Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2021 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự và chủ trì.
Trước thềm phiên thảo luận cấp cao vào sáng mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã trả lời báo chí về một số nội dung liên quan đến sự kiện quan trọng này.
Ông Trần Tuấn Anh cho biết: Đây là lần thứ ba, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2021. Diễn đàn cấp cao lần thứ ba được tổ chức thời điểm này, ngay sau Đại hội XIII diễn ra thành công tốt đẹp, nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội XIII, cụ thể là các mục tiêu liên quan đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đồng thời, Diễn đàn lần này có hai nội dung nền tảng quan trọng mà chúng ta sẽ tập trung vào.
Thứ nhất, trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp và sắp tới là hậu Covid-19 thì chúng ta phải hành động như thế nào để tiếp tục vượt qua và khắc phục những thiệt hại, khó khăn cũng như những bất cập, tồn tại. Từ đó, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Nghị quyết của Đảng đã đề ra cho giai đoạn tới đây.
Thứ hai, kế thừa những đường lối, quan điểm về công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong các kỳ đại hội trước, tiếp tục nghiên cứu để xây dựng được một Nghị quyết mới của Trung ương về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Vì vậy chúng tôi cho rằng, cả mục tiêu ngắn hạn lẫn mục tiêu dài hạn của Diễn đàn lần này đều có ý nghĩa rất quan trọng.
Được biết, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra những chủ trương, đường lối về công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH), ông có thể cho biết những điểm mới về chủ trương, đường lối này.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh: Chủ trương, đường lối về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được Đảng ta xác định xuyên suốt qua các kỳ Đại hội Đảng. Văn kiện Đại hội XIII kế thừa những nội dung qua các kỳ đại hội nhưng nhấn mạnh, làm rõ hơn những nội dung cốt lõi cần thực hiện cho giai đoạn tới phù hợp với điều kiện, bối cảnh trong nước và quốc tế.
Điểm mới thứ nhất là Văn kiện Đại hội XIII xác định công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để có sự bứt phá, vươn lên trong một số ngành, lĩnh vực. Đồng thời, xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, trong đó chú trọng cả ngành công nghiệp nền tảng và những ngành mới, công nghệ cao.
Điểm mới thứ hai là Văn kiện đã xác định rõ hơn về định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn và dịch vụ trong quá trình CNH, HĐH. Trong đó, đã làm rõ mối quan hệ giữa phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa bằng các biện pháp cụ thể như về cơ chế, chính sách phát triển, ưu tiên khoa học và công nghệ…Xác định định hướng phát triển mạnh khu vực dịch vụ dựa trên nền tảng ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, nhất là các nhành có giá trị gia tăng cao như du lịch, viễn thông, logistic, ngân hàng – tài chính…
Điểm mới thứ ba là về phát triển hạ tầng và liên kết vùng trong CNH, HĐH. Cụ thể, Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh hơn về hạ tầng kết nối liên vùng, nhất là đường bộ cao tốc với mục tiêu đến năm 2030 có 5000 km; tiếp đến là hạ tầng năng lượng và hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông, phát triển hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Đại hội XIII nhấn mạnh đến nâng cao chất lượng quy hoạch vùng để vừa bảo đảm không gian phát triển chung của đất nước, vừa phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế so sánh của mỗi vùng trong mối liên kết, phối hợp chung giữa các vùng. Bên cạnh đó, Đại hội XIII cũng nhấn mạnh về yêu cầu đổi mới, hoàn thiện thể chế quản lý vùng có hiệu quả.
Điểm mới thứ tư là nhấn mạnh, làm rõ hơn về phát triển kinh tế biển trong quá trình CNH, HĐH, trong đó có phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển và đô thị ven biển.
Điểm mới thứ năm là làm rõ hơn các định hướng về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững, phát triển kinh tế đô thị trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đại hội XIII đã nêu rõ, quá trình này cần phải nhìn nhận một cách tổng thể, hệ thống, đặc biệt chú ý đến tính tổng thể về quy hoạch, áp dụng công nghệ hiện đại để xây dựng đô thị văn minh, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, dịch bệnh.
Trở lại việc tổ chức Diễn đàn cấp cao lần thứ ba về Công nghiệp 4.0, Ban Kinh tế Trung ương kỳ vọng thu hút được những ý kiến, khuyến nghị gì cho việc thực hiện các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Văn kiện Đại hội XIII đã đề ra?
- Cùng với việc các cơ quan tham mưu của Đảng, Nhà nước đang tiếp tục nghiên cứu để xây dựng Nghị quyết mới của Trung ương về CNH, HĐH, việc tổ chức Diễn đàn 4.0 lần này cũng để hướng tới việc định vị và làm rõ những yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ cũng như tư duy, quan điểm, định hướng cho phát triển CNH, HĐH hướng tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời bên cạnh đó, cũng làm rõ được những yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và trong ngắn hạn mà chúng ta cần phải vượt qua trong bối cảnh đất nước ta đang đối mặt với những thách thức, khó khăn trong nước và quốc tế về thiên tai dịch bệnh, biến đổi khí hậu, cũng như cạnh tranh địa chính trị, và hàng loạt các vấn đề liên quan đến công nghệ phát triển, xu thế phát triển kinh tế, kể cả trong đó có chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch mới…
Vì vậy, Diễn đàn công nghiệp 4.0 lần này cũng là để lắng nghe, trao đổi, thảo luận và phản biện, tạo sự tương tác tốt giữa các cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng, các cơ quan quản lý của nhà nước, các tổ chức, cá nhân và các nhà nghiên cứu, các viện, trường và khu vực doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các cơ quan tham mưu chiến lược như Ban Kinh tế Trung ương, chính phủ, các cơ quan Quốc hội sẽ tiếp tục tham gia sâu sắc, toàn diện hơn trong việc hoàn thiện chiến lược về công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như kế hoạch hành động để thực hiện những chiến lược này.