Chính trị

Ngày chất vấn và trả lời chất vấn thứ 2: Trách nhiệm trong sai phạm ở SCB

H.Mai-H.Vũ 06/06/2024 09:01

Ngày 5/6, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn; Bộ trưởng Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

anh-1-2.jpg
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn.

Trách nhiệm trong vụ SCB như thế nào?

Chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Ngô Văn Tuấn, ĐB Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH Thanh Hóa) cho rằng, vụ án ở Ngân hàng SCB có nhiều công ty đã thực hiện kiểm toán nhưng không phát hiện dấu hiệu bất thường. Từ đó, nhiều cử tri đặt câu hỏi về trách nhiệm của kiểm toán và đặc biệt là trách nhiệm của KTNN ở các vụ việc như SCB.

Trả lời, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết, vụ án xảy ra ở Ngân hàng SCB không liên quan đến KTNN và không thuộc phạm vi KTNN. SCB bị truy tố, xét xử với 3 tội danh: thao túng thị trường chứng khoán, chiếm đoạt tài sản, nhận đưa hối lộ.

Theo ông Tuấn, Ngân hàng SCB là công ty đại chúng nên thuộc đối tượng bắt buộc phải kiểm toán độc lập. “Trách nhiệm ở vụ việc xảy ra tại SCB thuộc về các doanh nghiệp (DN) đã cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập”- ông Tuấn nêu rõ.

Về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời thêm rằng, có 2 hệ thống kiểm toán. Thứ nhất, KTNN là cơ quan kiểm toán do Quốc hội thành lập và thực hiện theo pháp luật. KTNN với nguyên tắc và phạm vi thực hiện sẽ tiến hành hoạt động kiểm toán đối với những đơn vị có tài sản, có tiền của Nhà nước. KTNN có quy trình chặt chẽ, chất lượng tốt. Việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán đang được thực hiện rất nổi trội. Đây là một trong những cơ quan hàng đầu trong thực hiện kiểm toán và thanh tra về đầu tư.

Còn hệ thống kiểm toán độc lập hoạt động theo Luật Kiểm toán độc lập, tức là họ cung cấp dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính, dự án đầu tư cho các đơn vị, DN khi có nhu cầu qua hợp đồng. Số này gồm các DN kiểm toán độc lập trong nước, kiểm toán viên độc lập, hay DN kiểm toán nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam.

Về ý kiến liên quan đến ngân hàng SCB, ông Phớc cho biết, dù KTNN không kiểm toán SCB nhưng cũng có những lưu ý, kiến nghị. Với kiểm toán độc lập, giai đoạn 2012-2016, SCB thuê E&Y thực hiện; giai đoạn 2017-2019 SCB thuê Deloitte thực hiện; giai đoạn 2020-2022 thuê KPMG thực hiện.

Quá trình thực hiện kiểm toán này có những vấn đề thiếu sót, sai phạm và đã được cơ quan điều tra, xử lý vụ án. Bộ Tài chính quản lý chất lượng kiểm toán độc lập thông qua ban hành chính sách, kiểm tra, cấp phép, thanh tra một cách chặt chẽ. Thời gian tới sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập để phục vụ dịch vụ kiểm toán của các cơ quan đơn vị, DN.

anh-2.jpg
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: Quang Vinh.

Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Theo ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn ĐBQH Quảng Bình), nhiều vụ án tham nhũng cho thấy, có sự cấu kết giữa DN khu vực ngoài Nhà nước với một số cán bộ, công chức trong các dự án đầu tư công để trục lợi tài sản của Nhà nước. Tuy các DN khu vực ngoài Nhà nước không thuộc các đối tượng kiểm toán của KTNN nhưng những vụ việc này đều liên quan tới sử dụng tài chính công, tài sản công và dự án đầu tư công. “Đề nghị Tổng KTNN cho biết sẽ có kiến nghị như nào để KTNN có thể tham gia phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc tương tự xảy ra thời gian tới?” - ông Cường chất vấn.

