Kinh tế

Ngành ngân hàng: Đỏ mắt tìm nhân sự

T.Hằng 19/07/2025 08:35

Ngành ngân hàng đang cần đội ngũ nhân lực công nghệ hiểu biết sâu rộng để thích ứng với chuyển đổi số, tự động hóa và an ninh mạng trong thời đại số. Tuy nhiên, nguồn cung đáp ứng nhu cầu này vẫn còn hạn chế.

ảnh trên
Yêu cầu về năng lực của đội ngũ nhân sự ngành ngân hàng ngày càng cao. Ảnh: M.Hoa.

“Khát” nhân lực về an ninh công nghệ thông tin

Nếu như năm 2017, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản ngân hàng chiếm khoảng 31% dân số Việt Nam thì đến nay, tỷ lệ này đã tăng lên 87%, tương ứng với khoảng 200 triệu tài khoản tiền gửi. Số lượng giao dịch tài chính cũng lên đến 50-100 triệu giao dịch/ngày.

Những thay đổi dễ nhận thấy đối với hoạt động của ngành ngân hàng trong thời đại hiện nay là hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số; các dịch vụ ngân hàng cũng được thực hiện tự động, không còn phải bố trí nhân viên đọc chứng từ...

Từ thực tế này đòi hỏi ngành ngân hàng phải tái cấu trúc, xây dựng quy trình nghiệp vụ thông minh và quan trọng là phải có một đội ngũ am hiểu về nghiệp vụ, về công nghệ thông tin đi cùng với nhau để xây dựng nghiệp vụ đó.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho rằng người làm ngân hàng trong giai đoạn hiện nay không chỉ cần am hiểu nghiệp vụ truyền thống mà còn phải thành thạo kỹ năng công nghệ. 2 kỹ năng này cần song hành để có thể thiết kế và triển khai quy trình nghiệp vụ số. "Chưa bao giờ ngành Ngân hàng khát nhân lực công nghệ như hiện nay" - ông Dũng nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy hầu hết các phần việc của con người hiện nay đều đã thay đổi. Thay vì chăm sóc khách hàng trực tiếp như trước đây, bây giờ nghề chăm sóc khách hàng sẽ cần tư vấn về phần mềm, về hệ thống app lỗi như thế nào, sử dụng như thế nào. Đây là kỹ năng mới của nhân viên chăm sóc khách hàng. Các nhân viên giao dịch bình thường trước xử lý về các kỹ năng nghiệp vụ thì bây giờ phải xử lý sự cố về phần mềm, sự cố khi chuyển nhầm tiền, bị lừa đảo.

"Cứ 6 tháng đến 1 năm có một đời công nghệ mới ra đời. Các hệ thống tiếp theo của trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là hệ thống chủ động, nó như một sinh vật sống, sẽ tự động tư vấn cho chúng ta, tự động làm những công việc cần làm. Ngoài ra còn xu thế máy tính lượng tử, sẽ đặt ra vấn đề rất lớn về các loại mã hoá, đòi hỏi sự thay đổi toàn bộ. Do đó việc cập nhật trong đào tạo nhân lực công nghệ sẽ là việc làm liên tục" - ông Duy nói.

Ngân hàng thương mại mở rộng tuyển dụng

Đại diện Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) chia sẻ, nếu trước đây các vị trí tuyển dụng chú trọng vào kinh nghiệm ngành, thì hiện nay, bên cạnh chuyên môn, khả năng sử dụng công cụ số để tối ưu hóa công việc là yêu cầu bắt buộc. Thay vì cần đến 10 người, giờ đây, một người làm chủ công cụ cũng có thể đảm đương khối lượng công việc lớn hơn.

Không chỉ thay đổi trong mô hình tổ chức, VPBank cũng mở rộng tuyển dụng sang nhiều nguồn nhân lực khác, không giới hạn ở các trường tài chính - ngân hàng truyền thống. Các bạn trẻ am hiểu AI, mạng xã hội, kỹ năng số được trao cơ hội để làm mới bộ máy, bổ sung "luồng gió mới".

Ông Phạm Hà Duy, thành viên Ban Điều hành kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng số & Dữ liệu Ngân hàng TMCP An bình (ABBANK) chia sẻ, nhân sự liên quan chuyển đổi số có thay đổi rất mạnh mẽ. Trước đây công nghệ như một ngành (như ngân hàng số), nhưng giờ đã thay đổi, là kỹ năng công nghệ. Khi tuyển dụng chỉ muốn tuyển người có kinh nghiệm 5 năm 10 năm làm ngân hàng, nhưng giờ cần người phải có công nghệ để thay vì dùng 10 người thì chỉ cần 5 người.

Với ABBank năm vừa qua có những vị trí công việc rất mới như trải nghiệm khách hàng, liên quan đến tăng trưởng số, kinh doanh số, marketing số... Như vậy cần có những con người mới, năng lực mới, nhiều kỹ năng tổng hòa trong một con người.

Còn theo chia sẻ của ông Lưu Danh Đức - Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Công nghệ thông tin của ngân hàng TMCP Lộc Phát (LPBank), việc tuyển đã khó, giữ chân người giỏi còn khó hơn.

PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cũng thừa nhận thời điểm này, nguồn cung về nhân lực công nghệ thông tin chưa đủ cầu. Ngành ngân hàng thiếu hụt nguồn cung nhân lực có chuyên môn sâu về công nghệ thông tin. Hiện nay, các trường đào tạo chuyên công nghệ như Bách khoa, Bưu chính Viễn thông, Học viện Ngân hàng cũng đã thay đổi. Không chỉ đào tạo, cung cấp nhân lực với thế hệ sinh viên hiện tại, mà còn bồi dưỡng, đào tạo lại cho các cán bộ đang công tác tại ngành ngân hàng để góp phần vào chương trình chuyển đổi số ngành ngân hàng.

Tuy nhiên, để có nguồn cung nhân nhân lực công nghệ đáp ứng đủ cầu trong ngành ngân hàng, bà Hoàng Anh cho rằng cần ban hành khung năng lực số cho ngành ngân hàng, theo vị trí công tác. Tăng cường hợp tác theo “mô hình 3 nhà”: Ngân hàng nhà nước – Các cơ sở đào tạo – Các cơ sở tài chính, khoa học công nghệ. Xây dựng được bộ tiêu chuẩn về đào tạo số cho ngành ngân hàng làm sao gắn kết lý thuyết với thực tiễn, sinh viên được tham gia nhiều hơn vào thực tiễn, có thêm kinh nghiệm, được đào tạo chuyên sâu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngành ngân hàng: Đỏ mắt tìm nhân sự