Rét đậm, rét hại từ ngày 30/12/2020 đến 2/1/2021, người dân cần chủ động giữ sức khỏe, bởi đây là đợt rét kỷ lục, hậu quả của giá rét gây ra cho sức khỏe là rất khó lường.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, miền Bắc sẽ đón đợt rét đậm, rét hại tăng cường từ ngày 30/12/2020 đến 2/1/2021. Người dân cần chủ động giữ sức khỏe, bởi đây là đợt rét kỷ lục, hậu quả của giá rét gây ra cho sức khỏe là rất khó lường.
Bệnh nhân nhập viện gia tăng
Theo Sức khỏe đời sống, rét đậm kéo dài nhiều ngày qua ở phía Bắc đã khiến người già và trẻ nhỏ nhập viện gia tăng. Người bị đột qụy, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh hô hấp, cúm… do thời tiết đã tăng lên đáng kể.
Theo số liệu thống kê của Khoa Khám bệnh, BVĐK tỉnh Hòa Bình, trong khoảng 1 tuần qua, số lượng bệnh nhân đến khám tuy không có sự đột biến, vẫn duy trì khoảng trên dưới 600 bệnh nhân/ngày. Tuy nhiên có sự gia tăng các ca bệnh do thay đổi nhiệt độ, thời tiết như: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen ở người lớn; trẻ em thì bị các bệnh lý như hô hấp, viêm mũi họng, viêm phổi… Đặc biệt, trời lạnh, người có bệnh tim mạch chuyển biến xấu hơn, nguy cơ suy tim, đột quỵ, tai biến... tăng cao hơn so các mùa khác.
Các bệnh viện ở Hà Tĩnh tiếp nhận nhiều ca bệnh nguy hiểm liên quan đến tim mạch của người cao tuổi. Theo thống kê, hiện nay, số lượng bệnh nhân vào Khoa Tim mạch - Lão học (BVĐK tỉnh Hà Tĩnh) điều trị tăng hơn 20% so với những ngày bình thường. BS. Phạm Hữu Đà, Trưởng khoa Tim mạch - Lão học cho biết: Hầu hết các trường hợp mắc các bệnh liên quan đến tim mạch vào điều trị tại khoa trong mấy ngày gần đây đều là người già và mắc các bệnh lý nền như: tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh liên quan đến thận, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... Không chỉ người già, thời tiết chuyển lạnh cũng khiến số trẻ đến khám và điều trị tăng. Trung bình mỗi ngày khoa Nhi BVĐK tỉnh Hà Tĩnh tiếp nhận từ 15 - 20 ca, có những ngày trên 30 ca.
Tại Khoa Nhi, BVĐK Xanh Pôn Hà Nội, trẻ em nhập viện tăng khoảng 15-30% so với trước đó, nhiều nhất là các bệnh về hô hấp, cúm A. Theo các bác sĩ, hầu hết trẻ mắc cúm A phải nhập viện đều chưa tiêm phòng cúm. Nhiều phụ huynh nghĩ con chỉ sốt thông thường tự mua thuốc hạ sốt về điều trị, khi con sốt cao liên tục, có trường hợp co giật mới đưa tới viện.
Thông tin từ BV Tim Hà Nội cho biết, những ngày gần đây, bệnh viện tiếp nhận 1.400 - 1.500 bệnh nhân đến khám/ngày, tăng khoảng 10% so với thời điểm bình thường.
Tại Hà Giang, BVĐK huyện Mèo Vạc trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 250-300 lượt khám, tập trung chủ yếu tại các khoa: Nhi, Tim mạch, Tai mũi họng, Hô hấp... Số người già bị tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, đột quỵ, xương khớp nhập viện tăng khoảng 25% so với những ngày thời tiết không giá lạnh.
Tại BVĐK huyện Đồng Văn (Hà Giang), tỷ lệ trẻ em đến khám tăng gần gấp đôi so ngày thường, trung bình từ 30 đến 40 ca/ngày. Đa số các trường hợp phải nhập viện do viêm họng, viêm phế quản, viêm tai giữa. Ngoài trẻ nhỏ, tỷ lệ người cao tuổi điều trị nội trú tại khoa nội cũng tăng lên đáng kể, khoảng 40 ca/25 giường bệnh, chủ yếu mắc phải các bệnh đường hô hấp, tim mạch, tăng huyết áp.