Theo ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn ĐBQH Hà Nội), với vị trí là người đứng đầu một trong những cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng đề nghị Tổng KTNN cho biết cần phải làm gì để một mặt xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng, mặt khác vẫn nuôi dưỡng được niềm tin, bảo vệ được những người dám nghĩ, dám làm, mong muốn được cống hiến cho đất nước?

Trả lời, ông Ngô Văn Tuấn cho rằng, hai Tập đoàn Phúc Sơn và Thuận An không có vốn nhà nước nên không thuộc đối tượng được kiểm toán. Song, họ có đơn vị liên quan đến hoạt động kiểm toán. Riêng Tập đoàn Phúc Sơn, bị khởi tố liên quan đến việc chấp hành pháp luật về kế toán, gây hậu quả nghiêm trọng thì hoàn toàn không liên quan đến hoạt động của kiểm toán còn Tập đoàn Thuận An vi phạm về đấu thầu.

Trước vấn đề mà ĐB Mai đặt ra, ông Tuấn cho hay, để đẩy mạnh tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì phải làm tốt 3 việc. Đó là xây dựng thiết chế phòng ngừa hiệu quả, chặt chẽ để không thể tham nhũng. Xây dựng thiết chế về phát hiện xử lý nghiêm minh để không dám tham nhũng. Xây dựng chế độ đãi ngộ hợp lý để không muốn, không cần tham nhũng. Như vậy công tác phòng, chống tham nhũng mới hiệu quả.

“Do đó giải pháp trong thời gian tới cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm, nâng cao trình độ năng lực. Hoàn thiện thể chế để quy định rõ quyền và nghĩa vụ của từng công chức. Trong đó quy định rõ công chức ngồi vào vị trí A thì phải làm gì, không được làm gì, rõ quyền trách nhiệm gắn với quyền lợi. Đi đôi với đó là công tác kiểm tra giám sát làm sao cho lượng hoá công tác đánh giá cán bộ, tạo thuận lợi cho việc sử dụng cán bộ” - ông Tuấn nói.

Vận động viên lo làm gì khi giã từ thi đấu

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng, ĐB Trần Quang Minh (Đoàn ĐBQH Quảng Bình) phản ánh, đa số các vận động viên đều chung nỗi lo sẽ làm gì khi giã từ sự nghiệp thi đấu, bởi thời gian thi đấu đỉnh cao thường ngắn. Khi giải nghệ chỉ có số ít vận động viên được chuyển sang làm công tác huấn luyện, hoặc kinh doanh nhưng đây chỉ là số ít. Vì nỗi lo tương lai hậu thi đấu nhiều vận động viên từ bỏ đam mê thể thao. “Xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp lâu dài để đảm bảo tương lai cho vận động viên sau khi giải nghệ. Đặc biệt là vận động viên gặp chấn thương?” - ông Minh nêu vấn đề.

Trả lời, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, để giải quyết được việc làm mang tính chất căn cơ cho vận động viên thể thao sau khi thi đấu đỉnh cao cũng còn nhiều khó khăn. Các khó khăn nổi lên do trình độ đào tạo và nghề nghiệp của họ chưa được chuyển đổi sau khi hết thời gian, nghề nghiệp có thể chưa thích hợp với các vận động viên và từng loại hình mà họ đã được rèn luyện, đào tạo và thi đấu.

Do đó về lâu dài không phải tất cả các vận động viên đều được trở về các cơ quan để làm công tác huấn luyện trong các đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước quản lý. Tiếp tục đổi mới hơn cách tiếp cận để có thể giải quyết việc làm bằng nhiều cách khác nhau. “Chúng tôi đang đề nghị với Chính phủ, sẽ phối hợp với các bộ, ngành để tập trung đánh giá tổng thể chính sách tác động vừa qua. Sau đó, đề xuất Chính phủ ban hành chính sách mới, sửa đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho vận động viên để có thể tập trung yên tâm thi đấu và sau đó phát triển ngành nghề đúng nguyện vọng sở trường của mình. Đó là cách về mặt lâu dài trong đó có chính sách tiền lương, phụ cấp đặc thù, nhất là những chính sách mới trong kết luận 70 đã đề cập đó là nhà ở và đào tạo nghề sau quá trình thi đấu” - ông Hùng nói.

