Ngành nghề nào dẫn đầu lương, thưởng Tết?

Lan Hương 15/12/2016 08:20

Nhóm nghề quản lý - điều hành vẫn luôn đứng đầu bảng ở mức lương và thưởng trong năm 2016, với mức lương trung bình là 47,894 triệu đồng/tháng và mức thưởng trung bình 91,778 triệu đồng/năm. Thông tin này được Công ty Tư vấn Macconsult công bố tại buổi họp báo ngày 14/12, tại Hà Nội. Theo khảo sát ban đầu, năm nay các doanh nghiệp có kế hoạch tăng mức thưởng cao hơn so với năm ngoái.

Ngành nghề nào dẫn đầu lương, thưởng Tết?

Báo cáo khảo sát lương 2016 được công bố từ JobCloud cung cấp
thông tin chi tiết về mức lương, thưởng, phúc lợi của hơn 600 chức danh thuộc 23 nhóm nghề. Báo cáo được đưa ra dựa trên dữ liệu khảo sát của gần 300 doanh nghiệp và 106.925 người lao động thuộc 16 ngành trong phạm vi cả nước.

5 ngành nghề có mức thưởng cao nhất

Theo Báo cáo, ở cấp quản lý và giáp sát thì đứng đầu mức lương cao nhất năm 2016 được ghi nhận ở nhóm ngành nghề bất động sản và hàng không với mức lương trung bình trên 28 triệu đồng/tháng. Tiếp đến là nhóm nghề dược phẩm, tài chính và tiếp thị với mức lương chênh lệch không đáng kể, lần lượt là 23,2 triệu – 22,5 triệu và 22 triệu đồng/tháng.

Nếu xét mức lương ở cấp bậc nhân viên, kỹ thuật viên thì nghề tư vấn – hỗ trợ kinh doanh năm 2016 vẫn xếp top đầu tương tự năm 2015 với mức 7 triệu đồng/tháng, tiếp theo là nghề công nghệ thông tin và Nhân sự ở mức 6,5 triệu đồng.

Còn ở cấp bậc chuyên viên, kỹ sư thì nhóm nghề được ghi nhận có mức lương tháng trung bình cao nhất là Kiến trúc-Xây dựng (12 triệu đồng), tiếp theo là nghề Tư vấn – Hỗ trợ kinh doanh và Khách sạn – Nhà hàng (với mức lần lượt là 10,5 triệu và 10,2 triệu).

Nghề Công nghệ thông tin đứng thứ 4 thay vì thứ 3 so với năm 2015 (mức 9,25 triệu đồng) và đứng thứ 5 là nghề Truyền thông có mức lương trung bình là 8,5 triệu đồng. Năm 2016, nhóm nghề Khách sạn – Nhà hàng có mức tăng lương đáng kể và lọt top 5 nghề có mức lương trung bình cao nhất.

Báo cáo cũng cho thấy có 5 nghề có mức thưởng cao nhất trong năm 2016, trong đó dẫn đầu là nhóm nghề Bất động sản có mức thưởng là 65 triệu đồng đối với cấp bậc quản lý, giám sát; còn cấp bậc Chuyên viên/Kỹ sư là 16 triệu đồng và cấp bậc Nhân viên/Kỹ thuật viên là 7,350 triệu đồng.

Tiếp đó là nghề Dược phẩm với mức thưởng trung bình năm là 55 triệu đồng ở cấp bậc Quản lý/Giám sát và 12,750 triệu đồng ở cấp bậc Chuyên viên/Kỹ sư.

Còn nghề tài chính, tiếp thị và hàng không ở cấp bậc Quản lý/Giám sát ghi nhận mức thưởng từ 22,5 triệu đến 25 triệu đồng.

