Chuyến thăm MTTQ Việt Nam vào ngày 22-6 của Đoàn cựu cán bộ, chiến sĩ Ban Trí vận- Mặt trận Khu ủy Sài Gòn- Gia Định được GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam gọi là: Ngày trở về của những người con kiên trung dưới mái nhà Mặt trận. Vì thế, vượt qua thông lệ xã giao thường thấy ở những cuộc thăm viếng, ngày trở về thấm đẫm niềm tự hào, sẻ chia.
GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTWMTTQ VN thăm
hỏi các cựu cán bộ, chiến sĩ Ban Trí vận- Mặt trận Khu ủy Sài Gòn- Gia Định
Những bông sen sống trong bùn
Cuộc gặp gỡ giữa Đoàn cựu cán bộ chiến sĩ Ban Trí vận- Mặt trận khu ủy Sài Gòn với những người làm công tác Mặt trận diễn ra trong không khí cả nước vừa kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đã thực sự trở thành cuộc hội ngộ giữa hai thế hệ. Nhiều câu chuyện được kể lại, nhiều cái tên được nhắc đến…sống động như một thước phim quay chậm bởi chính người trong cuộc.
Trong không khí xúc động, cô gái Bùi Thị Xuân năm nào bỗng như sống lại một thời hoa lửa. Ở tuổi 16, 17 rực rỡ tươi xinh, cô gái đất thép Củ Chi Bùi Thị Xuân đã trở thành cán bộ của Ban Trí vận, sẵn sàng cầm súng vào bất cứ chiến trường nào.
Lúc bấy giờ, bà Xuân nghĩ mình sẽ được phân công ra chiến trường đánh giặc vì thế bất ngờ khi được tổ chức phân công làm giao liên công khai trong nội thành Sài Gòn. Theo bà Xuân, làm giao liên trong nội thành là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. “Giao liên là mạch máu của Đảng. Mạch máu mà chảy không thông suốt thì Đảng không thể tồn tại”. Với niềm tin và trách nhiệm lớn lao ấy, bà Xuân cùng đồng đội đã kiên cường, hiên ngang sống trong lòng địch, trở thành những cô gái Sài Gòn được người dân thành phố yêu thương che chở nên chẳng một ai nao núng kể cả khi bị địch bắt, bị tra tấn chết đi sống lại nhiều lần.
Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, bà Xuân cùng đồng đội được giao nhiệm vụ công khai rải truyền đơn tuyên truyền cho bà con tiểu thương Chợ Lớn. Một đồng đội truyền đơn nhầm vào tay địch thế là bị bắt. Và trong cuộc chiến khốc liệt ấy, bà Xuân cũng từng bị địch bắt.
“Khi bị địch bắt, tra tấn nếu như người chiến sĩ không giữ vững khí tiết thì tất yếu sẽ khai ra đồng đội của mình và như thế sẽ làm lộ bí mật của tổ chức, thiệt hại vô cùng to lớn. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, tôi luôn giữ hai chữ khí tiết ấy như “bông hoa sen sống trong vùng bùn” dù bị địch tra tấn suốt ba tháng trời, cũng không hé nửa lời, rồi tôi ở tù cho đến ngày giải phóng” bà Xuân nhớ lại.
Viết nên trang sử vàng
Câu chuyện của bà Bùi Thị Xuân chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện oanh liệt của những cán bộ Ban Trí vận chưa thể kể hết trong khuôn khổ một cuộc hội ngộ.
Theo thầy giáo Kiều Xuân Long, cán bộ Ban Trí vận, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định là trung tâm của phong trào đấu tranh đô thị, là địa bàn trọng điểm của chiến trường miền Nam. Thử thách hết sức gay gắt đối với Đảng bộ thành phố lúc bấy giờ không chỉ là vượt qua biết bao gian lao, ác liệt, hy sinh mà chính là sự đọ sức với kẻ thù về mưu lược, về trí tuệ của từng tập thể cấp ủy, của từng đảng viên để tồn tại, bám trụ, gây dựng phong trào, phát động và tổ chức nhân dân đứng lên đấu tranh cách mạng.
Ngay sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam và Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng Khu Sài Gòn - Gia Định ra đời năm 1960, Ban Trí vận - Mặt trận đã được thành lập do Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát vừa là trưởng Ban vừa là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định.
Dưới ngọn cờ chính nghĩa của Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam và Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng Khu Sài Gòn – Gia Định, các phong trào vận động nhân dân, trí thức đã kết thành một sức mạnh rộng lớn, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, không phân biệt tôn giáo, đảng phái cùng vì một mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
“Cho đến ngày đất nước thống nhất- Ban trí vận vẫn tồn tại- và đó là điều không thể ngờ nhất của những người ở bên kia chiến tuyến” ông Kiều Xuân Long khẳng định.