Theo ĐB Nguyễn Minh Tâm (Đoàn ĐBQH Quảng Bình), thời gian qua dư luận xã hội xôn xao trước hàng loạt các vụ vận động viên thành tích cao tố cáo huấn luyện viên bớt xén tiền thưởng, khẩu phần ăn. Vụ việc trên đã làm xấu đi hình ảnh của thể thao Việt Nam trong mắt công chúng. Bên cạnh câu chuyện đẹp đậm nghĩa thầy trò của thể thao Việt Nam thì những vụ việc bị phát hiện đã thể hiện mặt trái của thể thao thành tích cao, phản ánh rằng chế độ đãi ngộ cho đối tượng này chưa thực sự phù hợp, cơ chế quản lý chưa thực sự hiệu quả, điều này còn kéo theo hậu quả là thể thao thành tích cao của Việt Nam không thể phát triển trong môi trường công bằng, minh bạch, không tạo được động lực cho vận động viên, huấn luyện viên. “Vậy giải pháp lâu dài để quản lý và đảm bảo không tái diễn tình trạng trên?” - bà Tâm nêu.

Về vấn đề này, Bộ trưởng VHTTDL thừa nhận những vụ việc tiêu cực trong thể thao là “nhức nhối của ngành”. Mặc dù chỉ là 2 vụ việc có tính chất cá biệt đó là tiền ăn của đội tuyển bóng bàn khi tham gia tập huấn, và tiền của đội thể dục dụng cụ. Khi phát hiện ra, đã kiên quyết xử lý thực hiện phương châm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước không có ngoại lệ, làm nghiêm theo quy định. Qua đó đã kỷ luật bằng phương pháp hành chính, và cung cấp cho các cơ quan chức năng khác để xem xét điều tra khi có dấu hiệu tội phạm, đủ điều kiện sẽ xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Ông Hùng cho rằng, đây cũng là lời cảnh tỉnh cho công tác huấn luyện.

“Việc này chúng tôi biết hơi chậm. Trong thực tế ban đầu khi lập quỹ với mục đích tốt đẹp. Ví dụ đội tuyển góp nhau để đi thăm hỏi khi ốm đau, ma chay, hiếu hỷ, hỗ trợ thêm cho nhau. Mặc dù theo quy định của pháp luật là trái phép nhưng nếu trên tinh thần tự nguyện, tự quản lý chặt chẽ thì không có tiêu cực. Nhưng vừa rồi quỹ đã bị lạm dụng và dẫn đến tiêu cực” - ông Hùng nói và cho biết đã cho rà soát, bổ sung hoàn chỉnh quy định bộ đã ban hành về quản lý đội tuyển. Trong đó có điều khoản, quy định từ tập luyện cho đến công tác quản lý. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm. Lâu nay có kiểm tra nhưng kiểm tra chất lượng đào tạo, còn ít kiểm tra về chế độ chính sách. Đồng thời công khai minh bạch, ngay từ đầu phải thông báo cho các em được bao nhiêu, chế độ tiền ăn là bao nhiêu 1 ngày, chế độ tiền thưởng là bao nhiêu để họ biết và quản lý, đặc biệt nghiêm cấm việc lập quỹ.

THÔNG CÁO SỐ 15 KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XV

Thứ Tư, ngày 5/6/2024, Quốc hội làm việc ngày thứ 14 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; tiếp tục hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

Buổi sáng, Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên. Tiếp đó, Quốc hội chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, tập trung những nội dung: Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán nhà nước; Giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán. Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình những vấn đề liên quan.

Buổi chiều, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, tập trung những nội dung: Công tác tuyển chọn, đào tạo và chính sách với vận động viên thể thao, nghệ sĩ; giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao; biện pháp kích cầu du lịch; chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch cùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tham gia trả lời chất vấn, giải trình những vấn đề liên quan.

Theo VPQH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngày chất vấn và trả lời chất vấn thứ 2: Trách nhiệm trong sai phạm ở SCB