Năm 2024 ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu lâm sản đạt 17,5 tỷ USD, vượt 21% so với kết quả ước đạt của năm 2023 và vượt 3% kết quả năm 2022. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành gỗ đối diện nhiều khó khăn, đạt được mục tiêu này không hề đơn giản.
Đối diện nhiều rào cản
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, kế hoạch năm 2023, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 16-17 tỷ USD nhưng đến cuối tháng 12, kim ngạch mới đạt gần 14 tỷ USD. Đây cũng là lần đầu tiên trong 20 năm qua, chỉ tiêu xuất khẩu của ngành lâm nghiệp đi xuống.
Về mục tiêu trong năm 2024, ông Triệu Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết, bước sang năm 2024, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu, kế hoạch phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định 42,02%; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 5 - 5,5%; trồng rừng tập trung 245.000ha; trồng cây phân tán 140 triệu cây; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 23 triệu mét khối; kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản 17,5 tỷ USD... “Nếu kết quả kim ngạch xuất khẩu đạt 17,5 tỷ USD thực hiện được, kim ngạch xuất khẩu lâm sản năm tới sẽ vượt 21% so với ước thực hiện năm 2023 và vượt 3% so với năm 2022” - ông Lực kỳ vọng.
Mặc dù có dấu hiệu hồi phục vào những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, song theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) năm 2024, ngành gỗ vẫn đối diện nhiều rào cản, thách thức. Về tổng thể, ngành gỗ có tăng trưởng nhưng chậm, khoảng 10-12% so với những quý cuối năm 2023.
Bên cạnh khó khăn về đầu ra thị trường, ngành đang đối mặt với một số vấn đề thời sự ảnh hưởng trực tiếp đến tính bền vững của ngành, đặc biệt là quy định chống phá rừng của EU, sản phẩm gỗ có phát thải carbon thấp, rủi ro về nguyên liệu gỗ nhập khẩu. Cùng với sự suy giảm của thị trường, những quy định mới nêu trên đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn đối với các doanh nghiệp (DN) gỗ. Vì vậy, giải pháp trọng tâm nhất trong năm 2024 đó là tạo ra hình ảnh ngành gỗ Việt Nam là phát triển bền vững, dựa trên yếu tố cơ bản đó là sử dụng gỗ có chứng chỉ và sản phẩm giảm phát thải.
Tận dụng dư địa để tăng trưởng
Thực tế cho thấy, các thị trường xuất khẩu lớn ngày càng có các quy định chặt chẽ hơn về tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm. Mỹ hiện là thị trường lớn nhất của ngành gỗ Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường này đang gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với ngành gỗ.
Đồng thời, Mỹ cũng vừa đưa ra yêu cầu về việc tuân thủ quy định về lao động và sử dụng lao động, từ đó gây áp lực đối với các DN xuất khẩu gỗ. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) - thị trường xuất khẩu gỗ lớn thứ 5 của Việt Nam đưa ra quy định về chống phá rừng (EUDR) có hiệu lực từ tháng 6/2023, trong đó quy định các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường EU phải đảm bảo tính hợp pháp và không gây mất rừng…Việc đáp ứng các yêu cầu của EUDR có thể sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này, đặc biệt là yêu cầu về xác định chính xác vị trí địa lý lô đất sản xuất…
Phân tích kỹ hơn những khó khăn trong năm 2024, ông Tô Xuân Phúc - Giám đốc điều hành Chương trình Chính sách, Thương mại và Tài chính lâm nghiệp (Tổ chức Forest Trends) cho biết, khoảng 77% tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU là các mặt hàng thuộc nhóm đồ gỗ, gần 23% còn lại là các mặt hàng thuộc nhóm gỗ và bán nguyên liệu.
Theo ông Phúc, EUDR đưa ra 2 yêu cầu cốt lõi để các sản phẩm gỗ được lưu thông tại thị trường này là không gây mất rừng và hợp pháp. Các DN tại EU đã và đang áp dụng nhiều tiêu chuẩn sản xuất và tiêu dùng bền vững tự nguyện đối với các sản phẩm gỗ. Đồng thời, Việt Nam và EU đã ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và EU về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (Hiệp định VPA/FLEGT); trong đó Việt Nam cam kết tất cả các mặt hàng gỗ xuất khẩu sang EU là hợp pháp. Chính vì vậy, quy định EUDR của EU sẽ tác động không nhỏ đến kim ngạch xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam sang thị trường này.
Dù vậy, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch Viforest cũng bày tỏ sự lạc quan khi cho rằng, công nghiệp gỗ vẫn là ngành có nhiều triển vọng phát triển. Tăng trưởng của thương mại gỗ toàn cầu được dự báo khoảng 7%/năm. Ước tính tổng giá trị thương mại gỗ toàn cầu hiện tại là 560 tỷ USD, đến năm 2030 sẽ đạt khoảng 960 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.
Để nắm bắt thời cơ, ông Hoài khuyến cáo, các DN cần phải cải tiến công nghệ, thay đổi mẫu mã cũng như chất lượng sản phẩm. Bởi hiện nay phần lớn các DN vẫn gia công theo đơn hàng của nhà phân phối nước ngoài, với phân khúc đồ gỗ nội, ngoại thất phổ thông. Ngoài các thị trường truyền thống, các DN cần tiếp tục tìm kiếm các thị trường mới để hạn chế rủi ro, trong đó cần chú trọng tới cả thị trường Trung Đông, thậm chí cả thị trường châu Phi… “DN cần tận dụng mọi cơ hội, chắt chiu từng đơn hàng để vượt qua thời điểm khó khăn sắp tới” – ông Hoài nhấn mạnh.