Anh Xuân đã chạm vào thề giới của con trẻ khám phá, nhận thức, hiểu biết… cuộc sống xung quanh bằng con mắt ngây thơ, trong sáng, trong những đêm anh mất ngủ.
Bìa 2 cuốn sách (ảnh do tác giả cung cấp).
Phạm Anh Xuân không phải nhà thơ chuyên nghiệp, anh từng là phóng viên báo Lao Động, nhà báo viết về mảng kinh tế, sau về làm truyền thông ở ngân hàng… Thật bất ngờ, tháng 5/2018 cùng một lúc Xuân trình làng 2 tập thơ “Ấm êm ngộ nghĩnh” và “Tuổi thơ trong trẻo” (NXB Văn học, Cty Cổ phần Văn hóa Đông A phát hành) in ấn, trình bày, minh họa đều đẹp.
Với Anh Xuân, dường như đứa bé đang trở lại. Anh ngắm nhìn con anh chơi và đưa nó vào thơ. Bởi anh nhìn thấy hình bóng của chính anh trong đó.
“Mặt trời đi náu/ Ú oà đám mây/ Bé đi tìm nắng/Trời toàn mưa bay (Trong bài thơ “Ú... òa).
Đứa bé hồn nhiên và không kém phần tinh nghịch, thấy mẹ chiều cõng lên lưng thì đòi bố công kênh. Người bố chiều con nhưng biết rằng phải dạy con từ thuở còn thơ nên đi một đoạn, bảo rằng: Giờ con phải tự đi. Và đáng yêu ơi, bé con đã biết cách để bố tiếp tục: “Bé thơm bố, nằn nì/ Công kênh thêm đoạn nữa/ Với cả nếu đi bộ/ Chân con lại mỏi thôi/ Thế nên là bố ơi/ Công kênh luôn thể nhé” (Đôi bàn chân mệt).
Lúc mẹ mắng vì trốn ngủ trưa lang thang trưa hè, bé biết lỗi nhưng làm sao đây để mẹ không đánh. “Mẹ bảo bé trốn ngủ/ Nên đáng bị ba roi/ Vâng - nhưng con nợ nhé/ Lần sau sẽ trả thôi” (Nợ ba roi);
Với trẻ con, không có giới hạn nào cho giấc mơ.
“Bé bảo với mẹ: Con ước/ Vút lên bầu trời mênh mông/ Nếu mà được là cơn gió/ Con sẽ lên tít trời cao/ Hái mang về cho các bạn/ Một túi đầy những vì sao/ Con cũng ước mình là nắng/ Tung tăng chơi giữa bao la/ Hay là làm mây mẹ nhỉ/ Con sẽ bay đi rất xa” (Bé là bé thôi).
Cách nhìn cuộc sống của bé quá trong veo và tinh khôi theo cách riêng của bé. Sự ví von “Bà ngoan như bé” khi bà “nghe lời” bé uống sữa để khỏi ốm, hay khi bé ví mình như chim non để ngủ nướng…
Đó còn là hình ảnh đời thường như đang diễn ra hằng ngày, nhưng đủ gợi cho trẻ những bài học nho nhỏ về “cách làm người”, cách ứng xử với môi trường thiên nhiên, cách nhận biết xung quanh để học các tri thức nhân loại.
Bài học về bảo vệ thiên nhiên nhẹ nhàng mà nhiều tình cảm như “Chờ bóng chim về”, “Bé và đàn chim nhỏ”, “Bé và vườn hoa”, “Ông cháu và rừng cây”: “Hay bây giờ rảnh rỗi/ Ông cháu mình cùng nhau/ Trồng thêm nhiều cây nhé / Giữ rừng cho mai sau”.
Hay bài học rất thực tế, không cần phải câu chữ mang tính “nghiêm minh” về ý thức giao thông công cộng như trong “Đi đường cần tập trung”: “Đi đường cần quan sát/ Sang đường phải tập trung/ Bé tuân thủ luật lệ/ Để giao thông an toàn”; Về sự chăm chỉ học hành như “Giả vờ ốm”, “Một hôm bé lười”, “Bé làm cô giáo”…
Và lớn hơn, là bài học về tình yêu nhân loại được “gói” trong bài thơ đầy màu sắc trong hộp bút chì màu khi “Bé vẽ hòa bình”: … “Nhưng em thích vẽ nhất/ Là làng xóm, gia đình/ Bao mái nhà êm ấm/ Cả thế giới hoà bình”.
Ngôn ngữ của Anh Xuân rất mộc và giản dị. Tưởng như nó như lời thoại hằng ngày trong cuộc sống đi vào thơ. Không, đó là sự chắt lọc ngôn từ đời sống để “thơ” hóa. “Mong mẹ về chợ” hay “Ngóng mẹ chiều mưa” và vô số hình ảnh khác làm ta cảm động, vì ai cũng có một tuổi thơ, ai cũng có những buổi chiều như thế.
Những câu thơ của Xuân khiến ta mua vé lên chiếc tàu ngược về tuổi thơ - thời gian thường là đẹp nhất của cuộc đời con người. Và hình ảnh mẹ luôn hiện lên song hành với bé với tấm lòng yêu thương mênh mang như biển rộng.
Tuổi thơ nhìn thế giới hồn nhiên, và mơ mộng. Hoàn toàn không như người lớn luôn bị vòng kim cô vô hình trói buộc, bắt phải nghĩ theo một cách thức nhất định nào đó mà nhiều khi chính kinh nghiệm và sự từng trải đã giết chết cái bên trong âm thầm chả khác con cóc bị bỏ vào nước lạnh đun dần lên đến khi thấy nóng muốn nhảy ra thì không kịp.
“Bé líu lo với mẹ/ Ong bướm từ rừng ra/ Núi trồng mặt trời mọc/ Nắng tô màu cho hoa/ Còn muôn loài, vạn vật / Bắt nguồn từ đất trời/ Chỉ riêng con là được/ Mẹ sinh ra mà thôi” (Bé đố).
Mỗi bài thơ của Xuân như một câu chuyện nhỏ về bé, về hành trình lớn lên của bé từng ngày. Và hạnh phúc của mỗi ông bố bà mẹ còn gì hơn là được chứng kiến thành quả lớn nhất của mình đang lớn lên đang sinh sôi với một tương lai rộng mở trước mắt.
“Cuộc sống càng lúc càng tẻ nhạt khi ta không còn là trẻ con nữa” (Fred Allen).