Ngày thơ Việt Nam 2016: Lần đầu có sân thơ thiếu nhi

Hoàng Minh 20/02/2016 06:15

Ngày 19/2 tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã giới thiệu kế hoạch tổ chức Ngày thơ Việt Nam. Theo đó, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 14 sẽ diễn ra tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám vào Rằm tháng Giêng năm Bính Thân, tức 22/2. Trong đó, điểm nhấn và thay đổi duy nhất sau 14 lần tổ chức là lần đầu tiên, sẽ có sân thơ của thiếu nhi đứng chung với sân thơ trẻ tại sân Thái Học - Văn Miếu. 

Ngày thơ Việt Nam 2016: Lần đầu có sân thơ thiếu nhi

Ngày thơ Việt Nam năm 2014.

Ươm mầm tài năng “nhí”

Cụ thể, Sân thơ Thiếu nhi sẽ diễn ra trên một trong hai sân khấu chính tại khu vực trung tâm. Sau khi sân thơ truyền thống khai mạc, bắt đầu lúc 9h30, chương trình thơ Thiếu nhi sẽ mở đầu Ngày thơ trên sân Thái Học, sau đó sẽ là phần trình diễn của chương trình thơ Trẻ. Chủ đề chung của Sân thơ Thiếu nhi và Thơ Trẻ có tên “Đường Xuân”. Dẫn chương trình chung trên sân Thái Học là nhà thơ Hữu Việt và nhà văn Di Li. Sân thơ Thiếu nhi năm nay được thực hiện bởi 3 đơn vị: Báo Thiếu niên Tiền phong, NXB Kim Đồng và CLB “Đọc sách cùng con”.

Sân thơ Thiếu nhi sẽ hội tụ các bài thơ quen thuộc với các thế hệ trẻ em Việt Nam bên cạnh những bài thơ do chính các tác giả nhí sáng tác. Hai nhân vật chính sẽ chạy xuyên suốt câu chuyện thơ trên sân thơ Thiếu nhi năm nay do Đức Hải và Bảo Châu đảm nhiệm.

Góp mặt trong chương trình còn có nhóm nhảy “Cào cào” của CLB “Đọc sách cùng con”, nhóm nhảy đến từ Trường THPT Kim Liên và đội kèn trống và đồng ca của các bạn nhỏ đến từ trường THCS Nguyễn Tri Phương.

Trong đó điểm nhấn là Hồng Khanh, giọng ca từng lên sóng The Voice Kids. Tham gia Sân thơ Thiếu nhi còn có 2 tác giả nhí Ý Nhi và Ngọc Chân, những gương mặt vừa đoạt giải cuộc thi sáng tác “Cây bút Tuổi hồng” do báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức.

Tại đây, sân thơ Thiếu nhi sẽ hội tụ các bài thơ quen thuộc với các thế hệ trẻ em Việt Nam bên cạnh những bài thơ do chính các tác giả nhí sáng tác.

Nhà thơ Thụy Anh cho biết: “Câu chuyện thơ của các bạn nhỏ từ không gian thường nhật đầy áp lực học hành vươn ra khoảng trời mơ ước, bay bổng. Chỉ có thơ ca mới biến nó như một giấc mơ trở thành sự thật đối với các em”.

Đặc biệt tại sân chơi này trong số 13 tác giả sẽ có 10 tác giả trẻ, 1 tác giả/tiết mục thơ địa phương, 2 tác giả thơ quốc tế đến từ Cộng đồng châu Âu (trong đó có tác giả đoạt giải thưởng văn học Goncourt). Ngoài ra, trong số 10 tác giả trẻ đọc thơ, có 8 tác giả lần đầu tiên xuất hiện tại Sân thơ Văn Miếu, tác giả trẻ nhất là một nữ học sinh lớp 11, năm nay 17 tuổi đã từng giành được một số giải thưởng văn học.

