Ngày đặc biệt ở Tân Trào

Dạ Yến 17/08/2015 08:30

Ngày 16/8/2015 là một ngày đặc biệt với đồng bào thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang. Dưới mái đình Hồng Thái cổ kính, người Tân Trào thêm một lần nữa cùng khắc ghi tên mình vào lịch sử: 70 năm Quốc dân Đại hội Tân Trào.

Ngày đặc biệt ở Tân Trào

Đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang nô nức về dự ngày kỷ niệm 70 năm
Quốc dân Đại hội Tân Trào.

Tất cả đều dành cho cách mạng

Thôn Tân Lập nằm ở phía Đông của xã Tân Trào có 182 hộ, 762 nhân khẩu, trên 80% dân số trong thôn là người dân tộc Tày. Tân Lập gắn liền với thời gian Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở, làm việc và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, từ tháng 6 đến cuối tháng 8 năm 1945.

Ngày 21 tháng 5 năm 1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước. Người đã chọn xã Tân Trào, huyện Sơn Dương làm Thủ đô Khu giải phóng, căn cứ địa cách mạng. Đến tháng 8 năm 1945, giữa lúc cao trào kháng Nhật cứu quốc đang diễn ra sôi sục, tạo tiền đề mạnh mẽ cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị phải gấp rút triệu tập Quốc dân Đại hội Tân Trào để thành lập Chính phủ lâm thời cách mạng, lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta.

Ông Hoàng Ngọc, năm nay 79 tuổi, ở làng Tân Lập, xã Tân Trào cho biết, trong trí nhớ của cậu bé 10 tuổi khi ấy, các cán bộ về dự Quốc dân Đại hội đã ở nhà ông và một số gia đình khác. Nhân dân ăn gì cán bộ ăn nấy. Trong khi Đại hội đang họp, một đoàn đại biểu thay mặt nhân dân Tân Trào đã đến chào mừng Đại hội và ông Hoàng Ngọc đã vinh dự có mặt trong đoàn thiếu nhi. Người dân nghèo, chẳng có gì nhiều nhưng đã gom góp mang gạo, gà và một con bò mừng Chính phủ cách mạng lâm thời mới được bầu.

“Chúng tôi là người dân tộc Tày, qua thời kì đô hộ thấy khổ lắm. Sau khi cách mạng đến, được Đảng, Bác Hồ giáo dục tinh thần cách mạng, nhân dân phấn khởi, hồ hởi, tập trung vào giúp đỡ cách mạng. Tất cả đều dành cho cách mạng. Bác Hồ nói như thế nào, cán bộ cách mạng nói thế nào chúng tôi đều làm theo cả” - ông Hoàng Ngọc nhấn mạnh.

Còn với bà Nông Thị Mơ, dù đã ở tuổi ngoài 90, mắt đã mờ, tai không còn nghe rõ song ký ức về những ngày Bác Hồ và các cán bộ cách mạng về sống ở Tân Trào vẫn còn nguyên vẹn. Ngày ấy bà cùng chị em trong làng ủng hộ cách mạng bằng việc giã gạo nuôi quân. Không khí lao động diễn ra khẩn trương, nhanh chóng.

Bà Mơ còn nhớ những lời căn dặn của Bác khi đó là “giã gạo cũng là đánh giặc - giã gạo nuôi quân ăn no mới đánh được giặc”. Trong những ngày diễn ra Quốc dân Đại hội, bà vinh dự được nấu cơm phục vụ Đại hội.

Với một lòng tin yêu Đảng, đi theo Đảng, người dân Tân Trào, núi rừng Tân Trào đã nuôi giấu, che chở cách mạng, bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Đảng, cho Bác Hồ, cho cách mạng trong những ngày tiền khởi nghĩa. Nơi đây chính là trung tâm chỉ đạo tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, đóng góp vai trò quan trọng vào thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại của dân tộc.

Nông thôn đổi đời

70 năm đã trôi qua, Tuyên Quang có 177 địa chỉ di tích cách mạng. Trong đó Tân Lập đã trở thành cái tên nổi tiếng trên bản đồ du lịch căn cứ cách mạng của cả nước khi mỗi năm đón hàng trăm nghìn khách du lịch đến tham quan tìm hiểu.

Từ nhiều tháng nay, người dân Tân Lập đã tạm gác mọi bộn bề lo toan của cuộc sống thường ngày để cùng nhau chuẩn bị cho thời khắc lịch sử: Kỷ niệm 70 năm Quốc dân Đại hội Tân Trào.

Trong không khí thiêng liêng khi cả nước cùng ôn lại những thời khắc quan trọng từ mái đình Hồng Thái, với mỗi người dân Tân Lập, ngày hôm nay thực sự là một ngày hội.

Ngày hội đã mang lại rất nhiều cảm xúc như bác Bế Văn Ngọc, 80 tuổi, mắt rưng rưng lệ: “Nhờ Đảng, Nhà nước, Mặt trận quan tâm, Tân Lập bây giờ đã “nhà sàn sáng điện nông thôn đổi đời”. Vì thế, người Tân Lập luôn một lòng thủy chung với Đảng” - cựu chiến binh Bế Văn Ngọc xúc động bày tỏ.

Trong không khí xúc động của ngày kỷ niệm, chúng tôi tìm gặp ông Bế Văn Hai - Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn - người bận rộn trong nhiều tháng qua để chuẩn bị cho ngày hội đặc biệt này. Theo ông Bế Văn Hai, ý thức sâu sắc về giá trị thiêng liêng và to lớn của những di tích lịch sử cách mạng gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là động lực giúp cho nhân dân Tân Lập luôn nêu cao trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc các điểm di tích cho thế hệ mai sau, và từ đó càng chăm chút gìn giữ những giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

“Sống ở địa danh lịch sử thì bản thân mỗi người cũng phải là một thành viên bảo tồn lịch sử”- ông Bế Văn Hai khẳng định. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ tiên quyết của đội ngũ những người làm Mặt trận ở Tân Lập khi lồng ghép việc tuyên truyền ý thức gìn giữ lịch sử cho nhân dân Tân Lập, đặc biệt là thế hệ trẻ trong cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư.

“Mối quan hệ đoàn kết trong nhân dân, tình làng, nghĩa xóm được vun đắp và ngày càng thêm gắn bó phần lớn là nhờ vào những nội dung thiết thực từ cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, từ đó, mọi người dân ở đây càng có trách nhiệm dựng xây quê hương, cộng đồng”- ông Bế Văn Hai khẳng định.

Đặc biệt, việc lồng ghép, gắn kết các nội dung của Cuộc vận động với Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo thêm được khí thế mới, sức mạnh mới trong nhân dân thôn Tân Lập nói riêng và toàn xã nói chung, trở thành phong trào thi đua rộng khắp trong phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho mọi người dân.

Nhờ đó, Tân Lập mới có những con đường khang trang sạch đẹp, những hầm biogas, hầm bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Những tư duy lạc hậu trong phát triển kinh tế đang dần được thay đổi bằng những bài học hay, mô hình tốt. Từ 63 hộ nghèo, Tân Lập chỉ còn 12 hộ nghèo và cận nghèo. 90% học sinh tốt nghiệp phổ thông cơ sở đều theo học tiếp các trường phổ thông trung học. 172/182 hộ gia đình mua thẻ Bảo hiểm y tế. Đặc biệt 180 gia đình ở Tân Lập đã tham gia câu lạc bộ gia đình hạnh phúc. Những con số mà không phải vùng đồng bào dân tộc nào cũng có thể làm được.

Với sự nỗ lực, cố gắng của nhân dân thôn Tân Lập và các thôn khác đã góp phần đưa xã Tân Trào từ năm 2014 trở thành xã đầu tiên trong tỉnh hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Sau 70 năm, người Tân Trào tiếp tục viết nên những trang lịch sử của riêng mình, xứng đáng với truyền thống Thủ đô Khu Giải phóng.

Mít tinh kỷ niệm 70 năm Quốc dân Đại hội Tân trào

Kỷ niệm 70 năm Quốc dân Đại hội Tân Trào, 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sáng ngày 16/8, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Tuyên Quang, long trọng tổ chức Lễ mít tinh tại Quảng trường Tân Trào, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Nguyên Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh, Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, địa phương và hàng vạn người dân Tân Trào, Tuyên Quang đã về tham dự.

Cách đây 70 năm, Quốc dân Đại hội Tân Trào là một sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử cách mạng Việt Nam, phát động khởi nghĩa giành chính quyền một cách nhanh nhất, khẩn trương nhất, để cả dân tộc Việt Nam đứng lên tự làm chủ vận mệnh mình. Đây là Đại hội mang tầm vóc lịch sử của Quốc hội, cơ quan quyền lực Nhà nước lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vì vậy, Quốc dân Đại hội Tân Trào mang giá trị lịch sử to lớn, lâu bền của dân tộc Việt Nam.

Trước đó, các vị đại biểu đã dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lán Nà Nưa, Đình Tân Trào. Trong dịp này, tại Tuyên Quang đã và đang diễn ra nhiều hoạt động như: Bàn giao Nhà lưu niệm Khu di tích Ban Thường trực Quốc hội, Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Thủ đô Khu Giải phóng Tuyên Quang trong Cách mạng Tháng Tám”, Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn quốc, Triển lãm tranh cổ động tấm lớn và Triển lãm ảnh “70 năm Quốc dân Đại hội Tân Trào”, Tháng phim Việt Nam tại Tuyên Quang, Chương trình về nguồn...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngày đặc biệt ở Tân Trào

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO