Theo thống kê của Bộ Xây dựng, nhóm ngành vật liệu xây dựng đóng góp trung bình khoảng 7% GDP của Việt Nam mỗi năm. Tuy nhiên, tiếp nối sự ảm đạm trong suốt năm 2023, quý I/2024, doanh số bán ra các mặt hàng này tiếp tục giảm sâu so với cùng kỳ.
Bức tranh ảm đạm
Có thâm niên 10 năm bán mặt hàng gạch men ốp lát và là đại lý lớn của nhiều hãng gạch men ốp lát tại Bắc Ninh, nhưng thời điểm này, ông Nguyễn Văn Điệp (ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) đứng trước nguy cơ phải chuyển hướng kinh doanh. Nói về những khó khăn hiện hữu, ông Điệp cho biết, chưa khi nào ngành vật liệu xây dựng lại bị ảnh hưởng lớn như hiện nay. Năm ngoái đã được xem là giai đoạn trầm lắng, thì bước sang quý I/2024, tình hình còn ảm đạm hơn. Liên tiếp 4 tháng đầu năm, 2 cơ sở của ông Điệp ở Hà Nội không có đơn từ các công trình, mà chỉ lác đác đơn lẻ cho các hộ gia đình. Trong khi tiền thuê mặt bằng, nhân công tăng do chi phí sinh hoạt tăng. “Không trụ được, tôi buộc phải đóng cửa 2 cơ sở tại Hà Nội, hiện ở Vĩnh Phúc có 3 cơ sở nhưng để duy trì cũng phải xoay sở đủ kiểu” - ông Điệp giãi bày.
Thực tế cho thấy, ngành vật liệu xây dựng đang chứng kiến tình trạng chuyển hướng kinh doanh, đóng cửa của khá nhiều doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh. Dạo qua một số con phố lớn tại Hà Nội như Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh, Minh Khai… dễ dàng nhận thấy nhiều cửa hàng đã đóng cửa, sang nhượng mặt bằng do không trụ nổi.
Nằm trong mắt xích cuối của chuỗi giá trị bất động sản (BĐS) - xây dựng - vật liệu xây dựng, ngành vật liệu xây dựng có liên quan mật thiết đến các ngành tại mắt xích phía trên. Do vậy, khi ngành BĐS trở nên ảm đạm vào cuối năm 2022, thì thị trường vật liệu xây dựng lâm cảnh tương tự. Và trong suốt năm 2023, tình hình cũng không khả quan hơn trong bối cảnh thị trường BĐS vẫn đầy khó khăn.
Ngành xi măng là một trong số đó khi 2 năm qua, tiêu thụ xi măng ở trong nước đã tăng trưởng âm. Theo số liệu từ Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), cả nước có 61 nhà máy sản xuất xi măng, với tổng công suất khoảng 117 triệu tấn xi măng/năm. Vậy nhưng tiêu thụ xi măng năm 2023 chỉ đạt khoảng 87,8 triệu tấn. Trong đó, tiêu thụ xi măng nội địa đạt 56,6 triệu tấn, xuất khẩu 31,2 triệu tấn. 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu clinker, xi măng đạt 10,8 triệu tấn, tăng 4,6%, nhưng giá xuất khẩu thấp nên ngoại tệ thu về đạt 417 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ.
Số liệu từ Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho thấy, về ngành gốm, sứ xây dựng, hiện nay cả nước đã có 83 nhà máy sản xuất gạch ốp lát được đầu tư, với tổng công suất 826 triệu mét vuông/năm. Sứ vệ sinh có 26 DN với 65 dây chuyền, có thể cho “ra lò” 27 triệu sản phẩm/năm. Thế nhưng trong năm 2023, do tiêu thụ sản phẩm chậm, lượng tồn kho rất lớn, nhà máy sản xuất hầu hết đều phải dừng bớt dây chuyền, chủ động giảm sản lượng sản xuất để tránh tồn kho.
Gỡ dần những điểm nghẽn
Giới chuyên gia kinh tế nhận định, thị trường BĐS như “đầu tàu” kéo nhiều “toa” các lĩnh vực kinh tế, ngành nghề khác hoạt động, do đó khi BĐS khó thì cũng kéo theo các lĩnh vực khác khó. Và vật liệu xây dựng là ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất. Bởi vậy, trước hết cần khơi thông về mặt pháp lý và thủ tục trong xây dựng, tiếp tục đẩy nhanh triển khai đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội.
Thực tế để tháo gỡ khó khăn cho các DN nói riêng và phát triển nền kinh tế nói chung, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về tài chính, ngân hàng (trái phiếu DN, lãi suất điều hành, điều kiện cho vay…), các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển. Tuy nhiên, ngành BĐS vẫn còn khó khăn và phục hồi ở mức độ chậm, chưa thể trở thành cú hích cho thị trường vật liệu xây dựng lội ngược dòng trong ngắn hạn.
Nhìn lại quý I/2024, tình hình thị trường BĐS đã có sự phục hồi. Nhưng các chỉ số cho thấy mức độ phục hồi còn khá chậm, do đó bức tranh tiêu thụ vật liệu xây dựng chưa thể khởi sắc như kỳ vọng. Các chuyên gia dự báo, hết quý II, thị trường vật liệu xây dựng mới có triển vọng phục hồi. Nhưng ngay cả những nhận định lạc quan nhất cũng chưa chắc chắn cho điều này, bởi tâm lý chờ đợi từ các chính sách vĩ mô và độ trễ của chính sách sau khi có hiệu lực.
Theo Vietnam Report, bức tranh thị trường vật liệu xây dựng năm 2024 mới chỉ là những nét mờ chưa định hình. Ngoài các yếu tố tác động chung của thị trường, thì rất cần những “lực đẩy” từ các chính sách điều hành vĩ mô có tính ổn định và quyết liệt hơn. Tuy nhiên, nhu cầu vật liệu xây dựng từ đầu tư công chưa thể bù đắp được lượng dư cung vật liệu xây dựng. Vì vậy, DN cần mở rộng thị trường nội địa và tìm kiếm thêm nhiều thị trường xuất khẩu mới để tăng tiêu thụ sản phẩm và vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay.
Theo ông Phạm Văn Bắc - Phó Chủ tịch Hội vật liệu xây dựng Việt Nam, để tháo gỡ khó khăn, trước mắt trong sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng, những bộ, ngành liên quan và các địa phương cần tập trung giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, nhà ở; thúc đẩy hoạt động đầu tư xây dựng; có chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng cho các DN, trong đó có vật liệu xây dựng; kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, DN sản xuất vật liệu xây dựng cũng cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, tiết giảm chi phí sản xuất.