Đáng chú ý, ở cấp bậc này nhóm nghề Công nghệ thông tin không có tên trong top 5 nhóm nghề có mức thưởng trung bình cao nhưng ở cấp bậc Chuyên viên/Kỹ sư nhóm nghề này vẫn xếp thứ 4 trong bảng xếp hạng với mức thưởng trung bình 10 triệu đồng tương đương với khoảng 1 tháng lương.

Nhiều doanh nghiệp tăng mức thưởng

Theo đánh giá chung của Báo cáo thì tỷ lệ tăng lương trung bình năm 2016 là 10,8% tăng nhẹ so với năm 2015, trong đó ngành Dược phẩm – Y tế có mức tăng cao nhất là 18%.

Ngành Tài chính – Bảo hiểm – Chứng khoán xếp thứ 3 với tỷ lệ 12,8% thay vì đứng đầu bảng năm 2015 với tỷ lệ 15%. Dự kiến năm 2017, tỷ lệ tăng lương có xu hướng tăng nhẹ.

Điều này cho thấy việc điều chỉnh lương của các doanh nghiệp hàng năm đảm bảo phù hợp với sự điều chỉnh của pháp luật lao động về mức lương tối thiểu vùng.

Từ dự đoán về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm 2016, Báo cáo cũng cho rằng, dịp thưởng cuối năm 2016 -2017 các doanh nghiệp có kế hoạch tăng mức thưởng cao hơn so với năm ngoái.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp sản xuất khó tăng mức thưởng do năm 2016 đã điều chỉnh mức tăng lương cao hơn so với năm trước do sự thay đổi của chính sách lương tối thiểu của nhà nước.

Vì vậy, nhìn chung mặt bằng tiền thưởng năm nay không có sự khác biệt so với năm 2015, các doanh nghiệp cho biết mức thưởng thông thường sẽ là 1 tháng lương bình quân trong năm của người lao động.

Đưa ra con số về tỷ lệ nghỉ việc tính chung theo ngành, Báo cáo cho biết, tỷ lệ này là 12,96%, tăng nhẹ so với năm 2015 là 11,58%.

Trong đó, 3 ngành có tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cao nhất là Dược phẩm – Y tế (33,8%); Bán buôn – Bán lẻ (17,3%) và Xây dựng – Bất động sản (15,7%).

Tương tự năm 2015, năm 2016 tiếp tục ghi nhận ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản có tỷ lệ nghỉ việc thấp nhất (4,3%).

Với tuyển dụng, tương tự năm 2015, năm 2016 tiếp tục ghi nhận ngành có nhu cầu tuyển dụng nhân lực thêm cao nhất là Công nghệ thông tin với tỷ lệ 19%. Ngành Khách sạn – Nhà hàng cũng có nhu cầu tuyển dụng nhân lực cao với tỷ lệ 14,4%.

Theo ông Lê Anh Cường, Chủ tịch Công ty Tư vấn Macconsult, sự khác biệt về mô hình khảo sát của JobCloud là thực hiện trực tuyến, liên tục quanh năm và có sự tham gia của cả Doanh nghiệp và Người lao động.

Do vậy, so với năm 2015, dữ liệu khảo sát 2016 tại JobCloud đã tăng đáng kể, đặc biệt với sự tham gia đông đảo của người lao động vào chương trình khảo sát lương.

Năm 2016 tiếp tục ghi nhận tỷ lệ doanh nghiệp trong nước tham gia khảo sát chiếm chủ yếu (trên 85%).

Tuy nhiên, kết quả khảo sát nêu trên chỉ mang tính chất thời điểm, bởi vào bất kỳ thời điểm nào doanh nghiệp và người lao động đều có thể tham gia khảo sát thông qua website http://jobcloud.vn và tra cứu dữ liệu khảo sát mới nhất (fresh data) cho từng chức danh nghề nghiệp để điều chỉnh chính sách lương kịp thời, đảm bảo tính công bằng, cạnh tranh và thu hút nhân tài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngành nghề nào dẫn đầu lương, thưởng Tết?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO