Ngày 6/1/1946, cách đây 75 năm đã diễn ra một sự kiện lịch sử: Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ.
Trước đó 1 ngày, ngày 5/1/1946, báo Cứu Quốc đăng toàn văn Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh với những câu nói đi vào lịch sử: “Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta đến con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân bắt đầu được hưởng quyền dân chủ của mình”.
Trong lịch sử dân tộc, Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên là một mốc son chói lọi. Lần đầu tiên ở Đông Nam Á, có một Quốc hội dân chủ được bầu theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
Nói đến Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong những ngày đầu năm mới năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lại lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nhận định: “Với sự kiện trọng đại này, dân tộc Việt Nam ta sau khi là dân tộc đầu tiên ở Đông Nam Á làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thành công, trở thành dân tộc đầu tiên thiết lập Nhà nước có thể chế chính trị với hình thức dân chủ cao nhất là phổ thông đầu phiếu…”. Từ đó, Thủ tướng cho rằng: Thành công của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên đã và đang để lại bài học kinh nghiệm quý báu.
Bài học quý báu của Quốc hội khóa I, theo Thủ tướng là việc lựa chọn hiền tài, đại diện xứng đáng cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, góp phần củng cố lòng tin của người dân đối với sự nghiệp của Đảng.
Còn theo TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội thì Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên là một trong những dấu ấn vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Dấu ấn cá nhân rất rõ trong việc xây dựng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ của chúng ta. Không chỉ là việc Người đọc tuyên ngôn rất hùng hồn với những nội dung rất tiến bộ mang tính thời đại ngay từ lúc khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngay sau đó, 3 ngày sau, Người đã đề nghị là Tổng tuyển cử càng sớm càng tốt. Đó là dấu ấn về một lãnh tụ vĩ đại”, ông Chức nói.
Theo ông Chức, Quốc hội ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt. Nhưng đảm bảo được tính dân chủ, tính công khai, tính phổ thông bầu phiếu. Đấy là dấu ấn để khẳng định sức sống mãnh liệt, là nguồn sống cho Nhà nước Dân chủ Cộng hòa non trẻ.
Và thật kinh ngạc vì trong hoàn cảnh đặc biệt, trong vận nước vô cùng khó khăn, Quốc hội khóa đầu tiên đã bắt tay vào soạn thảo Hiến pháp. TS Nguyễn Viết Chức cho rằng: Ngay khi có Quốc hội đầu tiên của một Nhà nước công – nông ở Đông Nam Á, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quốc hội đã ngay lập tức soạn thảo Hiến pháp. Bởi vì Quốc hội xây dựng Nhà nước pháp quyền không thể không có Hiến pháp. “Không phải là ai lúc bấy giờ cũng hiểu được điều đó. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, Nhà nước thì vừa mới non trẻ. Nếu nói dài ra thì dài lắm, vì ngay cả chuyện Tổng tuyển cử đã không biết bao người, kể cả trong Đảng ngoài Đảng, trong nhân dân cũng không tin là Tổng tuyển cử có thể thành công. Tổng tuyển cử thành công rồi thì sau đó là Hiến pháp. Bởi vì theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta giải phóng dân tộc, chúng ta giành độc lập tự do cho đất nước để làm gì? Để đem lại hạnh phúc của nhân dân. Độc lập mà không có tự do hạnh phúc thì độc lập không có ý nghĩa gì cả. Vì tư tưởng đó nên Cụ Hồ mới đặt ra phải có Hiến pháp. Không có Hiến pháp thì lấy gì làm bằng chứng ghi nhận rằng, hay khẳng định rằng quyền của nhân dân là được tự do, được dân chủ”, TS Nguyễn Viết Chức khẳng định.
Không lâu sau cuộc bầu cử Quốc hội khóa I, trong tình thế của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, vận nước “ngàn cân treo sợi tóc”, báo Cứu Quốc ngày 20/11/1946 đã đăng bài viết “Tìm người tài đức” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài viết sau này được nhiều nhà nghiên cứu gọi là “chiếu cầu tài” của Hồ Chủ tịch. Trong bài viết Người nêu rõ: “Nhà nước cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó, tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó”.
Bằng “chiếu cầu tài” và đặt người đúng chỗ, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tập hợp một lực lượng trí thức lớn gánh vác trọng trách quốc gia. Trong số đó có nhiều trí thức lớn đã từ nước ngoài trở về tham gia kháng chiến, nhiều trí thức của chế độ cũ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trọng dụng.
Từ trong lịch sử dân tộc các nhà lãnh đạo đất nước luôn coi trọng vai trò của trí thức. Việc sử dụng nhân tài, trí thức là vấn đề quan trọng. Lịch sử Việt Nam còn lưu giữ nhiều câu nói, nhiều tấm gương về thuật dùng người. Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước vững. Có người tài và sử dụng đúng khả năng người tài vào việc dân, việc nước mãi mãi là vấn đề thời sự với mọi thời đại.
Toàn văn Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu của Hồ Chủ tịch đăng trên báo Cứu Quốc số 134 ra ngày 5/1/1946 như sau:
“Ngày mai mồng 6 tháng Giêng năm 1946.
Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ.
Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình.
Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: Về mặt trận quân sự, thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn.
Ngày mai, quốc dân ta sẽ tỏ cho thế giới biết rằng dân Việt Nam ta đã:
Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ,
Kiên quyết chống bọn thực dân,
Kiên quyết tranh quyền độc lập.
Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước.
Ngày mai, người ra ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu thì ít, lẽ tất nhiên, có người được cử, có người không được cử.
Những người trúng cử, sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng.
Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc.
Người không trúng cử, cũng không nên ngã lòng. Mình đã tỏ lòng hăng hái với nước, với dân, thì luôn luôn phải giữ lòng hăng hái đó. Ở trong Quốc hội hay ở ngoài Quốc hội, mình cũng cứ ra sức giúp ích nước nhà. Lần này không được cử, ta cứ gắng làm cho quốc dân nhận rõ tài đức của ta, thì lần sau quốc dân nhất định cử ta.
Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”.