Thay đổi nhiệt độ đột ngột, đặc biệt với người già, cơ thể thích ứng chậm, nếu mắc kèm thêm các bệnh mạn tính như tăng huyết áp sẽ khiến mạch máu bị co lại, ảnh hưởng tuần hoàn, lưu thông máu đến não và tim bị tắc nghẽn... Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột khi người cao tuổi dậy sớm đi tập thể dục, vì vậy cần phải thay đổi thói quen này. Cần mặc ấm, mặc nhiều lớp áo, dễ cởi ra hoặc mặc vào để phù hợp với điều kiện thời tiết. Nếu tập thể dục thì nên khởi động kỹ, sau quá trình tập, cần làm nguội cơ thể một cách từ từ”.
Tuyệt đối không đốt than sưởi ấm trong phòng kín
Trong những ngày qua, đã có những trường hợp ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than củi trong phòng kín. Để tránh rét, người dân cần trang bị các thiết bị sưởi ấm an toàn như lò sưởi, máy sưởi. Tuy nhiên, ở những vùng kinh tế khó khăn chưa trang bị được các loại máy móc hiện đại, người dân có thể sử dụng than củi để đốt và sưởi ấm tuy nhiên phải sử dụng đúng cách.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân tuyệt đối không đốt than, củi để sưởi ấm hoặc nấu nướng trong không gian kín, kể cả dùng khí gas bởi khi đốt, ôxy sẽ tiêu hao dần, trong khi CO độc hại hoặc CO2 sẽ ngày càng tăng. Có thể sử dụng than củi sưởi trong thời gian ngắn nhưng cần mở hé cửa để bảo đảm thông khí và chỉ sưởi ấm khi mọi người còn thức; không dùng sưởi qua đêm và đóng kín cửa phòng. Người dân cần tắt lửa triệt để khi không sử dụng.
Trong trường hợp phát hiện có nạn nhân bị ngộ độc khí than, người nhà cần khẩn trương làm thông thoáng không khí bằng cách mở rộng cửa. Trước khi đi vào vùng nhiễm độc, cần mang khẩu trang ẩm, nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm. Nếu bệnh nhân thở yếu, ngừng thở phải thổi ngạt ngay bằng hô hấp nhân tạo và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Để phòng tránh rét, các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần chú ý giữ ấm cơ thể, ăn đủ chất dinh dưỡng, uống đồ ấm. Với trẻ em, thực hiện tiêm vaccine phòng các bệnh liên quan; đeo khẩu trang, mặc đủ ấm cho bé khi ra đường. Tránh cho trẻ không tiếp xúc người đang bị cảm cúm. Ðối với người cao tuổi, không nên ra ngoài trời tập thể dục vào sáng sớm, khi trời còn nhiều sương và gió mạnh. Ðáng chú ý, người dân cần đặc biệt cảnh giác với các tai nạn trong quá trình sưởi ấm, như ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than tổ ong trong nhà kín; bỏng lửa, bỏng do tai nạn lò sưởi, quạt sưởi.
Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em trong tình hình thời tiết tiếp tục rét đậm, rét hại kéo dài, các bác sĩ khuyến cáo các bậc cha mẹ không nên chủ quan, cần chú ý chăm sóc trẻ tốt, giữ ấm đúng cách và đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, bổ sung thêm rau quả tươi chứa nhiều vitamin để nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Vệ sinh đường hô hấp cho trẻ em hàng ngày bằng cách súc miệng nước muối, nhỏ mũi bằng dung dịch natri clorid 0,9%. Việc lau rửa, tắm cần thực hiện nhanh bằng nước ấm và ủ ấm ngay sau khi tắm. Không nên cho trẻ ra ngoài trời rét khi không cần thiết.
Nếu thấy trẻ có biểu hiện sốt, ho, sổ mũi, rối loạn tiêu hóa,… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị đúng cách. Không được tự ý mua thuốc về cho con uống, tránh tình trạng thuốc dùng không đúng khiến bệnh không khỏi mà còn nặng thêm, có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ hoặc gây khó khăn cho việc điều trị.