130 doanh nghiệp (DN) chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam rơi vào danh sách điều tra. Không riêng thị trường Mỹ có những quy định nghiêm ngặt về nhập khẩu sản phẩm gỗ, thị trường châu Âu cũng có diễn biến tương tự với nhiều quy định khác như Quy chế sản phẩm không phá rừng (EUDR), Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Chỉ thị về báo cáo phát triển bền vững của DN (CSRD). Với thị trường Nhật Bản có thêm những quy định về sử dụng nguyên liệu gỗ có nguồn gốc rõ ràng, thay đổi trong chính sách giá điện… cũng tác động đến ngành hàng viên nén gỗ.

Cục Lâm nghiệp (Bộ NNMT) nhận định, để đạt được mục tiêu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2025, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm sự phục hồi kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn, chính sách thương mại, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) trong ngành.

Ở góc độ DN, đại diện Công ty Gia Long cũng cho rằng, nhiều rào cản ngày càng siết chặt hàng hóa xuất khẩu, trong đó có sản phẩm gỗ. Tại Hoa Kỳ, vấn đề nóng nhất là thuế đối ứng, đe dọa trực tiếp đến lợi thế cạnh tranh của đồ gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Tiếp đó, các vụ kiện chống bán phá giá và nghi ngờ gian lận xuất xứ tiếp tục làm khó DN. Trong khi tại thị trường EU, Quy định chống phá rừng (EUDR) sẽ chính thức có hiệu lực từ cuối năm 2025 cũng đặt ra thách thức với gỗ xuất khẩu.

Giới chuyên gia cho rằng, đã đến lúc ngành chế biến gỗ và nội thất không chỉ dừng lại ở vai trò là “công xưởng gia công” của thế giới, mà cần vươn mình trở thành trung tâm sản xuất có bản sắc riêng thông qua thiết kế, thương hiệu và hệ sinh thái nội địa vững chắc. Để hệ sinh thái này vận hành hiệu quả, cần tầm nhìn dài hạn của toàn ngành và sự chủ động của DN trong việc đầu tư vào công nghệ, thiết kế, sáng tạo, minh bạch chuỗi cung ứng.

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu trong năm nay, Bộ NNMT cho biết, ngành gỗ cần tập trung vào các thị trường xuất khẩu, trong đó có thị trường chủ lực là Hoa Kỳ.

Thị trường Hoa Kỳ đang có sự mất cân đối về kim ngạch và thuế dẫn đến sức cạnh tranh kém, khách hàng tìm nguồn hàng từ thị trường khác. Vì vậy, thời gian tới cần tận dụng ưu thế đồ gỗ Việt Nam với sản phẩm đa dạng, chi phí cạnh tranh, năng lực sản xuất lớn để giữ vững kim ngạch xuất khẩu. Ngoài ra, cần nhân rộng cấp mã số vùng trồng rừng sau thời gian thí điểm nhằm giúp củng cố khả năng tuân thủ xuất xứ cho nguyên liệu gỗ, hạn chế nguy cơ bị điều tra gian lận, góp phần quản lý rừng bền vững và tạo thuận lợi cho DN đáp ứng các yêu cầu xuất xứ của Hoa Kỳ và các thị trường khác.

Các chuyên gia khuyến nghị, DN cần tìm lối ra bằng cách mở rộng thị trường, đặc biệt hướng đến các khu vực mới nổi và tiềm năng như Trung Đông, nhằm giảm sự phụ thuộc và tăng khả năng chống chịu trước rủi ro từ các thị trường lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngành gỗ đối diện nhiều thách thức