Sau 40 năm kể từ khi ngày 20-11 trở thành ngày Nhà giáo Việt Nam, đội ngũ nhà giáo luôn được tôn vinh, động viên tinh thần để cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục.
Nguồn gốc ngày Nhà giáo Việt Nam
Tháng 8/1957, Hội nghị quốc tế các nhà giáo họp tại Warszawa (Ba Lan) đã thông qua bản Hiến chương các nhà giáo và quyết định lấy ngày 20-11 hằng nǎm là "Ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo".
Trong ngày 20-11/1958, lễ kỷ niệm không những được tổ chức tại Hà Nội, mà còn diễn ra từ Vĩnh Linh đến các vùng biên giới hải đảo. Việc tổ chức Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo 20-11 hằng năm đã sớm trở thành ngày hội truyền thống của giáo giới Việt Nam.
Đây là một ngày hội lớn tôn vinh những người dạy học và những người trong ngành giáo dục, thể hiện truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta hàng ngàn đời nay. Vào ngày 20-11, các thế hệ học sinh sẽ thể hiện lòng biết ơn, tri ân sâu sắc đến thầy cô giáo của mình. Tuy nhiên không phải ai cũng biết rõ về nguồn gốc, ý nghĩa của Ngày Nhà giáo Việt Nam.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT là người đề xuất lấy ngày 20-11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Năm 1981, ông được Bộ trưởng Bộ Giáo dục điều động từ Trường Đại học sư phạm Quy Nhơn ra làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục. Khi đó, Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp còn chưa nhập lại thành Bộ GDĐT như ngày nay.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ được phân công phụ trách mảng cơ sở vật chất và chăm lo đời sống của giáo viên. Khoảng thời gian đó, lúc nào ông cũng suy nghĩ, trăn trở về việc chăm lo, cải thiện đời sống giáo viên.
Thời điểm đó, đời sống nhân dân còn rất nhiều khó khăn, ngành giáo dục cũng trong tình cảnh khó khăn chung đó. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho biết, trong lúc nền kinh tế còn đang khó khăn, việc đề xuất tăng lương cho giáo viên là không khả thi.
Thế rồi, với cương vị là Thứ trưởng Bộ Giáo dục, ông đã nghiên cứu lịch sử ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo, thấy rằng đây là nguồn cội động lực tinh thần mà ngành giáo dục nên tận dụng và phát huy.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ đã báo cáo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đề xuất: “Hằng năm ngành giáo dục đào tạo và nhân dân vẫn chào đón ngày 20-11 như một trong các ngày truyền thống lớn của cả nước. Nên chăng Bộ Giáo dục cùng với Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp làm tờ trình lên Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đề nghị lấy ngày 20-11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam, để hằng năm tổ chức để động viên các thầy cô giáo, coi đây là động lực tinh thần tiếp sức cho ngành giáo dục”.
Sau đó, đề xuất này được Bộ trưởng Bộ Giáo dục đồng ý, giao cho Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ chủ trì trao đổi với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, các bộ, ngành liên quan. Sau khi có sự đồng thuận của các bên, soạn thảo văn bản, tờ trình gửi Hội đồng Bộ trưởng xem xét phê chuẩn.
Thể theo nguyện vọng của giáo giới cả nước, kiến nghị của các tổ chức như Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Tổng Cục dạy nghề, Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em và Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Hội đồng Bộ trưởng nhất trí và đã ban hành Quyết định số 167-HĐBT ngày 28/9/1982 do Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp ký, quyết định lấy ngày 20-11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Trăn trở chữ "Thầy"
Một sự kiện có tính quốc tế sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình, đã được Việt Nam lưu giữ và phát huy, trở thành ngày truyền thống của đất nước. Từ đó đến nay, cứ đến ngày 20-11, đội ngũ nhà giáo luôn được tôn vinh, động viên tinh thần để cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục.
Hơn 70 năm công tác trong ngành Giáo dục, mỗi khi đến dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ có rất nhiều thế hệ học sinh, sinh viên đến thăm, ôn lại kỉ niệm cũ và chia sẻ câu chuyện cuộc sống.
Ông tâm sự: “Mỗi năm có một ngày như vậy, tôi cảm thấy rất vui. Có những học sinh già rồi nhưng vẫn nhớ và vượt đường xa đến thăm thầy. Bên cạnh đó, có những học trò trở thành lãnh đạo, cán bộ chủ chốt ở các tỉnh. Gặp lại những người học trò thành công trong cương vị mới, tôi cảm thấy vô cùng tự hào”.
Tục ngữ có câu “Không thầy đố mày làm nên”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh tới vai trò, tầm quan trọng của người thầy. Thầy giáo là những người truyền thừa giá trị đạo đức, tri thức và nhân văn tới thế hệ tương lai. Do vậy phẩm cách đạo đức của người thầy là vô cùng quan trọng.
“Những người mang trên vai một chữ “Thầy” thì bản thân họ sẽ tự nhận thấy trách nhiệm to lớn của mình đối với thế hệ sau, từ đó luôn nghĩ phải làm sao để thế hệ sau trưởng thành và góp phần trong sự nghiệp xây dựng đất nước”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói.
Vai trò người thầy rất quan trọng nhưng theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nhà giáo chưa được quan tâm đúng mức. Thu nhập không đủ để giáo viên trang trải cuộc sống nên họ khó có thể tận tâm, tận lực làm việc và cống hiến.
“Ngày 20-11 cũng là dịp để xã hội hiểu hơn về nghề giáo. Khi toàn bộ xã hội quan tâm tới người thầy, sẽ tiếp thêm động lực để giáo viên hoàn thành sứ mệnh của mình”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ bày tỏ.