Ngày hội của toàn dân

Nam Việt 11/05/2021 09:00

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là ngày hội lớn của toàn dân, là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng, trực tiếp lựa chọn những đại biểu tiêu biểu xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân tại cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Điểm bỏ phiếu tại Di tích lịch sử 48 Hàng Ngang (Hà Nội), nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cuộc bầu cử thể hiện bản chất dân chủ của chế độ xã hội chủ nghĩa nước ta, tính nhân dân sâu sắc của Nhà nước ta thông qua mối quan hệ chặt chẽ giữa Nhân dân với Nhà nước.

Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là một kỳ bầu cử có ý nghĩa đặc biệt. Kỳ bầu cử được tiến hành sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, một Đại hội đi vào lịch sử khi chuyển giai đoạn phát triển của đất nước từ thời kỳ phát triển để tạo thế và lực sang giai đoạn phát huy đến mức cao nhất tất cả các thế và lực đã tích lũy được để có thể phát triển đột phá, cất cánh.

Thời gian qua, công tác chuẩn bị bầu cử được tiến hành khẩn trương, chu đáo từ Trung ương đến địa phương. Tất cả đều hướng tới mục tiêu: Ngày 23/5, bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Ngày hội của toàn dân. Để cuộc bầu cử thành công, có vai trò to lớn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Nhất là cuộc bầu cử lần này diễn ra trong bối cảnh cả nước tập trung phòng, chống dịch Covid-19.

Ngày 4/5, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ban hành Hướng dẫn tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử phù hợp yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện Hướng dẫn số 54 của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam hướng dẫn các hội nghị trong quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và việc vận động bầu cử tại các địa phương có dịch Covid-19 và tuân theo các định hướng chung.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; có sự trao đổi, thống nhất giữa Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử và Ủy ban Bầu cử cùng cấp về số cuộc và hình thức tổ chức để phù hợp điều kiện, hoàn cảnh ở địa phương mình. Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, vận dụng linh hoạt và phù hợp thực tế tại địa phương. Ðồng thời bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của địa phương.

UBTƯ MTTQ Việt Nam nêu rõ: Tại các địa phương, căn cứ vào tình hình thực tế, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thống nhất với Ủy ban Bầu cử cùng cấp về số lượng và cách thức tổ chức vận động bầu cử phù hợp thực tế ở địa phương vừa bảo đảm quyền vận động bầu cử của người ứng cử, vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, không nhất thiết phải bảo đảm số cuộc tiếp xúc cử tri theo hướng dẫn tại Thông tri số 13 của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam. Ðối với những địa phương ở trạng thái bình thường hoặc thực hiện giãn cách xã hội thì có thể tổ chức hội nghị trực tiếp hoặc trực tuyến.

Ðối với những nơi đang áp dụng các biện pháp cách ly xã hội hoặc áp dụng biện pháp phong tỏa không thể tổ chức hội nghị theo hình thức tập trung thì Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam (cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử) báo cáo cấp ủy, các tổ chức phụ trách bầu cử cùng cấp lựa chọn hình thức phù hợp, khuyến khích các hình thức vận động bầu cử thông qua hình thức các phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp người ứng cử bị mắc Covid-19 đang điều trị tại cơ sở y tế hoặc đang được cách ly thì Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam (cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử) thống nhất với Ủy ban Bầu cử cùng cấp về cách thức tổ chức vận động bầu cử, khuyến khích các hình thức vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng…

Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã tới. Cử tri cả nước phấn khởi đi bầu. Cuộc bầu cử được tổ chức trong bối cảnh đặc biệt phòng chống dịch Covid-19, nhưng chắc chắn sẽ thành công tốt đẹp!

Nguyên tắc cơ bản trong bầu cử

Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín là 4 nguyên tắc cơ bản, đã được luật hóa thành những luật định quan trọng trong quá trình chuẩn bị bầu cử ở nước ta.

Thứ nhất: Nguyên tắc phổ thông, đây là nguyên tắc rất quan trọng được khẳng định tại Điều 7 Hiến pháp năm 2013. Theo đó, công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Nguyên tắc này nhằm đảm bảo cho tất cả công dân không bị phân biệt dựa trên căn cứ thành phần dân tộc, tín ngưỡng, địa vị xã hội, giới tính.

Thứ hai: Nguyên tắc bình đẳng, có nghĩa là mỗi người, mỗi cử tri chỉ được nhận 1 lá phiếu, chỉ được bầu 1 nơi chứ không được bầu nhiều nơi. Mọi lá phiếu đều có giá trị như nhau, không phân biệt lá phiếu của người giầu, người nghèo, người già, người trẻ, người có địa vị cao hay địa vị thấp.

Thứ ba: Nguyên tắc trực tiếp, nhằm đảm bảo cho người dân trực tiếp thể hiện ý chí của mình trong lựa chọn người đại biểu. Cử tri trực tiếp bỏ phiếu vào thùng phiếu mà không qua người trung gian, cử tri cũng trực tiếp lựa chọn người mình bỏ phiếu, không được nhờ người khác bầu hộ, không bầu bằng cách thức gửi thư.

Thứ tư: Nguyên tắc bỏ phiếu kín, nhằm đảm bảo tôn trọng quyền tự do thể hiện ý chí của cử tri, tạo điều kiện để quá trình lựa chọn của mỗi cử tri không bị tác động, ảnh hưởng của các cá nhân hoặc tổ chức khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngày hội của toàn dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO