Họa sĩ Phan Hải Bằng là người nghiên cứu và sáng tạo nên nghệ thuật Trúc chỉ với ba khả năng: giấy - nền; giấy- tác phẩm tự thân; giấy - đối thoại. Thời gian gần đây, anh bị cuốn hút trở lại với khả năng thứ ba của Trúc chỉ: giấy - đối thoại. Các bản “phôi” Trúc chỉ được chuẩn bị với các biểu hiện “Ngẫu liên” ẩn chìm trên đó, chờ đón sự đối thoại với các bản khắc gỗ sẽ được in lên những nơi đã được dành sẵn tạo nên một sự phối ngẫu duy nhất thành một tác phẩm duy nhất. Đây là sự hòa quyện của Ngẫu liên, Trúc chỉ, Đồ họa được thực hiện một cách nhuần nhị. Khi mà hình thức, chất liệu, kỹ thuật, ý niệm… đã trở nên một thể thống nhất, tự nhiên…
“Ngẫu liên”, hành trình nghệ thuật của họa sĩ Phan Hải Bằng, bắt đầu từ hình tượng hoa sen. Với anh, hoa sen có cả sắc lẫn hương. Sự vươn lên khỏi bùn nhơ để nở hoa đã làm cho loài hoa này mang một ý nghĩa đặc biệt, như một biểu tượng của sự vô nhiễm, thanh khiết và viên mãn.
Đồng thời, nó cũng tượng trưng cho sự thăng hoa trí tuệ: “Với tôi, thông qua những nghiên cứu, tìm hiểu, ngoài những ngữ nghĩa biểu tượng trên, hoa sen còn mang nhiều ngữ nghĩa khác, gần gũi với đời sống và đôi khi đối nghịch: tự sinh tự diệt, sự sinh sôi, khởi thủy của sự sống, minh triết…”.
Trong các tác phẩm của họa sĩ Phan Hải Bằng, các hình ảnh, chi tiết của sen: hoa, lá, đài, ngó, hạt… đều được khai thác, phân tích và tổ hợp lại dưới hình thức và trật tự khác nhau. Đặc biệt, anh chú trọng đến hình ảnh đài sen chứa những hạt sen, như là biểu tượng của sự sinh sôi với tính chất tạo hình đặc biệt của nó.
Năm 2001, một biến cố về sức khỏe đã làm họa sĩ Phan Hải Bằng có nhiều thay đổi, đặc biệt là quan niệm về sen: “Trước khi mê đi trên bàn mổ, thứ cuối cùng mà tôi nhìn thấy là chiếc đèn mổ, với hình thức khá tương đồng với cấu trúc của đài sen khô, như biểu tượng về cái chết. Khi tỉnh dậy sau đó, điều đầu tiên tôi cảm nhận được là khuôn ngực của một nữ y tá đang chăm sóc vết thương, điều này có ý nghĩa như là sự sống - hồi sinh.
Sự sống - chết tồn tại trong hình ảnh sen và các chi tiết, cấu trúc của nó, bầu ngực - biểu tượng nữ tính, Mẹ. Từ đó hình thành nên hình thức tạo hình đài sen - bầu ngực. “Ngẫu liên”, như một thực thể độc lập có đời sống, vận động riêng… được tôi sử dụng xuyên suốt trong các sáng tác của mình với nhiều chất liệu kỹ thuật khác nhau: Đồ họa, Hội họa, Media, Trúc chỉ…”.
Với ánh sáng mới, góc nhìn mới, đời sống mới, các hình thể “Ngẫu liên” của họa sĩ Phan Hải Bằng mang biểu tượng sống - chết như hai mặt đối lập, âm dương, tự tại tự tính: “như những thực thể hòa quyện với thiên nhiên, cuộc sống, vận động, quẫy đạp, tự tìm kiếm cho mình một hiện tồn khả kiến, nhằm kể lại câu chuyện viễn du bất tận của mình về sự sống, cái chết, yêu thương, thù hận, khổ đau, hạnh phúc… như chính chúng là những bản thể người.
Có thể hiểu rằng, dưới một ánh sáng khác, bản thể sen đã có một hình thức khác, chính chúng sẽ có đời sống mới của riêng mình, chúng sẽ tìm cách tồn tại và kể lại câu chuyện của chúng một cách ngẫu hứng từ chính tự tính của chúng về cuộc đời, về khổ đau hay hạnh đạt…”.
Họa sĩ Phan Hải Bằng chia sẻ, công việc của họa sĩ là tham dự vào cuộc ngẫu sinh của các thực thể “Ngẫu liên” này như một kẻ đồng hành nhằm lắng nghe, thấu hiểu và tìm kiếm cho chúng một hình thức minh định, đồng thời tìm cho chính mình một cách sống tích cực, tự tại, hướng thiện, cũng như sự xác tín vào một đời sống tốt đẹp hơn, nhân ái, minh triết hơn, như chính chúng ta là một phần tất yếu của tự nhiên.
Chủ đề “Ngẫu liên” đã xuyên suốt và phát triển trong một thời gian khá dài trong các sáng tác của họa sĩ Phan Hải Bằng. Từ chất liệu sơn mài tổng hợp với bộ “Ngẫu liên”: Sen sinh, Sen mưa, Sen múa, Sen sinh sôi… từ đầu những năm 2000; đến loạt “Ngẫu liên” trên giấy dó, sơn dầu, đồ họa như: lithography, etching, khắc gỗ… cho đến các tác phẩm video, installation…
“Khả năng: Giấy - Đối thoại là một khả năng đặc biệt của Trúc chỉ”. Họa sĩ Phan Hải Bằng chia sẻ: “Các tín hiệu tạo hình của tác phẩm - theo phác thảo - được tạo tác trên Trúc chỉ trước, sẵn sàng đối ứng, đối thoại với các tín hiệu in, viết, vẽ… tiếp lên trên đó, tạo nên sự độc đáo, độc nhất đồng thời tăng tính biểu cảm của tác phẩm. Tấm Trúc chỉ không còn là một “nền” đơn thuần, mà đã mang sẵn thông điệp trên đó, để chỉ dành riêng và chỉ riêng cho phần in, vẽ, viết… duy nhất được đặt lên đó mà thôi.
Điều khác biệt và cuốn hút của Trúc chỉ chính là bản chất về nghệ thuật xơ sợi của nó, cùng với concept cốt lõi: mang lại cho “giấy” thêm khả năng: thoát khỏi thân phận làm nền để trở nên một tác phẩm tự thân, độc lập. Từ đây dẫn đến các biểu hiện của nhiều loại xơ sợi: rơm, tre, mía, chuối, lá, cỏ… được khai thác.
Quan trọng hơn cả chính là thuật ngữ kỹ thuật: Đồ họa Trúc chỉ/ trucchigraphy, trong đó việc áp dụng nguyên lý chế bản của nghệ thuật Đồ họa trên tấm giấy ướt vừa seo xong đã mang lại hệ thống dày mỏng, ứng với độ đậm nhạt khi tương tác với các điều kiện ánh sáng thuận nghịch… đây chính là sáng tạo riêng của Trúc chỉ đồng thời làm nên sự khác biệt cũng như sự hấp dẫn cho cả người thưởng ngoạn cũng như người sáng tạo”.
Với đợt sáng tạo mới này, họa sĩ Phan Hải Bằng mong muốn được ra mắt các tác phẩm trong thời gian sớm nhất.