“Mỗi tác giả thay vì đọc 1 bài như mọi năm thì nay sẽ đọc từ 2 đến 3 bài, đây là một đổi mới trong đọc thơ để bạn đọc có thể nhận diện đầy đủ hơn về một tác giả trẻ”, nhà thơ Hữu Việt cho biết.

Lễ hội hóa ngày thơ

Ngoại trừ việc ra mắt Sân thơ Thiếu nhi, và sự tham gia của các tác giả quốc tế đến từ cộng đồng châu Âu, Ngày thơ Việt Nam năm nay trong không gian Văn Miếu- Quốc Tử Giám sẽ không có nhiều thay đổi. Theo đó, trong kế hoạch sẽ bao gồm các chương trình đọc thơ, ngâm thơ, trình diễn thơ và hoạt động của các đoàn nghệ thuật trên cả 3 sân Văn Miếu, Thái Học, Hồ Văn.

Tại Thiên Quang Tỉnh, sẽ diễn ra lễ khai mạc không gian triển lãm về các nhà thơ thời kỳ chống Pháp; khai mạc gian trưng bày nét đẹp văn hóa của các tỉnh, thành phố, các trường đại học… 26 CLB thơ trên cả nước sẽ tiến hành các hoạt động phong phú trên phố Nghệ thuật tại khu vườn Văn Miếu.

Chương trình “Thả thơ” là màn trình diễn truyền thống và độc đáo bế mạc Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XIV. Theo nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, mục đích hướng tới vẫn là lễ hội hóa ngày thơ.

Nhân dịp này, phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam phối hợp với lãnh sự quán các nước thành viên của EU và các trung tâm văn hóa châu Âu tại Việt Nam cũng tổ chức giới thiệu các tác phẩm thơ ca châu Âu chọn lọc tại ngày thơ.

Đặc biệt, nhà thơ André Velter (Pháp) và nhà văn, nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu Jean - Pierre Orban (vương quốc Bỉ) cũng sẽ có mặt tại gian thơ EU để giao lưu với khán giả của Ngày thơ Việt Nam.

Trong Ngày thơ Việt Nam 2016, NXB Kim Đồng ra mắt tuyển tập thơ “Quả địa cầu” của thần đồng thơ một thời Hoàng Hiếu Nhân, đồng thời tái bản các tập thơ nằm lòng với nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam, như “Ai dậy sớm” (Võ Quảng), “Những bài thơ nho nhỏ” (Phạm Hổ), “Góc sân và khoảng trời” (Trần Đăng Khoa), “Bầu trời trong quả trứng” (Xuân Quỳnh) và “Con muốn mặc áo đỏ đi chơi” (Phan Thị Thanh Nhàn).

Nhiều hoạt động văn hóa nhân dịp Tết Nguyên Tiêu tại TP.HCM

Dịp Tết Nguyên Tiêu (Rằm tháng Riêng 2016), tại TP HCM diễn ra nhiều hoạt động văn hóa – nghệ thuật được tổ chức quy mô lớn.

Cụ thể, Hội Nhà văn TP phối hợp Chi hội Nhà văn Việt Nam tại TP tổ chức ngày thơ Việt Nam lần thứ 14, diễn ra trong 3 ngày (20/2 đến 22/2).

Ngoài ra, hội thảo “Sức sống thi ca đô thị” sẽ diễn ra vào ngày 20/2 tại trụ sở Hội Nhà văn TP. Tại hội thảo này, các tham luận sẽ tập trung nội dung về đời sống thi ca tại thành phố trong 5 năm gần đây.

Dịp này, chương trình giao lưu với sinh viên, giảng viên trường ĐH KHXH&NV TP HCM cũng sẽ diễn ra vào chiều ngày 22/2, với sự tham gia của các nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Lê Thị Kim, Đặng Thị Thanh Hương, Nguyễn Vũ Tiềm, Nguyễn Phong Việt…

Hồng Phúc

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngày thơ Việt Nam 2016: Lần đầu có sân thơ thiếu nhi