Ngày Lễ lệ tràn mi

Đặng Công 22/06/2015 09:55

70 năm sau ngày kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai, nhân loại có vẻ như lại bị dồn đuổi tới giáp mặt với một nguy cơ xung đột trên nguy cơ toàn cầu mới. Những buổi lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng chủ nghĩa phát xít, được tổ chức trọng thể ở nhiều nơi, cũng không thể che khuất một sự thật buồn là, những mối đe dọa an ninh to lớn chung từ phía chủ nghĩa khủng bố quốc tế và các tư tưởng cực đoan không khỏa lấp được những mâu thuẫn lợi ích cục bộ giữa các quốc gia hay các nhóm quốc gia, khiến bầu k

Ảnh: Kurts Ivan

Tại Belarus từ ngày 1 tới 5-5 đã diễn ra những hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng chủ nghĩa phát xít trong chiến tranh thế giới thứ hai. Cũng cần phải nhớ rằng, ngày 22-6-1941, chính tại pháo đài Brest nằm trên lãnh thổ Belarus đã xảy ra trận tấn công đầu tiên của quân đội phát xít Đức nhằm vào lãnh thổ Liên Xô. Trên mảnh đất Bạch Nga này cũng đã từng diễn ra nhiều trận chiến đấu ác liệt và những tội ác man rợ của quân đội phát xít nhằm vào những người dân thường Xôviết. Trong tuần đầu tiên của tháng 5-2015 đã có hơn 200 người từ Đức, Israel, Czech, Đức, Áo và Anh tới Belarus trong khuôn khổ của hoạt động “Tưởng nhớ vì một tương lai chung cho châu Âu”… Các vị khách nước ngoài đã tới thăm khu tưởng niệm Khatyn, nơi tháng 3-1943 quân phát xít đã thiêu sống cả làng quê có tới 149 cư dân chỉ vì cái gọi là tội đã giúp quân du kích chống xâm lược… Tham gia đoàn khách quốc tế tới Belarus, ông Gernot Erler, đại diện cho chính phủ Đức chịu trách nhiệm về quan hệ với Nga cùng các nước Đông và Trung Âu, đã công khai đưa ra lời xin lỗi đối với những nạn nhân của chủ nghĩa phát xít: “Những tội ác mà người Đức đã gây ra trên mảnh đất này, chúng tôi không quên, không thể quên và sẽ không quên. Đất nước tôi ý thức được trách nhiệm của mình về những gì đã xảy ra. Thay mặt chính phủ Đức và nhân danh cá nhân, xin phép được xin lỗi về những tội ác mà người Đức đã gây ra ở Belarus…”. Cũng theo lời ông Erler, ông là quan chức Đức cấp cao nhất lần đầu tiên công khai xin lỗi nhân dân Belarus về những tội ác của lực lượng phát xít đã gây ra cho người dân ở nước cộng hòa này…

Ngoài Belarus còn có nhiều nơi diễn ra các hoạt động tưởng nhớ những nạn nhân của chủ nghĩa phát xít trong thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, sự kiện được coi là quan trọng nhất trong chuỗi các hoạt động đó là Lễ kỷ niệm và duyệt binh diễn ra tại Quảng trường Đỏ, Moskva, ngày 9-5. Muốn nói gì thì nói, trong thế chiến thứ hai, gánh nặng đạn lửa và hy sinh mất mát đã dồn trên vai của Liên bang Xôviết và chính người dân của siêu cường này đã phải trả cái giá rất cao để cùng cứu châu Âu cũng như thế giới khỏi thảm họa phát xít.

Nước Nga đã bỏ ra rất nhiều tâm lực để tiến hành hoạt động này. Lễ duyệt binh có sự tham gia của hơn 15 nghìn người và nhiều loại vũ khí tối tân, trong đó lần đầu tiên trình diễn mẫu xe tăng siêu phàm T-14 Armata… Theo ý tưởng của Điện Kremli, lễ duyệt binh năm nay sẽ là dịp để người Nga thêm một lần tìm lại cội nguồn sức mạnh, niềm tự hào quốc gia và tinh thần đoàn kết dân tộc của mình, đồng thời cũng để thế giới thấy rõ hơn tiềm lực hùng hậu của siêu cường này, luôn sẵn sàng đối phó với mọi thách thức thời cuộc.

Tới Moskva trong dịp đầu tháng 5-2015 để tham dự các hoạt động mừng ngày chiến thắng chủ chủ phát xít trong chiến tranh thế giới thứ hai có Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki - moon và nguyên thủ của gần 30 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thủ tướng Đức Angela Merkel không có mặt trong lễ kỷ niệm ngày 9-5 nhưng cũng bay sang Moskva vào ngày hôm sau (10-5) để cùng Tổng thống Vladimir Putin đặt hoa trước Mộ Người Chiến sĩ Vô danh…

Niềm vui mừng chiến thắng bao giờ cũng đi kèm theo những nỗi đau vì những mất mát to lớn, những thiệt hại nặng nề mà chiến tranh đã gây nên. Các con số thống kê cho thấy, chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945) đã làm thiệt mạng tới gần 47 triệu dân thường tại các quốc gia liên đới hoặc bị bắt buộc phải liên đới. Ngay ở xứ Đông Dương cũng đã có tới hơn 2 triệu người bị chết trong chiến tranh thế giới thứ hai. Riêng tại Liên Xô cũ, cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941 - 1945) đã cướp đi sinh mạng của hơn 26 triệu người. Không ngẫu nhiên mà trong khúc tráng ca "Ngày Chiến thắng" rất phổ biến ở Nga hơn bốn mươi năm qua đã đặc biệt nhấn mạnh tới chi tiết "Ngày lễ lệ tràn mi" trong mỗi dịp kỷ niệm kết thúc thế chiến. Máu người không bao giờ là nước lã và những gì đã xảy ra trong thế chiến thứ hai cần phải trở thành những bài học thấm thía để các thế hệ tương lai soi vào để tránh dồn đẩy nhân loại vào những cuộc thảm sát mới dù với bất cứ lý do gì.

Thế nhưng, đáng tiếc thay, Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng chủ nghĩa phát xít năm nay diễn ra trong một bầu không khí rất phức tạp. Kể từ khi chiến tranh lạnh được coi như kết thúc sau khi bức tường Berlin sụp đổ, chưa bao giờ quan hệ giữa LB Nga với phương Tây nói chung và nước Mỹ nói riêng lại ở trong tình trạng căng thẳng như hiện nay. Những cố gắng của NATO nới rộng biên giới và khu vực ảnh hưởng theo hướng Ukraina tới sát biên giới nước Nga đã buộc chú gấu Siberi không thể tiếp tục giả bộ ngủ đông bất giác bất tri như cũ. Trong khói lửa của xung đột quân sự huynh đệ tương tàn ở Ukraina, Moskva đã nhanh tay sáp nhập Krym vào bản đồ hành chính của mình và vì thế, khiến phương Tây và nhiều nước khác phải giật mình suy đoán tiếp về những gì có thể tiếp tục xảy ra, một khi nước Nga bị đẩy vào tình thế không còn chỗ để lui. Những biện pháp trừng phạt kinh tế mà phương Tây áp đặt cho Moskva, một mặt gây nên những khó khăn cực kỳ to lớn cho nước Nga nhưng mặt khác, cũng là một dạng boomerang dồn ngược lại những thiệt hại cho phương Tây và nguy hiểm hơn, phá bỏ một cách toàn diện những hạt mầm đối tác và sự tin cậy nhỏ bé và non nớt đã được rất chi chút gây dựng trong thời hậu chiến tranh lạnh giữa hai bên. Có nhà quan sát đã đưa ra nhận định rằng, có lẽ phải mất tới hai mươi năm nữa quan hệ giữa Nga với Mỹ mới có thể trở lại được với mức độ đã có trước khi bắt đầu cuộc khủng hoảng Ukraina.

Đang diễn ra những mưu toan đổi trắng thay đen nhằm đảo chiều sự thật về cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Không ít phương tiện truyền thông ở phương Tây tham gia vào các chiến dịch tẩy não dân chúng, đánh lộn sòng con đen về vai trò thực sự của các quốc gia trong thế chiến thứ hai. Một cuộc thăm dò dư luận được tiến hành mới đây cho thấy, hiện nay chỉ có khoảng 13% người Anh, Pháp và Đức cho rằng, Hồng Quân Liên Xô đã cứu châu Âu thoát khỏi họa phát xít. Trong khi đó có tới 43% lại nghĩ rằng quân đội Mỹ đã lập nên kỳ tích này… Điều đó thực là trớ trêu đối với thực tế lịch sử!

Hơn thế nữa, cuộc khủng hoảng ở Ukraina đã tạo thêm cớ cho phương Tây tìm cách công khai cô lập Điện Kremli, bất chấp ý nghĩa trọng đại của lễ kỷ niệm chiến thắng phát xít ở thủ đô Nga. Trong dịp tháng 5 năm nay tại Moskva đã vắng mặt Tổng thống Mỹ, Tổng thống Israel... cũng như nguyên thủ quốc gia của một số nước từng có những quan hệ gắn bó với Điện Kremli thời Xôviết như Bulgaria, Ba Lan, Phần Lan... hay của một số nước cộng hoà thuộc LB Xô viết cũ như Litva, Latvis, Estonia. Tất nhiên, Tổng thống Ukraina, Petr Poroshenko cũng đã không tới Moskva để tham dự lễ mừng chiến thắng phát xít.

Một số nhà lãnh đạo ở phương Tây cho rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin tổ chức "trình diễn chiến thắng" để tự nâng cao giá trị cho chế độ mà ông đứng đầu. Tuy nhiên, không được quên rằng chính Moskva đã đóng vai trò then chốt trong chiến thắng trước chủ nghĩa phát xít. Hơn bao giờ hết, thế giới ở thời điểm hiện nay cần sát cánh lại bên nhau hơn nữa để thấu hiểu sâu sắc hơn những bài học của xung đột. Tờ Financial Times đưa ra lời nhắn nhủ, các nhà lãnh đạo phương Tây cần phải nhận thức rằng, dù họ có bất đồng ý kiến với Tổng thống Putin đến đâu thì họ cũng không thể có bất đồng gì được với nhân dân Nga...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngày Lễ lệ tràn mi