Ngày Hội ATGT đồng bào các dân tộc khu vực Tây Bắc – 2015: Cần thêm những sáng kiến đặc thù

Tuấn Việt 31/10/2015 11:51

Nâng cao hiểu biết pháp luật về TTATGT cho bà con dân tộc, tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, bám sát địa bàn trong lĩnh vực giao thông, phát triển hệ thống giao thông ở vùng sâu vùng xa… Đây là những nội dung chính được đặt ra tại Ngày Hội ATGT đồng bào các dân tộc khu vực Tây Bắc năm 2015, do Ủy ban ATGT Quốc gia, UBND tỉnh Sơn La phối hợp tổ chức, ngày 31-10, tại tỉnh Sơn La.

Ngày Hội ATGT đồng bào các dân tộc khu vực Tây Bắc – 2015: Cần thêm những sáng kiến đặc thù

Ngày Hội ATGT đồng bào các dân tộc khu vực Tây Bắc – 2015

6 tỉnh Tây Bắc là Hòa Bình, Điện Biên, Yên Bái, Lai Châu, Lào Cai và Sơn La là địa bàn rộng lớn, nơi sinh sống lâu đời của khoảng 20 dân tộc khác nhau. Đây cũng là vùng địa phương có nhiều cửa ngõ thông thương với các nước Lào, Trung Quốc, nên có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng và an ninh. Việc phát triển mạng lưới giao thông, tạo sự giao thương nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác bảo đảm TTATGT cho khu vực.

Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, 10 tháng đầu năm 2015, toàn quốc xảy ra 18.437 vụ, làm chết 7.185 người, bị thương 16.755 người. Giảm so với 2014 là 2.364 vụ (giảm 11,36%), giảm 290 số người chết (giảm 3,88%), giảm 3.218 người bị thương (giảm 16,11%). Riêng 6 tỉnh Tây Bắc đã xảy ra 618 vụ tai nạn, làm chết gần 310 người, giảm 17,5% so với năm 2014. So với cả nước, khu vực Tây Bắc chiếm 5,11% vụ, 8,6% về số người chết. So với khu vực miền núi phía Bắc, chiếm 38,5%, chiếm 34,6% số người chết và 41,8% số người bị thương.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, diễn biến TTATGT không chỉ 6 tỉnh Tây Bắc hiện nay ngày một phức tạp. TNGT và số người chết và bị thương vẫn còn ở mức cao. Vùng đồng bào dân tộc, bà con vẫn “vô tư” uống rượu bia khi tham gia giao thông, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, trong khi hệ thống giao thông vùng cao đặc biệt khó khăn, nhiều đèo dốc, hiểm trở, nhiều vùng thậm chí chưa có đường để đi. TNGT có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

“Giao thông chỉ có thể an toàn khi người tham gia giao thông có ý thức, có văn hóa giao thông. Ở đây công tác tuyên truyền đặc biệt quan trọng, nhất là với bà con ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Chính vì vậy, cấp chính quyền địa phương sở tại là đầu tàu quan trọng nhất. Tuy nhiên, trong thời gian qua, thực tế cho thấy chính quyền ở một số địa phương chưa nhận thức trách nhiệm đầy đủ. Vai trò tuần tra kiểm soát lỏng lẻo, nể nang tình làng nghĩa xóm…TNGT chưa thể giảm nhiệt”, ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.

Giải pháp cho giao thông vùng cao, đặc biệt đối với 6 tỉnh Tây Bắc, ngoài tăng cường công tác tuyền truyền, còn là những sáng kiến xuất phát từ đặc thù cơ sở. Như tỉnh Điện Biên, gồm 19 dân tộc, địa hình hiểm trở, chia cắt, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 34%, dân trí thấp. Do vậy, nâng cao vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc, sẽ góp phần nâng cao nhận thức của bà con. “Điện Biên hiện nay đang bồi dưỡng cán bộ tuyên truyền viên biết tiếng dân tộc. Lực lượng này, cùng với già làng trưởng bản, trưởng dòng họ, sẽ bám người sát dân để tuyên truyền vận động. Kiên quyết không bình xét gia đình văn hóa cho những gia đình có người vi phạm pháp luật về TTATGT… tình hình chấp hành ATGT vì thế đã nâng lên trong thời gian qua”, ông Nguyễn Đình Giang, Giám đốc Sở GTVT, Phó Ban thường trực Ban ATGT tỉnh Điện Biên cho biết.

Sơn La với những chương trình phát động, tập trung tuyên truyền trong thanh, thiếu niên, trong đó phối hợp với mặt trận tổ quốc tỉnh phát động cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông”, đã thiết thực trong từng gia đình, giảng đường, giúp giảm TNGT trên địa bàn, ở cả ba tiêu chí. Lai Châu với mô hình đào tạo cán bộ từ thanh niên bản, làng, phổ biến ATGT đã dần được nhân rộng. Yên Bái xây dựng đường thanh niên, gắn liền với bảo vệ và tuân thủ pháp luật về TTATGT… Sự đặc thù tạo ra những sáng kiến đặc thù.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông tại ngày Hội đã đặc biệt đề nghị các Ban ATGT của không chỉ 6 tỉnh Tây Bắc tiếp tục bám sát địa bàn, phát huy các sáng kiến mới trong công tác truyên truyền an toàn giao thông, để người dân, đặc biệt bà con dân tộc hiểu thiết thực và bền vững. Bà con không thể ngày một ngày hai để “thấm” chính sách và chủ chương, do vậy phải cần thêm những cuộc vận động đặc thù địa phương.

Ngày Hội ATGT đồng bào các dân tộc khu vực Tây Bắc là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa. Những thông điệp về ATGT đã được phối hợp, học tập và nhân rộng. Các giải pháp “trúng và đúng” với mục tiêu giảm số người chết về TNGT đã và đang được triển khai, vì sự an toàn cho từng người dân, hạnh phúc từng gia đình.

Nhân dịp Ngày Hội ATGT đồng bào các dân tộc khu vực Tây Bắc năm 2015, tập đoàn FPT đã trao tặng 6.000 mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho người dân và học sinh 6 tỉnh Tây Bắc. Cục đường thủy Việt Nam trao tặng 300 áo phao cho người dân sống tại vùng hồ thủy điện Sơn La…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngày Hội ATGT đồng bào các dân tộc khu vực Tây Bắc – 2015: Cần thêm những sáng kiến đặc thù

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO