Ngày hè với trẻ vùng cao

Tuấn Minh - Lan Hương 20/07/2017 13:30

Trong khi trẻ em ở các thành phố có quá nhiều hoạt động và nhiều sự lựa chọn vui chơi, giải trí, thì ở một số điểm vùng cao, miền núi và nông thôn, ngày hè của trẻ em vẫn còn nhiều thiệt thòi.

Vẫn còn thiếu những sân chơi an toàn cho trẻ em vùng cao.

Hè về và gánh nặng mưu sinh

Hè về ở các thành phố, đô thị lại nở rộ các hoạt động, chương trình vui chơi, giải trí đặc sắc để phục vụ các em nhỏ sau một năm vùi đầu vào sách vở. Thế nhưng, đối với trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa có rất ít sân chơi dành cho các em. Không chỉ vậy, dịp hè với các em lại là những ngày phụ giúp gia đình, kiếm thêm thu nhập để chuẩn bị cho năm học tiếp theo… Đầu tháng 6, đi dọc quốc lộ 12 tuyến Điện Biên - Mường Lay dễ dàng bắt gặp hình ảnh trẻ em đang phụ bố mẹ thu hoạch lúa hoặc chăn thả trâu trên đám ruộng mới thu hoạch.

Em Lò Thị Hà, bản Púng Giắt 1, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, kể: Bình thường đi học em bán trú đến cuối tuần mới về nhà nên không phụ giúp gì được cho gia đình. Kỳ nghỉ hè, em phụ giúp bố mẹ công việc nhà. Công việc cũng không quá nặng nhọc phù hợp với sức của em. Khi đi chăn trâu, lúc lên nương lấy rau về cho lợn…Những lúc không giúp việc cho gia đình, thì chúng em cũng chỉ chơi quanh nhà, đi tắm suối hoặc hái rau, hái quả rừng…

Cũng giống như Hà, Cù Thị Sang ở xã Cốc Ly, huyện Bảo Thắng, Lào Cai nghỉ hè của em là những ngày theo mẹ đi rừng kiếm củi, hái măng bán kiếm tiền. Nhà có 3 chị em đều đang ở tuổi chơi nhưng cả 3 chị em Sang đều không có bất cứ đồ chơi hay quyển sách, truyện nào. “Mỗi lần xem tivi thấy các bạn dưới xuôi được đi những xích đu, cầu trượt…em chỉ ước được xuống đó chơi cho thỏa thích. Trên này chúng em chỉ biết làm bạn với những con dốc, gò đồi, khe suối thế nên em ước gì cả năm được đi học không phải nghỉ hè” – em Sang tâm sự.

Nói về những thiếu thốn khó khăn của trẻ em ngày hè cô giáo Mạc Thị Quê, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nà Sác, xã Nà Sác, huyện Hà Quảng, Cao Bằng cho biết các hoạt động vui chơi của các em học sinh xã Nà Sác vẫn thường là tự phát chứ chưa được tổ chức một cách quy củ. Cũng từ đó, các em luôn phải đối mặt với những nguy hiểm thường trực. Không ít bậc làm cha, làm mẹ phải gặp cảnh đau lòng trước những tai nạn không đề phòng của con trẻ.

Đây không chỉ là thực trạng riêng ở xã Nà Sác, mà của hầu hết các em thiếu nhi ở các vùng nông thôn, miền núi. Những cái chết do đuối nước liên tiếp xảy ra trong thời gian qua mà đối tượng chủ yếu là các em nhỏ nông thôn, miền núi chính là những thiệt thòi của các em do thiếu sân chơi an toàn.

Cần sự chung tay

Thực tế cho thấy những năm qua, mặc dù các cấp, các ngành có nhiều nỗ lực, cố gắng để tạo thêm sân chơi cho trẻ em trong dịp hè nhưng dường như vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu vui chơi của trẻ em, đặc biệt là ở vùng nông thôn, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Thiếu sân chơi an toàn, lành mạnh được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tai nạn, thương tích trẻ em ở nông thôn luôn tăng đột biến trong dịp hè.

Theo các chuyên gia để giải “cơn khát” sân chơi cho trẻ em nông thôn vào dịp hè thì không thể chỉ trông chờ vào tổ chức Đoàn, Đội mà cần phải có sự vào cuộc của toàn xã hội. Đơn cử như trong bối cảnh kinh phí đầu tư còn hạn hẹp thì các thiết chế văn hóa cơ sở như nhà văn hóa thôn, xã cần được thiết kế, vận dụng để không chỉ là nơi phục vụ nhu cầu của người lớn mà còn trở thành địa điểm vui chơi bổ ích cho trẻ em.

Thực tế có không ít nhà văn hóa hiện nay được xây khang trang với số vốn hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng nhưng không phát huy được hiệu quả hoạt động, thi thoảng được sử dụng để tổ chức hội họp thậm chí dùng làm địa điểm tập kết, phơi rơm thóc cho bà con nông dân mỗi khi mùa màng đến… trong khi công năng phục vụ cho thế hệ măng non thì không hề được tính đến.

Hay như các địa phương thay vì thụ động, trông chờ vào nguồn vốn Nhà nước nên chủ động tìm ra phương pháp và cách làm phù hợp, đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện khuyến khích cá nhân, đơn vị có năng lực, tâm huyết tham gia xây dựng sân chơi, tài trợ mua sắm trang thiết bị phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh thiết thực cho trẻ em…

Theo thống kê, trung bình mỗi ngày cả nước có gần 20 gia đình chịu sự mất mát, đau thương vì sự ra đi của trẻ em do tai nạn thương tích. Tai nạn thương tích là nguyên nhân hàng đầu gây nên khuyết tật có thể kéo dài suốt cuộc đời của trẻ em. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký Công ước về quyền trẻ em. Trong các quyền đó thì quyền được vui chơi, giải trí là không thể thiếu.

Vì vậy đã đến lúc, trách nhiệm tạo ra sân chơi cho trẻ em không chỉ dựa vào Nhà nước, mà cần hướng đến cộng đồng, sự chung tay của toàn xã hội. Điều này, phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, đoàn thể ở cơ sở. Nhà nước cũng nên tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có năng lực, tâm huyết đầu tư xây dựng những sân chơi tốt nhất cho trẻ em.

Được biết trong “Tháng hành động vì trẻ em” năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tất cả các cấp, các ngành đều phải chung tay xây dựng cuộc sống an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em. Hy vọng rằng, với sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội, trẻ em vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới sẽ có nhiều sân chơi an toàn, bổ ích hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngày hè với trẻ vùng cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO