Ngành gỗ đang ghi nhận những tín hiệu vui khi lượng đơn hàng bắt đầu tăng trở lại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành cũng nỗ lực mở rộng biên độ kinh doanh, phát triển thị trường xuất khẩu.
Hồi phục đơn hàng
Ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ - Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho biết: “Đơn hàng bắt đầu trở lại từ cuối quý II/2023. Tuy đơn hàng chưa nhiều nhưng đây là tín hiệu vui cho ngành gỗ Việt Nam. Ngành nội thất Việt Nam hoàn toàn có khả năng hoàn thành mục tiêu xuất khẩu của năm 2023”. Khảo sát sơ bộ với các doanh nghiệp (DN) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, đơn hàng tại các DN trong ngành giảm trung bình 30%. Thế nhưng, trong tháng 7/2023, DN trong ngành bắt đầu đón nhận đơn hàng trở lại. Đây là tín hiệu vui cho ngành gỗ Việt Nam.
Bà Trần Như Trang – đại diện chương trình SIPPO Việt Nam thông tin, 5 thị trường xuất khẩu gỗ của Việt Nam, như: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... và nhiều nước khác đã dần phục hồi. Theo vị này, không chỉ có tín hiệu tích cực về tăng trưởng sản lượng, đã xuất hiện nhiều xu hướng và yêu cầu mới đã từ các thị trường. Xét về nội lực, theo chuyên gia kinh tế Phạm Phú Ngọc Trai, thực tế giảm đơn hàng hiện nay của ngành gỗ chỉ là tạm thời. Ngành nội thất Việt Nam có đủ dư địa để phát triển trong 5 đến 10 năm tới. “So với mức phát triển GDP trung bình của toàn cầu, ở mức 3%, tốc độ tăng trưởng kép của ngành nội thất thế giới là 4,5%, ngành chế biến gỗ Việt Nam phát triển trung bình 15,4%/năm là một con số chứng tỏ vị thế và tiềm năng rất lớn” - ông Trai nói.
“Điều cần nhất lúc này là DN phải kiện toàn nội lực để có thể sẵn sàng đón đơn hàng khi thị trường phục hồi” - ông Trần Sĩ Chương, chuyên gia kinh tế tư vấn. Là thành viên của Công ty Tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới ông Chương cho rằng, những sụt giảm của ngành nội thất nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung là hệ lụy của nhiều yếu tố tiêu cực nhưng cơ hội tăng trưởng vẫn có để chúng ta có thể đón đầu. Theo ông Chương, sự cộng hưởng của những biến động tiêu cực của thế giới đã khiến thế giới vận hành theo một cách thức hoàn toàn mới, luật chơi mới, nên người chơi phải thích ứng kịp thời.
Đồng quan điểm, ông Khanh khẳng định, bên cạnh tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng, DN ngành gỗ cũng đang khẳng định tính chủ động trong kinh doanh hội nhập. Thời điểm thị trường suy giảm các DN trong ngành đã nỗ lực thích ứng. “Một mặt, tổ chức lại bộ máy sản xuất, tinh gọn mô hình để tiết giảm chi phí. Mặt khác, tận dụng các hỗ trợ từ các cơ quan xúc tiến thương mại để tìm kiếm thị trường mới” - ông Khanh cho hay.
Mở rộng biên độ kinh doanh
Theo ông Khanh, trong những giải pháp ứng phó với tình hình khó khăn khi sức mua trên thị trường giảm mạnh, ngành gỗ chứng kiến một đợt dịch chuyển mới, có thể gọi là mở rộng biên độ kinh doanh. Bởi vì ngoài những thị trường truyền thống, còn rất nhiều thị trường khác có sức mua ổn định như: Úc, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, đặc biệt là khối Trung Đông. Ngoài nhu cầu của các nước sở tại, DN nội thất Việt Nam còn có được sự ủng hộ, đồng hành tích cực từ phía các cơ quan xúc tiến thương mại. Các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tạo điều kiện cho DN Việt Nam tiếp cận thị trường mới. Cụ thể là việc các thương hiệu nội thất lớn của Việt Nam đang mở rộng hiện diện ở các thị trường xuất khẩu tiềm năng. Đặc biệt là thị trường của các nước siêu giàu ở Trung Đông như Arab Saudi, Dubai để tiếp cận cơ hội cung ứng cho các siêu dự án bất động sản mới.
Thông tin từ thương vụ Việt Nam tại UAE cho thấy, nhu cầu tiêu dùng đồ nội thất tại các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) rất cao, hiện có mức nhập khẩu đồ nội thất tăng trưởng hơn 45%/năm, trong khi gần như các quốc gia này không sản xuất đồ nội thất. Doanh thu sản phẩm nội thất tại thị trường này lên tới 4 tỷ USD vào năm 2023, dự kiến sẽ tăng trưởng hàng năm 4,12% (giai đoạn 2023 - 2027). Trong đó, phân khúc lớn nhất của thị trường này là nội thất phòng khách, có trị giá lên đến 1,08 tỷ USD vào năm 2023. Việt Nam hiện đang xếp thứ 15 trong danh sách xuất khẩu nội thất sang đây. Cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam nếu xây dựng được chiến lược thâm nhập đúng đắn. Chưa hết, ngoài giá thành cạnh tranh, quan trọng nhất là hướng đi và chiến lược như thế nào.
Ông Chad Ovel - Tổng giám đốc Mekong Capital nhận định, Việt Nam đã xuất hiện những DN lớn như: AA Corporation, An Cường, Trường Thành... nên ngày càng trở nên ấn tượng trong mắt các nhà đầu tư. Do đó, ngành nội thất Việt Nam hoàn toàn có cơ hội đón nhận làn sóng đầu tư và làn sóng tăng trưởng hậu lạm phát.
Ông Lê Hoàng Tài – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho hay, Bộ đã và đang huy động các nguồn lực cả trong và ngoài nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh ngành gỗ, đẩy mạnh xuất khẩu thông qua các chương trình lớn như Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, Chương trình Thương hiệu quốc gia,... Theo ông Tài, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại dư địa lớn cho ngành gỗ song yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, yêu cầu xanh và bền vững vẫn là những thách thức đối với các DN.