Bày tỏ sự trân trọng với những đóng góp của mỗi đồng chí lão thành cách mạng trong đội ngũ Ban Trí vận – Mặt trận Khu ủy Sài Gòn – Gia Định, ông Vũ Thanh Lưu, Phó Chủ tịch UBMTTQ TP. Hồ Chí Minh cho rằng, đây là những người đã từng tham gia các cuộc đấu tranh trong lòng địch, các vùng nông thôn, mà Mặt trận đã kết gắn các lực lượng trí thức, nhân sỹ, công nhân, nông dân, phong trào học sinh, sinh viên tại Sài Gòn – Gia Định nhất là thời gian từ năm từ 1968 – 1975 đã làm cho Mỹ- ngụy phải luôn luôn tìm cách đối phó.
Đây cũng chính là những nền tảng cách mạng đã được xây dựng một cách vững chắc để đi đến mốc son lịch sử Xuân Mậu thân 1968 và cao nhất là Đại thắng mùa Xuân 1975, viết nên những trang sử vàng chói lọi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc đó ngày 29/4/2012 Ban Trí vận – Mặt trận Khu ủy Sài Gòn – Gia Định vinh dự đón nhận danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân do Chủ tịch nước trao tặng.
Biểu tượng lịch sử
Lắng nghe những chia sẻ của đoàn cựu cán bộ Ban Trí vận, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ niềm tự hào và xúc động khi được gặp 30 cán bộ đại diện cho những người còn sống và cả những người đã mất… trở về Mặt trận. Dưới mái nhà này, những người là đồng đội của các bác, các cô, các chú như Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã từng làm việc ở đây, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
"Mỗi lần gặp lại những người làm Mặt trận qua các thời kỳ, chúng tôi càng thấm thía cuộc đấu tranh giải phóng thống nhất đất nước ta là cuộc chiến vô cùng đặc biệt” Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, thông thường trong một cuộc chiến bên này là ta, bên kia là địch. Ở Việt Nam có vĩ tuyến 17, bên kia vĩ tuyến 17 là vùng địch tạm chiếm nhưng bên địch lại có ta. Từ các vùng đồng bằng cho đến đô thị đều có lực lượng của ta. Chính nhờ những lực lượng tại chỗ này đã làm cho cuộc chiến bớt đổ máu, các thành phố hầu như còn nguyên vẹn.
“ Chúng tôi không thể nói hết từng con người, từng tấm gương, những người làm nên lịch sử của dân tộc, thậm chí còn có những người không được ghi tên trong lịch sử... Mặt trận xin thay mặt đồng bào cả nước luôn ghi nhớ công lao đóng góp dù thầm lặng hay công khai của những người chiến sĩ từ Bắc chí Nam với tổ quốc” Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Với sứ mệnh nối tiếp trang sử truyền thống, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cuộc đời cách mạng của các bác, các cô, các chú trong Ban Trí vận chính là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay. Cuộc đời đã được đúc kết bằng bài học cách mạng: chỉ có đoàn kết, sáng tạo và ý chí mới giúp chúng ta vươn lên.
Hiện nay, mặc dù hầu hết những thành viên của Ban Liên lạc Trí vận- Mặt trận khu uỷ Sài Gòn- Gia Định đã tuổi cao, sức yếu nhưng hoạt động của Ban liên lạc vẫn rất phong phú, chọn việc để làm, tổ chức được nhiều hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc như nghiên cứu, tập hợp, sưu tầm và phát hành 2 tập sách “Nhân sĩ trí thức Sài Gòn- Gia Định đồng hành cùng dân tộc giai đoạn 1930-1954” và “Kỷ yếu truyền thống Ban trí vận- Mặt trận Khu uỷ Sài Gòn Gia Định thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, những tập sách này đã khắc hoạ về hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, về những nhân sĩ trí thức Sài Gòn- Gia Định đã dấn thân vào hoạt động cách mạng.
“Những cuốn sách được viết bằng mồ hôi và máu của người chiến sĩ cách mạng- những người cán bộ Trí vận, dù hôm nay đã tuổi cao sức yếu nhưng vẫn cống hiến sức mình cho xã hội, xứng đáng là biểu tượng của lịch sử, xứng đáng là những địa chỉ sống của lịch sử cho thế hệ trẻ tìm đến” Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Dạ Yến - Ảnh: Hoàng Long
Đội ngũ Ban Trí vận ngày ấy với những cái tên đã đi vào lịch sử như Giáo sư Hoàng Xuân Nhị, KS. Nguyễn Ngọc Nhật (con của Giáo chủ Cao Đài Nguyễn Ngọc Tương), nhà toán học Lê Văn Thiêm, Giáo sư Lý Chánh Trung, Bác sĩ Lương Phán, Linh mục Võ Thành Trinh, Đại đức Thích Giác Nguyên, Ký giả Nguyễn Văn Mại… các văn nghệ sĩ như Năm Châu (Nguyễn Thành Châu), Nhà văn Á Nam Trần Tuấn Khải, Nhà báo Phi Bằng Cao Minh Chiếm… |